Gỡ khó các chương trình nghệ thuật trước nguy cơ hoãn vô thời hạn

30/10/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài khiến hàng loạt các chương trình nghệ thuật giải trí tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có nguy cơ phải hoãn vô thời hạn.

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Thực tế, kịch nói Việt Nam ra đời rất muộn so với các nền kịch lớn của thế giới. Điển hình, nếu xét từ ngọn nguồn của kịch nói nhân loại, chúng ta “thua kém” kịch nói cổ đại Hy Lạp tới 25 thế kỷ.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian vừa qua, trước cửa phòng vé Sân khấu kịch Idecaf ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khán giả đã tìm đến để trả vé của chương trình Ngày xửa ngày xưa. Đây là một trong những thương hiệu nghệ thuật lâm vào cảnh khó khăn khi phải hủy biểu diễn vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Qua hơn 20 năm, với hơn 30 vở kịch, chương trình đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả bởi sự dàn dựng công phu, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động.

Đại diện Sân khấu kịch Idecaf - ông Huỳnh Anh Tuấn - bày tỏ với báo chí: Từ nhiều năm qua, nhờ doanh thu của chương trình dành cho trẻ em mà đơn vị bù lỗ cho việc đầu tư các vở kịch dành cho người lớn tại Nhà hát Bến Thành (Quận 1). Tuy nhiên, nếu thương hiệu Ngày xửa ngày xưa mất đi sẽ không có khoản thu nào để bù vào các chương trình khác. 

Chú thích ảnh
"Ngày xửa ngày xưa" là thương hiệu "cứu" các chương trình sân khấu khác của Idecaf

Ngoài các chương trình trên, một số thương hiệu của các đơn vị công lập cũng bị ngừng trệ do dịch COVID-19 như Làn điệu phương NamCầu vồng tuổi thơ của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình nghệ thuật xiếc - rối Huyền thoại Ba Tư, Mê Kông show của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam; chương trình giới thiệu hát bội cuối tuần tại Thảo Cầm Viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh.

NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận và Sân khấu kịch Hồng Vân không khỏi lo lắng vì chương trình kịch văn học của Sân khấu kịch Hồng Vân hiện vẫn chưa sẵn sàng khởi động.

"Sau nửa năm dịch bệnh căng thẳng, nhiều người mất việc phải đi tìm việc làm... Vì vậy, thương hiệu nghệ thuật của sân khấu chúng tôi vẫn chờ vào sự tiếp ứng của nhà nước để vực dậy hoạt động ý nghĩa này do kịch văn học có ích cho học sinh, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ văn hóa - nghệ thuật nước nhà" - NSND Hồng Vân chia sẻ.

Chú thích ảnh
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Mekong show"

"Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các sân khấu cải lương, kịch nói… đã phải tạm ngưng hoạt động nhiều tháng qua, đời sống anh em công nhân hậu đài, nhân viên kỹ thuật gặp nhiều khó khăn" - NSND Trần Ngọc Giàu,  Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết.

Chia sẻ với báo chí về giải pháp "phá băng" sân khấu biểu diễn hậu dịch Covid-19, NSND Minh Vương tỏ ra lo lắng, bởi ông cho rằng việc xây dựng một thương hiệu biểu diễn cần có thời gian trong nhiều năm nhưng vướng phải đại dịch coi như phải làm lại từ đầu. Theo Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương, nếu không có sự tiếp ứng kịp thời, coi như sẽ mất trắng.

Với chương trình Sân khấu Vàng, Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương có ý định xây dựng một vở diễn 2 thế hệ dựa trên nội dung các tác phẩm kinh điển nhằm tạo năng lượng tích cực cho đội ngũ trẻ thể hiện khả năng sáng tạo. Trong đó, ông và Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy sẽ diễn phần cuối, phần đầu do một cặp đào kép trẻ thể hiện tuyến nhân vật chính.

Chú thích ảnh
Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Thủy và Nghệ sỹ Nhân dân Minh Vương

Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Muốn tồn tại, phát triển thì sân khấu phải vận động, không đổi mới để nâng cao chất lượng về mọi mặt thì sẽ lụi tàn. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi, mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có.

"Hiến kế thì nghe to tát quá, tôi chỉ mong sự trợ giúp kịp thời từ chính quyền địa phương để cứu nguy cho những sân khấu xã hội hóa đang vật lộn sau giãn cách vì dịch Covid-19. Khán giả lo cái no trước khi xem kịch, vậy nghệ sĩ sẽ sống thế nào trong bối cảnh này?" - NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ thêm.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở "Bông hồng cài áo"

NSND Minh Ngọc cũng cho rằng, các đơn vị nghệ thuật công lập ở phía Bắc thời gian qua đã có nhiều giải pháp "kéo khán giả" tới nhà hát. Tuy nhiên, đối với đơn vị xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng nên có kế hoạch cụ thể, tạo gói kích cầu tương tự như cách làm ở Hà Nội để việc bao tiêu vé hoặc trợ giá vé sẽ từng bước giúp các sân khấu tư nhân giữ thương hiệu.

“Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nên tổ chức những buổi nâng cao nghiệp vụ trong công tác dàn dựng các vở diễn đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, biết cách áp dụng ứng dụng của khoa học kỹ thuật để vừa bảo đảm yếu tố nhìn, vừa không làm mất đi nét đặc trưng của từng bộ môn. Cần hơn nữa là bộ quy tắc ứng xử khi nới lỏng giãn cách, phân cấp độ từng vùng để khán giả an tâm đến xem vở mới của các sân khấu”, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hải Ngọc - Hương Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm