Giấc mơ 'hốt vàng' từ tranh vẽ của Triều Tiên

02/02/2015 06:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều năm vác "hàng túi tiền" tới CHDCND Triều Tiên và quay trở lại cùng hàng trăm tác phẩm nghệ thuật, nhà sưu tầm Frans Broersen tin rằng ông đã nhanh chân có được một miếng bánh béo bở của một thị trường nghệ thuật đặc biệt.

Broersen đã có 7 chuyến đi tới Triều Tiên, nhưng chỉ bắt đầu thu mua tranh từ chuyến đi thứ 2.

Mua tranh vì động cơ lợi nhuận

Khi ấy ông mang theo 300.000 euro, và đã dựa vào trực giác để lựa chọn tranh. “Tôi đến Triều Tiên với những túi tiền, theo đúng nghĩa đen, và tiêu chúng theo cách thức bị người bản địa xem là khác thường” – ông kể, và cho biết thêm đã ghé thăm xưởng vẽ của Son U-Yong.

Sau khi thoả thuận xong về giá cả của các bức tranh, Broersen nói với họ rằng ông muốn “bức này, bức này, bức này nữa" và cứ như thế. “Tôi mua 25 hay 30 bức tranh gì đó. Tất nhiên là mọi người đều há hốc mồm vì ngạc nhiên. Số tiền tôi đã bỏ ra là bao nhiêu chắc chỉ có Chúa mới biết được” - ông nói.


Một số bức tranh Broersen mua từ các nghệ sĩ Triều Tiên đang được trưng bày ở Seoul, Hàn Quốc

Một hệ quả đi kèm sự "vung tay quá trán" này của Broersen là lần sau khi ông tới, giá tranh đã tăng vọt, đôi khi tăng tới 10 lần. Chuyến đi cuối cùng của Broersen là vào năm 2010. Tổng cộng ông đã đầu tư hàng trăm ngàn euro, để mang về 2.500 tác phẩm nghệ thuật đương đại của Triều Tiên. Trong số này có tranh của những hoạ sĩ nổi tiếng như Son U-Yong và Jung Chang-Mo.

Gần đây, 150 bức tranh trong bộ sưu tập của Broersen đã được lựa chọn để trưng bày trong một triển lãm tổ chức tại Trung tâm Kintex ở phía Bắc Seoul, Hàn Quốc. Broersen thừa nhận ông "chưa bao giờ nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật của Triều Tiên" trước khi đến Bình Nhưỡng, và khá thẳng thắn về động cơ thu mua các bức tranh.

"Tôi muốn thu lợi từ những khoản đầu tư mình đã bỏ ra" - ông nói với hãng tin AFP, rồi cho biết thêm rằng đã hợp tác cùng 2 người Hà Lan trong thương vụ này - "Chúng tôi không phải những nhà hảo tâm."

Broersen đang đi theo chiến lược mà bản thân từng thực hiện và thành công trước đây. Ông đã thu mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Nga vào khoảng năm 1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ. Sau đó giá các bức tranh này đã tăng vọt khi thị trường mới xuất hiện tại Nga."Cả bộ sưu tập là một sự đầu tư lớn và lâu dài. Thử nghĩ xem, nếu một ngày nào đó hai miền Nam - Bắc Triều Tiên thống nhất, thị trường sẽ xuất hiện và giá trị của những tác phẩm này sẽ tăng lên đáng kể" - ông nói - "Vào thời điểm hiện tại, về cơ bản là không có thị trường tiêu thụ nghệ thuật Triều Tiên, bởi các tác phẩm nghệ thuật không được mua bán, trao đổi".


Frans Broersen (trái) kiểm tra một bức tranh trước khi khai mạc cuộc triển lãm tranh Triều Tiên ở Seoul

Đầy rủi ro chờ đón các nhà đầu tư

Một số nhà phê bình đã gọi chiến lược kinh doanh của Broersen giống như việc "mua bừa" hơn là sưu tầm. Họ cũng tranh cãi về chất lượng của các tác phẩm mà ông đã mua trong các chuyến đi tới Bình Nhưỡng, bắt đầu từ năm 2005. Theo họ, các nhà sưu tầm nghiêm túc sẽ gặp nhiều rủi ro khi muốn thu gom tranh từ Triều Tiên.

"Nguồn gốc tác phẩm luôn là một vấn đề lớn" - Carey Park, một chuyên gia nghệ thuật tại Đại học Quốc gia về Di sản Văn hoá ở Hàn Quốc, nhận định. Park cho biết các nghệ sĩ ngôi sao ở Triều Tiên, như Son và Jung, thường cho ra nhiều bản sao những tác phẩm nổi tiếng nhất của họ. Các bức tranh này lại được nhiều nghệ sĩ khác chép lại để đông đảo công chúng có thể thưởng thức.

"Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong hệ thống nghệ thuật của Triều Tiên" - Park nói. Ông cũng cho biết nền nghệ thuật Triều Tiên cho ra lò nhiều tác phẩm phù hợp riêng với thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

Những yếu tố trên khiến việc tìm ra một tác phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở Triều Tiên là điều đặc biệt khó khăn. Koen De Cuester, một chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật Triều Tiên ở Đại học Leiden, Hà Lan, nhấn mạnh rằng chỉ có nguồn lực tài chính hùng hậu là chưa đủ. Giới đầu tư phải có hiểu biết về chuyên môn cũng như tình hình nghệ thuật ở Triều Tiên.

"Một bức tranh tới từ Triều Tiên không có nghĩa nó đại diện cho nghệ thuật Triều Tiên" - De Cuester nói với AFP - "Triều Tiên sản xuất ra rất nhiều tranh chỉ phù hợp với thị hiếu nước ngoài, hoặc họ cho là người nước ngoài thích thế. Giá trị nghệ thuật của các tác phẩm như thế rất đáng ngờ, không cần biết nó được tạo ra khéo tới đâu".

De Cuester chỉ ra một tác phẩm trong triển lãm của Broersen, vẽ hình một người phụ nữ mặc áo tắm hai mảnh và một đứa trẻ đang vầy nước. "Tác phẩm này sẽ khó có thể được trưng bày ở Triều Tiên. Đương nhiên nó được vẽ để phục vụ thị trường nước ngoài” – Ông nhận xét.

Theo De Cuester hiện chỉ có khoảng từ 2 đến 3 ba bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật Triều Tiên có chất lượng cao. “Chúng được xây dựng trên cơ sở cả chục năm, thậm chí là hàng thập kỷ nghiên cứu về nghệ thuật Triều Tiên, được tiếp xúc với các tác phẩm, hiểu về các nghệ sĩ và bối cảnh ra đời tác phẩm" - ông nói.

Thục Anh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm