Hà Nội giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong nhân dân

11/11/2020 18:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 4 năm triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc tuyên truyền, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.

Thành phố tích cực duy trì và phát triển mạng lưới thư viện quận, huyện và cơ sở; tăng cường các hoạt động luân chuyển sách về tủ sách cơ sở, về các chi hội người khiếm thị, phục vụ thư viện lưu động tới các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc các huyện ngoại thành... nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tập trung xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc.

Ngày Hội sách Hà Nội được tổ chức hằng năm đã trở thành một hoạt động có ý nghĩa không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa, xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để ôn lại truyền thống văn hiến Thăng Long- Hà Nội. 

Thành phố cũng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm. Nổi bật, 100% vốn tài liệu của Thư viện thành phố được cập nhật trên cơ sở dữ liệu; thực hiện sản xuất sách nói cho người khiếm thị: 76 tên sách (19.347 trang), 304 đĩa CD; biên soạn 79 thư mục, gồm thư mục sách mới, thư mục chuyên đề, thư mục sách phục vụ Hội thi “Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách hè”; xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn: 1.841 tên sách (164.760 trang).

Chú thích ảnh

Thành phố cũng mở rộng hợp tác quốc tế, đơn cử trong lĩnh vực xuất bản, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam tại Hội chợ sách quốc quốc tế Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức). Quy mô tổ chức, số lượng các đơn vị xuất bản tham gia và các hoạt động tại Hội chợ sách của Hà Nội ngày càng tăng và đi vào chiều sâu…  

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; duy trì hoạt động thư viện truyền thống, đẩy mạnh phát triển thư viện theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của người sử dụng thư viện.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Văn hóa đọc Hà Nội xưa

Theo Nhà nghiên cứu Giang Quân, Văn hóa đọc trở thành nếp quen cho mọi thành viên trong gia đình Hà Nội. Hà Nội trước đây, các gia đình phần lớn đều có giá sách, tủ sách, dùng chung cho cả nhà. Các nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học thường có cả phòng đọc sách riêng đồng thời cũng là phòng làm việc của chủ nhân.

Không phải ai muốn đọc gì thì đọc mà còn có quy định: các em từ 16 tuổi trở xuống chỉ được đọc sách dành cho thiếu nhi, không được xem tiểu thuyết của các nhà xuất bản Tân Dân, Ngày Nay, Ðời Mới, Cộng Lực... Những sách quý, sách giá trị đều được đóng bìa cứng, gáy vải hoặc gáy da mạ chữ vàng, ngoài tên tác giả, tên sách, còn có tên tủ sách gia đình... Bên trong lại có dấu son 'Tủ sách gia đình' rất trang trọng đóng ở trang bìa giả. Không chỉ có sách, còn nhiều loại báo, tạp chí cũng được đóng thành bộ từng năm hoặc nửa năm một như Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Phong hóa, Ích hữu, Ngày nay, Phổ thông bán nguyệt san, Hà Nội báo, Trung Bắc tân văn chủ nhật, Thanh nghị, Tri tân, Phụ nữ thời đàm... Thiếu nhi có Truyền bá, Sách hồng, Hoa mai... Tủ sách gia đình các nhà nho có sách chữ Hán, chữ Nôm; gia đình trí thức mới có sách tiếng Pháp xuất bản ở nước ngoài, các loại từ điển.

Một số doanh nhân giàu có cũng lập tủ sách gia đình, đóng bìa cứng gáy da mạ chữ vàng, mua các bộ từ điển Bách khoa, từ điển song ngữ để trong tủ kính sáng choang đặt ở phòng khách. Tủ sách này chỉ để trưng bày còn sử dụng không nhiều.

Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan có tủ sách gia đình rất lớn, có hàng nghìn cuốn sách quý xuất bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nay trở thành gia bảo của con cháu họ Vũ. Ông chủ nhà xuất bản Tân Dân Vũ Ðình Long qua sách biếu, sách trao đổi nên tủ sách gia đình rất đồ sộ. Ngày Thủ đô mới giải phóng, tôi đến thăm, ông nằm trên giường đệm gấm, giữa các bức tường là sách bày gáy trong tủ kính.

Người Hà Nội ngày ấy chưa có các phương tiện thông tin điện tử nên báo hằng ngày, hằng tuần là thức ăn tinh thần chủ yếu. Sáng tinh mơ đã có tiếng trẻ rao: 'Ðông Pháp, Trung Bắc tân văn báo ơ!'. Công chức vừa đọc báo, vừa ăn sáng trước khi đi làm. Nhà khá giả đặt mua báo hằng tháng, báo năm được giá rẻ hơn và được tặng các số đặc biệt, số Tết... nên báo tăng giá giữa kỳ không phải trả thêm.

Về sách, báo thời trước do quan điểm phong kiến nên loại dành cho phụ nữ không nhiều. Rất ít sách về nữ công gia chánh, sách làm đẹp. Phụ nữ chỉ cần biết đọc, biết viết, không cho con gái học nhiều. Cả thành phố chỉ có hai, ba trường dành riêng cho nữ sinh mà thôi.

Văn hóa đọc ngày ấy thành nếp quen của người Hà Nội. Người ta chờ đợi đúng ngày xuất bản để mua những số báo, tập sách còn thơm mùi giấy mực. Sách chỉ xén hai cạnh, còn cạnh trên vẫn nguyên nếp gập, phải lấy dao dọc ra mới đọc được, cho nên phân biệt sách mới, sách đã dùng rõ ràng.

Bây giờ, sách xuất bản tràn lan, mỗi tháng có tới hàng trăm tên sách. Nhà xuất bản cũng có hàng trăm. Nhưng số lượng xuất bản từng cuốn lại không nhiều. Nếu như ngày Thủ đô mới giải phóng và những năm 1960 - 1970, có cuốn in lần đầu đã hàng vạn bản, sau tái bản nhiều lần, tổng số có tới ba, bốn chục vạn bản như Thơ Tố Hữu, Nhật ký trong tù, Từ tuyến đầu Tổ quốc... Nay có cuốn chỉ in vài ba trăm, chủ yếu để tặng, chứ bày bán chắc cũng ít ai mua. Có một loại sách hấp dẫn với các em, đó là truyện tranh nước ngoài. Rằng hay thì thật là hay nhưng có nhiều vấn đề không thích hợp với bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn hóa đọc với lớp trẻ bị hạn chế vì sự bùng nổ của các chương trình phát thanh, truyền hình trên màn ảnh nhỏ. Chỉ cần một máy điện thoại, họ có thể xem tin tức, đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh, nghe nhạc ở mọi lúc, mọi nơi... Chỉ có những người già còn gắn bó mật thiết với văn hóa đọc.

Lịch sử phát triển tất nhiên phải có những thay thế nhất định. Nhưng dù sao văn hóa đọc vẫn là thứ cơ bản. Người đọc vừa xem vừa ngẫm nghĩ, vừa thấm nhuần những tư tưởng mà từng trang sách mang tới. Ðiều đó ít tìm thấy trên mạng, chủ yếu chỉ để lướt nhanh cho biết. Có rộng nhưng khó sâu.

Thảo Nhi

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm