Hai liveshow và cú chạm lơ đãng

01/08/2016 06:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, cuối tháng 7 thị trường biểu diễn tại TP.HCM bỗng “ồn ào” với hai liveshow ca nhạc. Đặt chữ “ồn ào” này vào 5 năm trở về trước thì quả là nực cười khi với số lượng hai liveshow quả là quá khiêm tốn. Nhưng giờ đây, khi TP.HCM không còn là bãi đáp vàng cho giới biểu diễn thì bỗng hai liveshow này hóa ra lại trở thành đặc biệt.

Sự đặc biệt ấy đến từ những cái đầu tiên. Sau 20 năm, nhạc sĩ Việt Anh có liveshow đầu tiên, Dòng sông lơ đãng. Trong khi đó, sau 5 năm tồn tại, nhóm 365 làm liveshow đầu tiên để rồi sẽ tan nhóm sau đó. Một liveshow chú trọng phần “nghe”, liveshow còn lại hấp dẫn phần “nhìn”.

Một liveshow đại diện cho một nhạc sĩ bắt đầu nổi từ khi mô hình liveshow khởi sự gây bão (1996), liveshow còn lại của một nhóm nhạc được thành lập (2011) khi mô hình liveshow bắt đầu thoái trào. Cả hai liveshow ấy đều có điểm chung là đang chứng kiến sự thật rằng xu hướng liveshow “đã hết hạn sử dụng” và thời vàng son khi xưa đã qua đi.

"Dòng sông lơ đãng": Có nghe nhưng thiếu câu chuyện

Liveshow Dòng sông lơ đãng mang ý nghĩa của một chặng hành trình 20 năm mà nhạc sĩ Việt Anh nói rằng như thể một bản tình ca gồm những nốt nhạc trầm và thăng xen lẫn.


Khoảnh khắc ca sĩ Thu Phương và nhạc sĩ Việt Anh trên sân khấu

Ở đó, công chúng gặp lại một Việt Anh của mảng sáng tác ca khúc với chặng đường được chia làm 3 giai đoạn rõ rệt: Thời Làn sóng xanh, thời xa quê  nhà và thời hiện tại. Cả 3 mảng này được ráp nối xen kẽ nhau để thấy rõ một sự thống nhất trong phong cách sáng tác của anh: Sang trọng và sâu lắng.

Chỉ có điều “sự thống nhất” này thiếu hẳn một bàn tay biên tập sắc sảo để có thể làm rõ “ven” của từng thời kỳ. Khán giả của đêm 29/7 dường như chờ đợi một điều gì cao hơn cả âm nhạc của Việt Anh. Bởi 20 năm trôi đi, qua nhiều thăng trầm, một liveshow đầu tiên được mở ra hẳn sẽ có nhiều câu chuyện thú vị để được kể.

Nhưng chẳng có câu chuyện nào được kể ra và khán giả thì tự động đi tìm cảm xúc. Ngay cả linh hồn của chương trình, nhạc sĩ Việt Anh, lại là người yên ắng nhất. Lúc này mới thấy bàn tay dàn dựng nội dung quan trọng như thế nào. Nếu tác giả vốn đã là một người nổi tiếng kiệm lời thì những câu chuyện âm nhạc cần phải được kể bởi những người trình diễn.

Nhưng những bài hát thì cứ nối tiếp nhau, người cũ, người mới theo một lộ trình thiếu điểm nhấn và không gian âm nhạc của Việt Anh, dù toàn những bài hay, vì thế cứ bị trôi đi theo phương ngang.

Ngay cả giây phút xúc động nhất của đêm diễn với sự xuất hiện trở lại của nhóm Saigon Boys thì lại quá ít ỏi. Họ, đúng ra nên được đứng lâu hơn bởi những câu chuyện cần được kể thêm. Bởi họ là đại diện của một thời rực rỡ của V-Pop, chứng kiến những khoảnh khắc vàng son của nhạc trẻ Việt và đã cùng nhau đi qua nhiều miền cảm giác khó có thể quên được.

Không phủ nhận những giọng ca mới đem lại một sức hút mới mẻ cho âm nhạc Việt Anh như Nguyên Thảo, Trung Quân nhưng ở chặng đường đánh dấu 20 năm, đêm nhạc Việt Anh cần thêm những người bạn cũ bởi họ là chủ nhân của những câu chuyện mà công chúng rất hứng thú để được chia sẻ. Một mình Đàm Vĩnh Hưng không thể đem lại cảm giác Mưa phi trường như Lam Trường ngày nào. Một mình Quang Dũng khó có thể đem lại cảm giác trọn vẹn khi nghe Ngày hôm qua là thế như giọng hát Hồng Nhung…

Bên cạnh đó, Thu Phương, người được xem sẽ là nữ hoàng của đêm, đã không những làm đúng vai trò của mình mà còn “kéo” dài thêm thời gian bởi những phần diễn “sâu” hơn dự kiến và biến chương trình về đoạn cuối như trở thành liveshow của riêng cô. Phần này đúng ra, sẽ là sự gợi lại nhiều cảm xúc nhất nhưng cuối cùng bị trôi tuột đi bởi những khoảnh khắc ngoài kịch bản.


Nhóm 365 trong liveshow đầu tiên và cuối cùng của mình

The Impact: Có chạm nhưng chưa nổ

Nếu như đêm liveshow Việt Anh thiếu phần câu chuyện thì nhóm 365 với liveshow đầu tiên của mình, cũng vướng vào điều này, họ thiếu những điểm nhấn.

Thật ra những điểm nhấn của liveshow 365 là khó rõ ràng trong ý đồ đạo diễn nhưng hơi nhạt nhòa. Sự nhạt nhòa đến từ việc dựng bài không làm khắc họa rõ hơn con đường mà nhóm này sẽ đi sau khi tách rời. Phần trình diễn solo của từng thành viên vẫn quá ít ỏi để có thể khắc họa rõ nét hơn cách mà họ sẽ thể hiện sau này.

The Impact, như cách giải thích của “bà bầu” Ngô Thanh Vân là bốn thiên thạch khi gặp nhau sẽ gây ra một sự “bùng nổ” lớn nhưng sự bùng nổ ấy chỉ gây “đã” ở phần câu chuyện còn phần nhìn thì vẫn chưa thật sự có những chiêu trò sân khấu gây ấn tượng đặc biệt.

Càng xem 365 lại càng tiếc cho mô hình nhóm nhạc cứ ngày càng rụng dần ở V-Pop. Những giọt nước mắt của các thành viên, của khán giả như thể đại diện cho sự tiếc nuối một mô hình nhóm nhạc đúng ra cần phải được xuất hiện nhiều hơn.

Nhưng cả 365 với mô hình nhóm nhạc được xem là tiên tiến cũng không thể thoát khỏi quy luật thị trường đã đến hồi bão hòa. Điều này tương đồng với mô hình liveshow cũng đang thất thế tại mảnh đất từng được xem là bãi đáp vàng của giới biểu diễn, TP.HCM.

Cho nên, khi cả 2 liveshow của nhạc sĩ Việt Anh và nhóm 365 diễn ra cùng lúc dễ làm liên tưởng tới những hào quang khi xưa của nhạc Việt. Giờ nó vừa mang tính ngậm ngùi lại vừa xót xa.

Liveshow Việt Anh chú trọng tới phần nghe nhưng nghe chưa đã. Liveshow 365 quan tâm tới phần nhìn nhưng “nhìn” lại thiếu những hiệu ứng gây ấy ấn tượng và những điều này cũng giải thích phần nào vì sao những liveshow ngày càng thiếu vắng khán giả ở TP.HCM, bởi nó thiếu chút riêng và cũng không mang lại nhiều yếu tố đặc biệt.

Cả 2 liveshow, dù được chú ý đặc biệt, cuối cùng đã trở thành những cú chạm lơ đãng.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm