Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Đinh Viễn - người thầy nghệ sĩ vùng mỏ

26/01/2022 19:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong “Tiếng hát át tiếng bom” thời kháng chiến chống Mỹ, các đội hợp xướng thiếu nhi của nhiều tỉnh cùng góp giọng từ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Trong tuyển tập "Giải nhất văn chương" (NXB Hội Nhà văn, 1998) ở trang ghi danh sách những người được giải cuộc “Thi ca dao 1961 tuần báo Văn học” có tên Bút Ngữ. Bài ca dao được giải của Bút Ngữ được tuyển vào sách Tiếng Việt 2 (tập 2, NXB Giáo dục, 1996).

Đội Sơn Ca của Hà Nội, Hải Yến của Hải Phòng, Vàng Anh của Nam Định, Họa Mi của Quảng Ninh… Chuyển qua thời bình, tỉnh Quảng Ninh dùng tên chim “Họa Mi Vàng”, cho các cuộc thi hát thiếu nhi, tổ chức thường niên.

Gắn với Họa Mi Vàng 1992 là ca khúc Em yêu giờ học hát của tác giả Đinh Viễn, tác phẩm được đưa vào giáo khoa mới Âm nhạc 6 bộ Cánh diều, bắt đầu sử dụng từ năm học 2021 - 2022

Ông Đinh Viễn kể, mình viết bài này khi đang là thầy giáo dạy văn trường THPT huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đang là cây viết sung sức, đa năng - văn, thơ, nhạc, họa… của tỉnh. Viết để thiếu nhi trong huyện mang đi thi Họa Mi Vàng. Năm ấy, cũng là năm Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, ông gửi Em yêu giờ học hát tham gia và không được giải.

Nhưng năm 1998 khi đưa con đi thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương ngoài Hà Nội, ông bỗng nghe sinh viên trong trường hát bài của mình, hỏi chuyện các em, mới biết, Em yêu giờ học hát đã được vào giáo trình của trường nhưng với tên tác giả Đặng Viễn. Tên mình nhưng khác họ, nghĩ là lỗi nhà in, ông cũng cho qua không khiếu nại gì. Mãi tới 2018, nhóm biên soạn Âm nhạc 6 bộ Cánh diều tới Quảng Ninh xin phép đưa bài hát vào sách, tên Đinh Viễn mới được in đúng ở vị trí tác giả bài Em yêu giờ học hát.

Chú thích ảnh
Tác giả Đinh Viễn

Một bài hát hay

Bài hát được dạy ở tiết đầu tiên của chương trình lớp 6 trong chủ đề Em yêu âm nhạc:

“Đố son son mi đồ mì son lá son/ Giọng em hát vút lên như họa mi vàng/ Một điệu nhạc gọi nắng… nắng lên cho đời/ Một điệu nhạc gọi gió… ơi vui cười// Này nhạc ơi bay bay lên trên đôi cánh em/ Này lời hát ơi ru đôi môi em thêm thắm xinh/ Này nhạc ơi gọi tình bạn hồn nhiên cho em/ Hát mãi cho nắng đẹp và hát mãi khúc nhạc vui/ Này nhạc ơi trao cho em bao nhiêu ước mơ/ Này lời hát ơi ru em bay trên đôi cánh thơ/ Hát mãi câu hát đẹp và hát mãi cho đời vui/ Mí mí rê mí sòn sòn mí mí rê sì đô”.

Em yêu giờ học hát có ca từ giàu chất thơ, một giờ học tiến hành trong lớp nhưng đầy nắng và gió, âm nhạc như đã tạo hòa âm thuận giữa con người và thiên nhiên. Câu vào bài và câu kết thúc chỉ có nốt nhạc mà không có ca từ là một cách xử lý thú vị của người sáng tác, tiếng nhạc như tiếng chim, người nghe cảm nhận niềm vui mà không cần văn tự giải thích. Mô tả một giờ học vui nên nhịp điệu cũng không bình lặng, đoạn 1 của bài gồm 16 ô nhịp mà có tới 4 đảo phách ở các ô nhịp 2, 6, 10, 14 khiến dòng nhạc có những bước nhấn sôi nổi, thoát khỏi đơn điệu.

Tác giả Đinh Viễn cho người viết bài xem bản thảo viết tay bài Em yêu giờ học hát và chỉ rõ một chữ có sự khác biệt giữa bản thảo và trang in. Ca từ tác giả viết “Này nhạc ơi bay bay lên trên đôi cánh êm” đã thành “Này nhạc ơi bay bay lên trên đôi cánh em”. Và ông bình luận: “… ca từ đã có nắng, có gió “cánh êm” là cánh chim giữa nắng gió kia. Nhưng chữ “cánh em” có nghĩa mới thật hay, chính các em bay lên bằng âm nhạc”.

Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi tác giả Đinh Viễn ủy thác bản quyền đã cấp phép cho 40 kênh khác nhau sử dụng để biểu diễn Em yêu giờ học hát. Vào YouTube.com thấy con số người nghe Em yêu giờ học hát lên tới nhiều vạn.

Chú thích ảnh
Bài hát “Em yêu giờ học hát” của Đinh Viễn trong sách “Âm nhạc 6”

Một thầy giáo nghệ sĩ

Ngay khi còn là một học sinh trường cấp 3 Trần Phú (Móng Cái) rồi thành sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Việt Bắc, chàng thanh niên Đinh Viễn đã kiếm được tiền mua giấy bút, bằng nhuận bút các bức tranh vui, tranh đả kích ngoại xâm, tranh phê bình nội bộ, vẽ cho báo tỉnh và các báo Văn nghệ, Giáo viên Nhân dân, Quân đội Nhân dân… ngoài Hà Nội.

Cây biếm họa trẻ đã quen việc tới mức vào năm 1967, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng leo thang, số máy Mỹ bị bắn rơi tăng nhanh theo thời gian, có báo từ Hà Nội gửi giấy vẽ chuẩn và thư xuống Quảng Ninh đặt hàng Đinh Viễn vẽ tranh đả kích Mỹ xâm lược nhân chiếc máy bay thứ 2.000 bị bắn rơi, từ vài tuần trước khi máy bay ấy rơi, để họa sĩ có thời gian vẽ kỹ, vẽ sắc sảo từ cảm hứng “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Thầy Đinh Viễn cho người viết bài xem những bức tranh vẽ từ ngày ấy mà ông còn giữ. Nét vẽ thật già dặn so với tuổi 20. Trên tạp chí Văn nghệ Việt Bắc 1970, Đinh Viễn vẽ Tổng thống phe đối địch, tay cầm cây bút trái bom, nối vào ngòi nổ một trái bom khác lớn hơn đã cắm nửa mình vào trái đất, miệng nói, tay viết trên mặt đất: “Tôi muốn được tự tay chôn vùi chiến tranh và thắp sáng 2 chữ hòa bình”.

Cũng về vị Tổng thống ấy, trên tạp chí này, vào năm 1972, Đinh Viễn có thêm một đòn bút khác, tiếp tục lật tẩy, sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Hình nhân vật ấy hiện ra sáng láng với con chim hòa bình trên tay, nhưng trong cái bóng đổ đen sì sau lưng thì con chim đã hóa trái bom!

Trước đó, vào năm 1967 như đã nói, Đinh Viễn vẽ con số 2.000 máy bay rơi chất đầy xác máy bay trên một cái cái thang tre làm cáng cứu thương, đang được khênh bởi 2 đại diện cho chính quyền phe đối địch. Làn khói từ một bát hương trong tranh kết thành con số 2.000.

Bằng sở trường hí hóa, từ Quảng Ninh, Đinh Viễn còn vẽ tranh vui cho báo ảnh Liên Xô ngày ấy. Trong góc hài hước của tờ báo này, Đinh Viễn cười vui với anh chàng bụng bia cỡ bự! Anh xòe ô tự che mưa cho mình, còn cái bụng thùng của anh thì dư sức che mưa cho con chó cưng theo anh dạo phố!

Sau cuộc gặp mặt của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ tại Hà Nội trong 2 ngày 6 và 7/10/1987, bàn chuyện tự do sáng tác, trên báo Quảng Ninh, tác giả Đinh Viễn có bài thơ nói thẳng, nói thật Những cái thực là tôi được dư luận chú ý:

“Tôi nghiêng mình trước quá khứ riêng tôi/ Cầu xin Người đừng nhốt tôi trong vàng son khung kính/ Những mất mát hôm qua, những vụng dại hôm qua, dẫu không dễ trôi đi như ảo ảnh/ Xin hãy trả cho tôi những cái thực là tôi”.

Xin trở lại câu chuyện âm nhạc, không chỉ viết nhạc cho thiếu nhi với số lượng 12 ca khúc, vào năm 2017, Đinh Viễn còn có ca khúc trữ tình Yêu lắm đàn tính ơi phát triển điệu hát then trong lễ hội Lồng Tồng (cầu mưa) của người miền núi phía Bắc, viết tặng các thiếu nữ Tày, để trình diễn hằng năm trong lễ hội các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Ca khúc đã được dàn dựng với sự xuất hiện của tác giả Đinh Viễn, cùng các cô gái Tày và phát trên sóng truyền hình:

“Tay ai dịu dàng nâng niu cây đàn tính/ Và môi xin ngân nga câu hát thiết tha/ Câu s’li, câu lượn du dương mãi trong lòng tôi/ Câu s’li, câu lượn tha thiết trong lòng tôi… đàn tính ơi theo em lên với rừng/ Theo em ra ngọn suối/ Cùng hát lên yêu lắm quê mình ơi”.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1972, thầy Đinh Viễn dạy văn và nhạc ở Trung học Sư phạm Quảng Ninh 2 năm, rồi chuyển về dạy văn trường THPT ở huyện Tiên Yên cho tới khi nghỉ hưu. Lấy cảm hứng từ đất này để say mê vẽ tranh, viết nhạc, soạn kịch… góp sức phát triển đời sống văn hóa văn nghệ địa phương. Thầy Đinh Viễn được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Ninh năm 1973, sinh hoạt cùng chi hội thơ văn với các nhà văn Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Trần Nhuận Minh…

Những trang sử về một vùng biên cương

Thầy giáo - nghệ sĩ Đinh Viễn là người sưu tầm, nghiên cứu, viết sử Đảng cho tất cả 11 xã trong huyện Tiên Yên. Vì thế nhiều người coi thầy như “thổ địa” đất này. Nhà báo Kiều Mai Sơn kể chuyện: “… bên ấm trà Xuân, nhà giáo Đinh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện, mới tiết lộ cho tôi biết rằng, ở Tiên Yên có một con người đã đi vào huyền thoại, với biệt danh “Hùm xám miền Đông”. Trong đầu tôi thoáng nghĩ ngay đến “Hùm xám đường số 4” - Trung tá Đặng Văn Việt. Chẳng lẽ nào ông giáo gọi nhầm? “Cụ Lê Bẩy” - ông giáo Viễn trả lời chắc nịch. Rồi không để tôi phải nửa tin nửa ngờ, ông vào trong phòng văn, mang ra cho tôi xem cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Yên xuất bản năm 1991 đã bạc phếch theo thời gian, mà ông là người chấp bút chính… Tôi đọc rành rõ từng chữ: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì do Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký ngày 29/3/1952 thưởng cho ông Lê Bẩy, Ủy viên Nhân dân Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hải Ninh, Liên khu I”.

Trong các trang sử mà thầy giáo - nghệ sĩ Đinh Viễn chép cho quê hương thứ 2 của mình, người hùng Lê Bẩy là người treo ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hải Ninh, là người chinh phục được nhiều thổ phỉ, là người từng được Bác Hồ mời cơm vào một ngày cuối tháng 12/1945. Hồ Chủ Tịch đã ký tên mình lên tấm giấy nhỏ màu hồng in mấy chữ “Thành đồng Tổ quốc”…

Những giai điệu trẻ, những nét vẽ sắc, những trang sử trung thực của tác giả Đinh Viễn đã giúp ông được UBND tỉnh Quảng Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Vùng mỏ”.

Vài nét về tác giả Đinh Viễn

Tác giả Đinh Viễn sinh năm 1944 tại Kim Bảng, Hà Nam, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐHSP Việt Bắc 1972, hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh từ 1973. Hiện ông sống tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm