Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Thái Chí Thanh không chỉ đồng thoại

22/06/2022 19:47 GMT+7 | Văn hoá

Tháng 7/2009, tập truyện đồng thoại Gấu con học đếm của Thái Chí Thanh được NXB Kim Đồng phát hành 30.632 bản. Từ những nhân vật và cốt truyện, từ thế giới loài vật của tập đồng thoại này, nhóm biên soạn sách Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, đã soạn thành bài Gấu con chia quà, trang 161.

Phẩm chất của 'hạt sương' Thái Chí Thanh

Phẩm chất của 'hạt sương' Thái Chí Thanh

Nhà văn Thái Chí Thanh, người chuyên viết truyện thiếu nhi, bỗng dưng viết ra những ca khúc cũng cho tuổi thơ. Mà viết rất hay. Viết như bị xui khiến. Hồn hậu và ngây thơ. Thật thà đến hoang dại.

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY

Chuyện gấu chia những quả táo bắt đầu từ chuyện gấu học đếm táo theo lời dạy, theo cách khuyến học hấp dẫn của mẹ: “Từ nay, con phải học đếm. Con đếm đến bao nhiêu, mẹ sẽ cho con từng ấy quả”. Khóa học đếm có một bài kiểm tra theo lối thực hành: “Con ra chợ mua quà nhé. Con nhớ đếm đủ người trong nhà kẻo mua thiếu đấy!”. Gấu đếm đủ người trong nhà, bố, mẹ, và 2 em, nhưng lại quên đếm chính mình! Một lãng quên thật dễ thương, tạo cơ hội để bố gấu nối bài học đếm (toán học) vào bài đạo đức, vui tươi, nhẹ nhàng: “Chia quà mà quên phần mình thì chẳng sợ mất phần đâu”.

Từ trang giáo khoa tới âm nhạc, phim ảnh

Thái Chí Thanh giỏi đồng thoại. Nhưng không chỉ đồng thoại, Thái Chí Thanh còn viết ca khúc cho cho thiếu nhi. Trong tập ca khúc Hạt sương ban mai, 41 bài (NXB Hội Nhà văn, 2021), ông cùng thiếu nhi hòa ca, nối nhịp cuộc sống này. “Nào chúng mình tập tô đồng xanh… tập tô rừng xanh… tập tô biển xanh…”. Trên nền giai điệu xanh mênh mông ấy, cún con múa “cái đuôi dài ai khen là ngoáy tít”, mèo con khoe “ngộ ghê đang bé tí teo đã có râu dài”. Còn cô bé âm nhạc khăn quàng đỏ thì tha thiết, nhịp nhàng thưa gửi: “Mẹ ơi con đã hiểu rồi. Tóc mẹ bạc nhanh cho tóc con bồng bềnh, tung bay trong nắng tươi”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Thái Chí Thanh

Bài Hạt sương ban mai trong tập được tuyển vào sách 80 ca khúc thiếu nhi (NXB Thanh niên, 2021), nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (1941-2021). “Hạt sương ban mai đậu lên cánh hoa/ Hạt sương khoe màu hồng/ Hạt sương ban mai đậu lên lá cây/ Giọt sương như giọt mực nhuộm xanh lá cây/ Hạt sương ban mai đậu lên tóc cha/ Tóc cha như mây hạt sương pha mây trời/ Ôi hạt sương ơi ngời trong nắng mai/ Lung linh muôn sắc màu của đất trời quê ta”.

Giọt sương ấy như nốt nhạc tròn trong suốt được tác giả hòa sắc bằng biến điệu âm nhạc, để khi thì hồng, khi thì xanh, khi trắng màu mây. Ca từ như được khúc xạ từ giọt sương ấy để “lung linh” hình ảnh quê hương đất nước.

Thái Chí Thanh còn tham gia làm phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Ở LHP Việt Nam lần thứ X năm 1993, phim Quỷ núi và tình yêu mà ông là tác giả kịch bản, được trao giải Bông sen Bạc. Trong phim, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi và đức hy sinh của con người đã cảm hóa quỷ núi. Phim kết bằng cảnh con quỷ nanh ác hướng thiện, gửi lễ vật mừng đám cưới cô gái mà hắn từng âm mưu chiếm đoạt!

Vì trẻ thơ mà nhà văn Thái Chí Thanh xông xáo, tung tẩy từ trang giáo khoa tới âm nhạc và khung hình phim ảnh.

Sống thật, sống kĩ, để viết hay

Sống đã rồi viết, là cách mà Thái Chí Thanh lựa chọn để bước vào đời văn của mình, cho dù ở thế hệ ông, sống là khoác áo lính cùng nhân dân chống Mỹ cứu nước. Năm 1971, từ sân trường phổ thông trung học ở quê nhà, Thái Chí Thanh thành anh bộ đội đặc công, kịp thử lửa ở mặt trận Quảng Trị khốc liệt.

“Tôi nhớ mãi cái lần nó đuổi, suýt bỏ mạng ở ven sông U Lâu thuộc Phong Điền, Thừa Thiên. Tổ chúng tôi đi trinh sát về, vừa bơi qua sông thì hai chiếc trực thăng bay rất thấp ào đến… May mà ở đó có nhiều lau sậy, bọn tôi lủi vào một bụi um tùm giữa hẻm đồi. Hai chiếc trực thăng vừa sục tìm mục tiêu vừa thi nhau bắn như rưới đạn… Lau sậy rậm quá, chúng không thể thấy, kể cả khi chúng bay sát sạt trên đầu thì chúng tôi lại được đám lau sậy bị gió từ cánh quạt máy bay thổi rạp xuống, che chở… Nhưng hai trực thăng bắn rát… Đành liều, lựa lúc cả hai cái khuất tầm nhìn là phi lên đồi, ẩn vào một bụi sim còn sót lại giữa đồi trơ trụi… Thật hú vía, nơi chúng tôi vừa chạy khỏi chỉ hơn chục giây đã bị đạn trực thăng băm nát tả tơi, đến con chuột cũng không thoát huống chi người… Tôi ra hiệu hai đồng đội chuẩn bị quyết tử. Vừa lúc đó, từ một cao điểm phía ta chốt, cách hơn 500 mét, hai khẩu 12,7 ly của chủ lực ta bắn toàn đạn lửa vào chiếc bay cao. Bị bất ngờ, chiếc trực thăng vội hạ thấp để tránh đạn rồi cả hai cái vội vòng xuống sông U Lâu, chuồn thẳng...” - trích trong phóng sự nhiều kỳ Nước Mỹ như tôi biết, báo Văn nghệ, ngày 19/12/2018.

Chú thích ảnh
Trang SGK có bài của Thái Chí Thanh

Với cách thâm nhập thực tế sinh động như thế, nên khi sang Mỹ làm việc, có dịp tới Las Vegas tìm hiểu cách đánh bạc, Thái Chí Thanh… cũng thắng! Ông kể rất chi tiết: “Tôi chọn đánh với máy, vừa đơn giản, vừa chơi được lâu… Tôi chỉ đánh có 5 - 10 cent một lần nhấn… Được rồi thua, thua rồi được, đánh mãi cũng không hết số tiền 20 đô-la đã nạp, đoàn lại giục đi ăn, tôi đánh đến 80 cent một lần cho nhanh hết. Nào ngờ, cả cỗ máy như rung lên với tiếng nhạc reo và bất ngờ ngọn đèn như xe cảnh sát trên đầu tôi bật lên chớp xanh đỏ làm tôi phát hoảng. Mọi người xung quanh dừng chơi, tập trung xem tôi. Chúa ơi! Tôi trúng lớn, hơn mười ngàn đô-la… Bà Tổng giám đốc khu casino còn rất trẻ, đến chúc mừng tôi, rồi hỏi thích tiền mặt hay chuyển khoản… Tôi hào phóng chia lộc hậu hĩnh cho mọi người trong đoàn rồi cả hội đi liên hoan mừng thắng bạc. Vui thật”.

Nhưng đâu chỉ chuyện vui, cũng trong phóng sự này còn chuyện buồn, chuyện quê một cục, trên đất Mỹ: “Đoàn nọ, đầu đoàn là vị rất to, sang làm việc với bạn, được bố trí ở khách sạn sang trọng… Cùng với cán bộ sứ quán, chị em phu nhân cũng chung tay làm như việc nhà. Một tối, tôi thấy mấy chị em khiêng một nồi cháo gà to đến khách sạn, tôi hỏi, đi chiêu đãi sao còn phải ăn cháo. Các chị bảo, mấy ông bắt bọn em nấu cháo gà để cho giã rượu. Thế sao không cho vào từng cặp lồng mà mang cả nồi to. Vì mấy ông bảo phải cả nồi, đến đó hâm lại cho nóng… khó khăn lắm khách sạn mới cho mấy chị em khiêng nồi cháo lên thì người ta lại bảo mang về, không cần nữa. Khổ nhất là mang xuống, bị trượt tay, đổ lênh láng...”.

Từng có nhiều năm học ở Nga, làm nhân viên sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, ở Mỹ, nhà văn Thái Chí Thanh đang thuận tay bút trong đề tài Ngày dài xứ lạnh (tên một tập truyện ngắn của ông, trình làng năm 2020 ở NXB Dân trí, dưới bút danh Mạc Thành Chi).

Thông điệp mới từ câu chuyện xưa

Thái Chí Thanh vừa hoàn thành bản thảo truyện dài Phong lan núi, khoảng 50.000 chữ, sau 15 ngày tham gia trại viết văn học thiếu nhi, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, từ ngày 1 tới 15/6/2022.

Vẫn là viết cho thiếu nhi! Nhưng trong tác phẩm mới này Thái Chí Thanh viết về tuổi teen Việt thời chống Mỹ cứu nước. Ông tâm sự về lý do thai nghén, cấu tứ tác phẩm mới: “Tình cờ gặp lại cuốn sổ nhật ký nằm trong tủ sách gia đình. Tôi khẽ lật từng trang giấy đã ố vàng. Một bông phong lan ép khô rơi ra, để lại vết hằn màu nâu nhạt trên trang giấy tựa như phác thảo một bức tranh nhỏ. Bông lan núi thuở nào giờ đây đã ngả màu nâu sẫm, màu của ký ức, của kỷ niệm. Tôi bần thần đọc dòng chữ Bông hoa kỷ niệm của Linh Noi. Linh Noi tiếng dân tộc Thái, nghĩa là chú khỉ con. Những kỷ niệm trong những năm tháng học sơ tán giữa rừng xanh đất Quỳ Châu trỗi dậy”.

Tôi hỏi: Có nhân vật khỉ Linh Noi. Lại truyện đồng thoại về loài vật như Gấu con học đếm? Thái Chí Thanh trả lời: “Không! Chuyện rung động đầu đời tuổi mới lớn của chúng tôi ngày ấy. Của Việt và Hải Yến, họ từ xứ Nghệ và Hà Nội lên rừng xanh học chạy bom cùng chú khỉ Linh Noi của mình”.

Và Thái Chí Thanh đọc luôn: “Vác bó cây về, khi qua con suối nước mát lạnh, tôi mắt trước, mắt sau, không thấy ai, bèn đánh truồng, nhảy ùm xuống. Mải tắm, đến khi nghe tiếng chân người, tôi mới giật mình, nhìn lên. Thì… Hải Yến đang hổn hển vừa thở, vừa vác một bó cây. Lên lấy quần mặc thì không kịp, mà nấp vô chỗ nào cũng chậm rồi. Tôi phải lặn xuống đáy suối. Nước không sâu, lại trong văn vắt, đến hòn đá nhỏ còn thấy huống gì cả thân tôi. Đành liều mình nằm úp mặt xuống. Hải Yến có xuống rửa, vô tình nhìn xuống cũng chỉ thấy cái lưng. Không biết tôi lặn được bao lâu, nhưng đến khi ngạt thở, ngoi lên thì Hải Yến cùng bó cây đã biến đâu mất”.

Viết chuyện cũ thời chiến nhưng nghiêng về rừng xanh, suối trong và tình bạn giữa con người và loài vật, hy vọng Phong lan núi có thông điệp mới, thông điệp sinh thái với bạn đọc thiếu nhi.

Thái Chí Thanh sinh 1953 tại Nghệ An. Trong các năm 1971-1975, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 1977-1981, học sử tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1985-1989, học cao học tại Moskva, Liên Xô (cũ). Là cán bộ ngoại giao tại Ba Lan 2002-2005, tại Mỹ 2009-2014. Hiện là biên tập viên của NXB Hội Nhà văn. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Là tác giả của 14 tác phẩm đã xuất bản, gồm đồng thoại, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm