Góc nhìn 365: 'Cạm bẫy' đầu đời

27/09/2022 06:37 GMT+7 | Văn hoá

Những ngày này, tại nhiều thành phố trong cả nước, các trường đại học đang tấp nập chào đón các tân sinh viên về làm thủ tục nhập học. Đối với các tân sinh viên năm nhất, việc sống xa nhà sẽ là một điều khó khăn khi phải tập thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới.

Góc nhìn 365: 'Thuốc thử' đầu đời

Góc nhìn 365: 'Thuốc thử' đầu đời

Một cột mốc rất được mong chờ sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 15/9 - khi nhiều trường đại học chính thức công bố điểm chuẩn đầu vào. Xa hơn, trong vòng một vài ngày tới, toàn bộ các trường đại học trên toàn quốc đều có điểm chuẩn.

Đặc biệt, tại đó, các em sẽ phải tự rèn luyện các kỹ năng sống để nhận diện được những “cạm bẫy”, biết được những mánh khóe lừa đảo trong việc cho thuê nhà trọ, tìm việc làm thêm, chuyển khoản nộp tiền... để tránh những cú sốc đầu đời...

Những cạm bẫy ấy không phải là hiếm, nếu chúng ta nhìn lại những gì từng diễn ra. Điển hình, đầu tháng 9 này, một trường đại học phía Nam đã phát đi cảnh báo về việc kẻ xấu giả mạo thông tin của trường để yêu cầu một số phụ huynh và thí sinh đóng học phí cho năm học mới bằng hình thức chuyển khoản. Tương tự, ít ngày trước đó, các thí sinh xét tuyển vào một trường đại học phía Nam khác cũng bất ngờ nhận được email thông báo đã trúng tuyển “học bổng 50%” của trường đại học (nhưng khi xác minh tại trường thì hoàn toàn không có thông tin này).

Chú thích ảnh
Nhà trọ sinh viên (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chuyện thuê nhà trọ thì lại có chiêu bài khác. Nắm bắt được nhu cầu thuê trọ ở những dịp như thế này tăng cao, nhiều “cò mồi” tung ra các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền của sinh viên rồi biến mất. Thủ đoạn của chúng thường là nhắn tin, tư vấn rất nhiệt tình, gửi cả ảnh, video và nói rõ các chi phí dịch vụ... Sau đó, “cò mồi” có xin số điện thoại, gọi tư vấn trực tiếp và yêu cầu đặt cọc, “nếu không cọc luôn sẽ cho người khác thuê”.

Thực tế, đã có những sinh viên chia sẻ trên mặt báo về việc bị lừa vì nôn nóng đặt cọc như vậy.

Rồi vài tháng trước, vụ lừa đảo hàng trăm sinh viên tại Cần Thơ của Trương Quang Anh Đức (22 tuổi) cũng được dư luận chú ý. Trong 2 năm trở lại đây, đối tượng này đã tiến hành hàng loạt vụ lừa đảo quy mô lớn theo cách đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của các sinh viên.

Cụ thể, Đức tự giới thiệu mình là người chạy doanh số cho một số công ty kinh doanh, rồi nhờ nhiều sinh viên đứng tên mua điện thoại di động, laptop trả góp. Mỗi hồ sơ, sinh viên được trả công 400 ngàn đồng. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần cung cấp chứng minh thư, ký tên mua hàng, thậm chí không cần ký. Với hành vi này, Đức đã chiếm đoạt số tiền khoảng 4 tỷ đồng rồi bỏ trốn, khiến nhiều sinh viên bị bên cho vay liên tục siết nợ, hăm dọa gây tâm lý hoang mang lo sợ, nhiều em phải bảo lưu kết quả học tập để làm thuê kiếm tiền trả nợ.

Những câu chuyện trên là những bài học quý báu, cảnh báo các em sinh viên khi lần đầu đặt chân đến nơi đất khách quê người cần phải tỉnh táo, hết sức cẩn trọng, tinh ý nhận ra các dấu hiệu lừa đảo. Và chắc chắn, nếu có những băn khoăn nghi ngờ, các em cần trao đổi với người lớn, hoặc liên hệ với phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên của trường đại học để được hỗ trợ.

Tất nhiên, cuộc sống quanh chúng ta vẫn có vô vàn người tốt. Nhưng rõ ràng, các em tân sinh viên không thể chỉ trông chờ vào lòng tốt mà quên đi những cạm bẫy ở chốn xa nhà. Bước vào trường đại học và chuyển sang một trang mới của cuộc đời, các bạn trước hết vẫn phải biết cân nhắc trước những quyết định liên quan tới bản thân, trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết, đủ để không nhẹ dạ cả tin và tránh khỏi những cạm bẫy.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm