Giới siêu giàu Trung Quốc "thổi giá" nghệ thuật

09/10/2011 11:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với việc hàng loạt hoạt động đấu giá nghệ thuật đang nở rộ vào mùa thu năm nay, các nhà sưu tầm đến từ giới giàu mới nổi ở Trung Quốc đang trở thành những người chơi lớn. Họ mua hết và trả giá rất cao cho những tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ di sản văn hoá Trung Quốc, lập kỷ lục giá mới gần như mỗi tuần. Hiện tượng này khiến không ít nhà quan sát phải thốt lên: chẳng mấy chốc thư pháp của Trung Quốc còn bán chạy hơn cả tranh Picasso.

Xu Qiming, con trai một nông dân ở Cixi, gần Thượng Hải, đã làm giàu từ việc xuất khẩu lươn đông lạnh. Giờ đây khi đã có của ăn của để, ông này lại dành hàng triệu đô la để mua các bộ sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc.

Gốm sứ thời Minh đắt ngang tranh Van Gogh

Tương tự là Yang Bin, một trong những chủ đại lý bán xe hơi lớn nhất Bắc Kinh, đã bỏ không ít tiền để khuân veef nhà các tác phẩm nghệ thuật đương đại do những nghệ sĩ Trung Quốc tạo ra. Chơi trội hơn cả là Guan Yi, con trai một kỹ sư hoá chất tới từ thành phố Thanh Đảo, đã bỏ tới 50 triệu USD để mua một lô các tác phẩm nghệ thuật có gốc gác quê hương và mở hẳn một bảo tàng nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh để trưng bày chúng.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đã tạo nên một lớp những người giàu mới nổi. Và không ít người trong số họ giờ trở thành một trong những nhà sưu tầm nghệ thuật lớn nhất, mạnh nhất. Điều đặc biệt nằm ở chỗ họ luôn trả giá rất cao cho tất cả các tác phẩm nghệ thuật tới từ Trung Quốc đại lục.

Chiếc bình sứ thời Minh vừa được bán với giá kỷ lục hơn 21 triệu USD

Bill Ruprecht, Giám đốc điều hành nhà đấu giá Sotheby cho biết người Trung Quốc tiêu chừng 4 tỉ USD mỗi năm chỉ để mua các hoạ phẩm Trung Quốc. Khoản tiền đó lớn hơn toàn bộ doanh thu năm ngoái của Sotheby và nhà đấu giá Christie trong việc bán các hoạ phẩm theo trường phái hiện đại, đương đại và ấn tượng cộng lại.

Với việc mùa đấu giá quý 3 năm nay đang diễn ra tại New York, London và Hong Kong (Trung Quốc), các kỷ lục về giá cho nhiều tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đang bị phá vỡ theo mốc đều đặn hàng tuần. Chỉ riêng tuần này, việc bán các sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc đã chiếm chủ yếu trong doanh số bán sản phẩm nghệ thuật châu Á trị giá 411 triệu USD của Sotherby. Cùng tới từ châu Á song các tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản hay Hàn Quốc lại tiêu thụ khá chậm. Mức giá cao nhất thuộc về một chiếc bình thời Minh, ra đời vào thế kỷ 13 và được bán với giá 21,6 triệu USD, tức ngang giá với một số hoạ phẩm của các hoạ sĩ tài năng như Rembrandt, Titian hay Van Gogh.

Trả giá rất cao cho hàng "nội địa"

Kết quả là thị trường nghệ thuật đang biến đổi để phù hợp theo khẩu vị của các nhà sưu tầm nhiều tiền này. Christie thông báo họ đang thuê nhiều nhân viên nói tiếng Trung ở các văn phòng London và New York để xử lý các cuộc gọi tới từ Trung Quốc.

Christie có lý do để làm vậy: người mua tác phẩm nghệ thuật tới từ Trung Quốc đại lục đã chiếm 1/5 doanh thu toàn cầu của công ty trong năm nay, tăng 8% so với 5 năm trước. "Ngày nào đó, thư pháp Trung Quốc có lẽ còn bán chạy hơn cả tranh Picasso" - Joe Lin-Hill, một giáo sư phân tích thị trường đang lên tại Viện nghiên cứu nghệ thuật của Sotheby đánh giá.

Sotherby nói rằng những người mua trẻ tuổi ở Trung Quốc thường mang về các tác phẩm nghệ thuật châu Á hiện đại và đương đại. Trong khi đó lớp người mua giàu hơn và già hơn lại thích các sản phẩm nghệ thuật truyền thống như đồ nghệ thuật làm từ ngọc bích. Cũng có một số ít là mua các tác phẩm nghệ thuật đắt giá của phương Tây như tranh Pierre-Auguste Renoir và Pablo Picasso. Hồi tháng 5 năm nay, một người mua Trung Quốc đã trả tới 21,3 triệu USD để mua bức "Women Reading" trong cuộc đấu giá tại Sotheby.

Tuy nhiên các nhà sưu tập Trung Quốc ganh đua trả giá mạnh nhất khi những tác phẩm thuộc hàng "quốc bảo" từ nước họ được đem bán, dù là địa điểm đấu giá tổ chức tại nơi nào.

Hồi tháng 3, một nhà sưu tập nghệ thuật Bắc Kinh đã xuất hiện tại nhà đấu giá Labarbe ở Toulouse, Pháp và vượt qua 6 đối thủ khác tới từ châu Á để mua một bức tranh vẽ trên giấy làm từ da đã bị cướp khỏi Tử Cấm thành cách nay chừng một thế kỷ. Và số tiền người chiến thắng phải bỏ ra là 31 triệu USD.

Liệu phương Tây có tham gia cuộc chơi?

Trong quá khứ, người ta từng chứng kiến việc các nhà sưu tập châu Âu và Mỹ định xu hướng và giá cả cho nghệ thuật Trung Quốc. Nhưng với sự xuất hiện của các tay chơi lớn kể trên, gió đã đổi chiều trên thị trường nghệ thuật thế giới. Giờ tới lượt các nhà sưu tập Trung Quốc ra quyết định về các sản phẩm văn hoá của họ, thay vì chịu sự áp đặt từ phương Tây.

Đơn cử như những vật hết sức đơn giản như các viên đá mài mực và lọ đựng bút nghiên có niên đại 300 năm đang được các nhà sưu tập Trung Quốc đua nhau đẩy giá lên cao. "Không ai ở phương Tây muốn sưu tầm những thứ đó" - nhà buôn tác phẩm nghệ thuật người New York James Lally nhận xét và nói rằng chỉ có các nhà sưu tầm nghệ thuật Trung Quốc làm điều ngược lại số đông, vì chúng có liên quan tới lịch sử thi cử của họ.

Hiện tượng kể trên cũng làm dấy lên một câu hỏi lớn cho các chuyên gia nghệ thuật: Nếu gốm sứ thời Minh còn có giá hơn cả tranh Claude Monet, liệu giới sưu tầm quốc tế có đua theo và tham gia đề cao các sản phẩm nghệ thuật tới từ Trung Quốc?

"Trung Quốc giờ có đủ sức mạnh (tài chính) để quyết định rằng nghệ sĩ nào cao giá nhất hiện nay, nhưng vẫn đề là phương Tây có tham gia cuộc chơi ấy? Có một khoảng trống văn hoá lớn, nhưng theo tôi, phương Tây nên bắt đầu nhiên cứu hiện tượng này để tìm hướng điều chỉnh" - chuyên gia Eric Chang của Christie nhận xét.

Gia Bảo (Theo Wall Street Journal)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm