Hàn Quốc: Thi hoa hậu hay thi tay nghề phẫu thuật thẩm mỹ?

03/07/2016 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại các hoa hậu Hàn Quốc từ những năm 1960, khi chưa có công nghệ chỉnh sửa ảnh và phẫu thuật thẩm mỹ tiên tiến như hiện nay, thật bất ngờ khi các nhan sắc các hoa hậu thời đó thậm chí đôi phần vượt trội “hậu bối” bây giờ.

Tất nhiên, chuẩn mực về vẻ đẹp mỗi thời mỗi khác. Những năm 1980 về trước, người Hàn Quốc ưa thích phụ nữ tròn trịa, phúc hậu. Về sau, mảnh mai, cá tính mới là tiêu chí đánh giá nhan sắc. Dù vậy, thời nào cũng thế, sự lành mạnh, khỏe khoắn bao giờ cũng gây được cảm tình.

Những búp bê cứng đờ

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, không ở đâu, vẻ ngoài lại trở thành nỗi ám ảnh lớn như ở Hàn Quốc. Ở xứ sở kim chi, nhan sắc đi cùng với phẩm chất và danh dự của một con người. Điều này không chỉ đúng với phái đẹp mà còn áp dụng cả với các đấng mày râu. “Mặt tiền” quan trọng tới mức phẫu thuật thẩm mĩ rất được hoan nghênh tại đây, như một bàn đạp để tiến thân.


Khuôn mặt cứng đờ của Hoa hậu Hàn Quốc 2015 Lee Min Ji

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ chỉnh sửa nhan sắc cao nhất thế giới. Riêng khu Gangnam tại thủ đô Seoul đã có tới hơn 500 trung tâm “dao kéo”.

Nếu sống tại Seoul, một trong những thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới, nơi thường xuyên phải giáp mặt với những vẻ ngoài bóng bẩy, sẽ là rất khó để thoát khỏi sức quyến rũ của phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, không có gì lạ khi tại cuộc thi nhan sắc hàng đầu Hàn Quốc, các thí sinh đều tận dụng triệt để công nghệ phẫu thuật cực kỳ phát triển và phổ biến tại nước này.

Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, các hoa hậu Hàn Quốc luôn vướng “nghi án dao kéo”. Đương kim Hoa hậu Hàn Quốc Lee Min Ji cũng từng bị cộng đồng mạng chê bai bởi vẻ cứng đờ, bóng nhẫy như tượng sáp. Nhiều người tin rằng cô là sản phẩm của các bác sĩ phẫu thuật.

Gần đây nhất, hình ảnh các thí sinh dự thi Hoa hậu Hàn Quốc 2016 lại khiến nhiều người ngã ngửa vì họ quá giống nhau, như từ cùng một lò thẩm mỹ. Không những thế, nhiều thí sinh còn để lộ cằm độn kì dị, cũng như khuôn mặt cứng đờ, căng nhẫy vì tiêm botox.

Mất đi vẻ tự nhiên trời cho, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc giờ giống như một cuộc đua tay nghề giữa các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.


Vẻ đẹp tự nhiên của Hoa hậu Hàn Quốc năm 1982 Park Sun-Hee

Sắc đẹp vì mục đích cao cả

Những cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu, đây đơn thuần là những cuộc thi phô bày vẻ ngoài kiều diễm của các thí sinh, thậm chí, từng được tổ chức với mục đích… quảng cáo mẫu áo tắm.

Những cuộc thi này từng vấp phải chỉ trích gay gắt từ công chúng, thậm chí là từ Giáo hội. Thi hoa hậu được cho là cổ súy cho chị em phụ nữ chạy đua theo các tiêu chuẩn vẻ đẹp, tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho bề ngoài phù phiếm; thậm chí, làm hại sức khỏe bản thân để có vóc dáng ưng ý.

Không những thế, thi sắc đẹp còn bị coi là hình thức xem thường phụ nữ, coi họ như những đồ vật trưng diện.

Về sau, các cuộc thi hoa hậu dần thay đổi, bổ sung các phần thi về tài năng, trí tuệ. Các thí sinh không những đẹp người, mà còn phải đẹp nết, biết sử dụng “sắc đẹp vì mục đích cao cả”.

Hoa hậu không những phải giữ hình ảnh bề ngoài, mà còn phải là tấm gương về đạo đức, nhân ái để nhiều người noi theo. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng ra quy định thí sinh dự thi phải có vẻ đẹp tự nhiên, tức là “không qua phẫu thuật thẩm mỹ”.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực cải thiện hình ảnh cuộc thi hoa hậu từ phía các nhà tổ chức, những năm gần đây, các cuộc thi nhan sắc ngày một biến tướng, khi sự hào nhoáng bề ngoài ngày một lấn lướt vẻ đẹp nhân cách bên trong.

Việc chạy đua “mặt tiền” bằng phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc là một trong những dấu hiệu đó. Cách đây hai tuần, hoa hậu Anh Zara Holland cũng bị tước vương miện bởi lối sống phóng túng, ham mê nổi tiếng mà bất chấp phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ.

Giả Bình
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm