Góc nhìn 365: Trao hy vọng cho tương lai

14/09/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra vào tối 12/9: Lễ phát động chương trình Sóng và máy tính cho em được thực hiện trực tuyến từ các điểm cầu: Tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng như toàn bộ các tỉnh thành trên toàn quốc.

Góc nhìn 365: Ngày khai giảng khó quên và không thể quên

Góc nhìn 365: Ngày khai giảng khó quên và không thể quên

Một bức ảnh đặc biệt đang được liên tục chia sẻ trên mặt báo và không gian mạng kể từ hôm qua 5/9 - thời điểm mà học sinh cả nước bước vào lễ khai giảng năm học mới.

Chương trình hướng tới một cái đích đặc biệt: Kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu điều kiện học tập trực tuyến.

Cần nhắc lại, thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến ngày 12/9, toàn quốc có khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang tham gia học tập theo hình thức trực tuyến. Trong số đó, khoảng 1,5 triệu học sinh tại 26 tỉnh thành chưa có máy tính và cần được hỗ trợ.

Đáng nói, ngoài máy tính, những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật cũng ảnh hưởng lớn tới hình thức giáo dục trực tuyến và phần nào vượt khỏi khả năng khắc phục của nhiều học sinh. Điển hình, gần đây, báo chí đã nhiều lần nhắc tới việc một số học sinh tại một số nơi phải đi bộ vài km và dựng lán tại đồi cao để bắt sóng 3G khi học tập. Để rồi, trong lễ phát động tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy sự xúc động đặc biệt khi nhắc tới câu chuyện này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Bởi thế, đúng như tên gọi “Sóng và máy tính cho em”, hệ thống hạ tầng (internet hoặc sóng 4G), thiết bị (máy tính) và chi phí học trực tuyến (cước phí sử dụng mạng) chính là mục tiêu trực tiếp của cuộc vận động để kêu gọi toàn xã hội bù đắp “khoảng trống” hiện nay.

Vắn tắt, theo kế hoạch, toàn bộ các điểm chưa có kết nối internet di động tại những vùng đang giãn cách (283 điểm) và xa hơn là trên toàn quốc (1.910 điểm) sẽ được phủ sóng trong năm 2021 này. Về thiết bị, chương trình dự kiến huy động 1 triệu máy tính trong năm 2021 để hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên nghèo tại những vùng giãn cách và tiến tới trang bị cho 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc ở 2 năm tiếp theo.

Ngoài ra, để giảm gánh nặng chi phí học trực tuyến, chương trình cũng có nhiều hình thức hỗ trợ - điển hình là miễn phí 4Gb mỗi ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên nghèo trong 3 tháng để học trực tuyến....

***

Nhưng, những gì vừa diễn ra không đơn thuần chỉ là một sự kiện của ngành giáo dục, dù giáo dục cũng đang là lĩnh vực được toàn xã hội quan tâm trong bối cảnh hướng về một nền kinh tế tri thức như hiện nay.

Hơn 2 thập niên kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, internet và những ứng dụng công nghệ liên quan đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội... của chúng ta. Và, sự lan tỏa đặc biệt ấy khiến nhiều người trẻ sẽ không hình dung nổi về những ngày tồn tại đầu tiên của nó, khi vào cuối thập niên 1990, internet ở Việt Nam chỉ được sử dụng bởi một số rất ít những người hoặc trong giới công nghệ, hoặc... nhà có điều kiện.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi Lễ phát động trực tuyến toàn quốc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Không có gì lạ, đặc trưng của một ứng dụng công nghệ, cũng như những yêu cầu về kỹ thuật và hạ tầng đi kèm, đã khiến internet mặc định chỉ xuất hiện ở những nhóm đối tượng như thế. Để rồi, khi kinh tế và cả việc phổ cập tri thức được nâng cao, gần như đại đa số công dân tại các đô thị đều dần thành thạo, hoặc chí ít là được làm quen, với mạng internet và những ứng dụng đi kèm.

Còn bây giờ, khi internet đã được phủ sóng rộng và trở thành một trong những tiền đề của cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới cũng như tại Việt Nam, rõ ràng chúng ta đang cần xóa nốt những “điểm lõm” - như cách gọi của ngành truyền thông - đâu đó còn tồn tại trên cả nước. Những “điểm lõm” hạn chế sự tiếp cận với internet ấy có thể đến từ điều kiện hạn chế của mỗi địa phương và cũng có thể từ khó khăn của mỗi gia đình.

Chọn thế hệ còn ngồi trên ghế nhà trường để tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với việc học hành trực tuyến một cách dễ dàng nhất, đó cũng là bước đi quan trọng để chúng ta củng cố và đặt thêm nền móng cho một Việt Nam tương lai, với những khái niệm “kinh tế số”, “xã hội số” đang ngày càng quen thuộc và được kỳ vọng như chìa khóa để chúng ta bứt phá.

Như ví dụ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với những chiếc máy tính và hệ thống hạ tầng được hỗ trợ ấy, các học sinh ở vùng sâu vùng xa có thể giúp cha mẹ mình mua bán trên các sàn thương mại điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền qua chiếc điện thoại. Và về lâu dài, đó cũng là phương tiện giúp các em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến lại cho cuộc đời.

Không có gì lạ, khi chỉ một thời gian rất ngắn sau lễ phát động, một dòng thác ủng hộ từ nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã đổ về chương trình“Sóng và máy tính cho em”. Và chắc chắn, dòng chảy ấy sẽ còn tiếp tục trong nhiều ngày tới, khi mà sự hỗ trợ tới các mầm non trên ghế nhà trường được gắn kèm với những hy vọng của chúng ta cho tương lai gần.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm