Cao Nguyệt Nguyên người giỏi nhập vai nhân vật

19/05/2021 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 4/2020, Cao Nguyệt Nguyên khiến người đọc và giới cầm bút trầm trồ khi cô “vào vai” nam anh hùng Từ Hải, vai nữ chủ chứa Tú Bà và 10 vai khác để thành tác giả sách Truyện Kiều tự kể khổ lớn, giấy láng, bìa cứng, 12 họa sĩ minh họa!

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đoàn Đại Trí - kẻ lênh đênh trên dòng chữ nghĩa

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Đoàn Đại Trí - kẻ lênh đênh trên dòng chữ nghĩa

Sinh 1983, Đoàn Đại Trí thuộc nhóm tác giả trẻ có bài được tuyển vào giáo khoa. Sách Tiếng Việt 2 (tập 1) bộ Chân trời sáng tạo chọn của anh bài Những người giữ lửa trên biển.

Tháng 5/2021 này, thật bất ngờ, trong sách Tiếng Việt 2 bộ Chân trời sáng tạo Cao Nguyệt Nguyên lại “vào vai” một cô, rồi một cậu bé lớp 2 hiền lành.

Một nhầm lẫn thú vị nhưng giàu tính nhân văn

Cậu bé lớp 2 của Cao Nguyệt Nguyên xuất hiện trong chùm 4 bài thuộc chủ điểm Những người bạn nhỏ được học trong 2 tuần. Ở truyện ngụ ngôn Cô chủ không biết quý tình bạn của tác giả Valentina Oseeva, những người bạn gà trống, gà mái, vịt lần lượt chịu sự bỏ rơi, để chó xuất hiện sau cùng, chủ động lên tiếng: “Ta không muốn kết thân với một cô chủ không biết quý tình bạn”.

Trong nhóm những người bạn đồ vật được Phan Thị Thanh Nhàn tôn vinh bằng thơ lục bát trữ tình, có Cái bàn kể chuyện rừng xanh, khác hẳn cái bàn văn xuôi tự sự của Cao Nguyệt Nguyên:

Chú thích ảnh
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên

“Bố tôi làm nghề thợ mộc. Ngày tôi chuẩn bị vào lớp 1, bố tặng tôi một món quà đặc biệt. Đó là một cái bàn nhỏ xinh tự tay bố đóng. Năm nay, tôi đã lên lớp 2 nhưng màu gỗ vẫn còn vàng óng, mặt bàn nhẵn và sạch sẽ. Mặt bàn không quá rộng nhưng đủ để tôi đặt một chiếc đèn học và những quyển sách. Bên dưới bàn có 2 ngăn nhỏ để tôi đựng đồ dùng học tập. Tôi rất thích 2 ngăn bàn này vì nó giống như một kho báu bí mật. Dưới chân bàn, bố còn đóng 1 thanh gỗ ngang để tôi gác lên mỗi khi mỏi chân. Ở 1 góc bàn, bố khắc dòng chữ “Tặng con trai yêu thương!”. Với tôi, đây là cái bàn đẹp nhất trên đời. Mỗi khi ngồi vào bàn học, tôi lại thấy thân quen và ấm áp như có bố ngồi bên cạnh”.

Chỉ vỏn vẹn 161 âm tiết,truyện được nối bằng vài câu trực tả ngắn gọn, nhưng đủ để người đọc hình dung chất liệu, màu sắc, hình dáng với chiều rộng, chiều cao của chiếc bàn - một bạn học của người kể chuyện xưng tôi, cái người giàu tưởng tượng, cảm xúc. Một bài tập đọc nhiều tầng nghĩa, để thấy, cho dù đây là bài của chủ điểm Những người bạn nhỏ, những con vật, đồ vật, thì nếu học sinh nào có kể cả “bố” vào danh sách bạn kia, thì đó là một nhầm lẫn thú vị giàu tính nhân văn!

Cao Nguyệt Nguyên viết bài tập đọc trên theo đơn đặt hàng của những nguời soạn giáo khoa. Viết về cái bàn gỗ mà người viết khảm được, lộng được hình bóng, hồn cốt của người cha thợ mộc là nhờ bút pháp “vẽ mây nẩy trăng”.

Cao Nguyệt Nguyên đã luyện khi viết truyện dài cho thiếu nhi A Lê Hấp - Ké Xanh (NXB Thanh Niên 2017). Đấy là truyện phiêu lưu thám hiểm căn hầm Quỷ Đỏ của 4 đứa trẻ lớp 4, nối với truyện trinh thám tiễu trừ 3 kẻ gian manh, tính cướp của giết người, nhưng điệp khúc nhiều lần vang lên trong truyện lại là câu “Đàn ông đàng hoàng…”… “Đàn ông đàng hoàng…”.

Chú thích ảnh
Bài “Cái bàn học của tôi” của Cao Nguyệt Nguyên trong sách “Tiếng Việt 2”

Tăng chất đương đại cho các trang văn

Tiếng Việt 2 bộ Chân trời sáng tạo có 5 trang tác giả thuộc về những người viết trẻ ở tuổi 8x. Cao Nguyệt Nguyên trẻ hơn, thuộc thế hệ 9x, sinh năm 1990. Dựa trên nguyên tắc tuyển chọn như thế nào, mà trong Chân trời sáng tạo bên cạnh các tác giả đã quen thuộc từ lâu với cha mẹ học sinh như Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Phong Thu, Nguyễn Hoàng Sơn, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa... là những tác giả trẻ Võ Thu Hương, Đoàn Đại Trí, Nguyễn Thị Kim Hòa, An Hòa, Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Thu Hà?

Để trả lời câu hỏi này chúng tôi đã đọc Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Thông từ này yêu cầu “Các lớp ở cấp tiểu học và đầu cấp trung học cơ sở ưu tiên văn học Việt Nam hiện đại và đương đại. Hạn chế hiện tượng một văn bản được sử dụng lặp lại ở nhiều lớp học, cấp học khác nhau”.

Chương trình này cho phép những người biên soạn “Căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và danh sách các tác phẩm bắt buộc, tác phẩm bắt buộc lựa chọn được quy định, tác giả sách giáo khoa chọn thêm những văn bản phù hợp được khuyến nghị trong hoặc ngoài danh mục gợi ý ở cuối chương trình”; cho phép “Các tác giả sách giáo khoa có thể dựa vào danh mục này để lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương đương về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí (nêu tại mục V) và yêu cầu lựa chọn văn bản (nêu tại mục VIII)”.

Với chương trình và hướng dẫn kèm theo này, nhóm biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo đã áp sát đời sống văn học đương đại, để “chọn thêm” các trích đoạn từ các tác phẩm được giải thưởng lớn trong những năm gần đây như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, các tác phẩm mới in báo như ký sự Độc đáo những ngọn hải đăng giữa đại dương trên báo Giáo dục & Thời đại của Đoàn Đại Trí.

Không áp sát, cập nhật như thế, chất “đương đại” - cũng là chất trẻ - sẽ mờ nhạt trong các trang giáo khoa! Không áp sát và cập nhật, sẽ không tìm ra những cây bút đang “thời danh”, sung sức, sẵn sàng “đo ni” giáo khoa để “đóng mới hài cườm” văn học chứ không “ăn mày quá khứ” dẫn tới việc phải dùng con dao tên “theo”, cắt “chân” văn cho vừa “guốc” sách!

Nhóm biên soạn Chân trời sáng tạo đặt bài và Cao Nguyệt Nguyên với bút danh Thu Hà viết bài tập đọc Bà tôi.Tác giả tuổi 9x này đã cùng với Lev Tolstoy, Phong Thu, Nguyễn Hoàng Sơn, Thu Hằng, Phạm Hải Lê, Nguyễn Lãm Thắng góp văn phong riêng vào 15 trang, với 4 bài chủ điểm chung Ông bà yêu quý. Trong bài viết của mình Cao Nguyệt Nguyên nhập vai một cô bé lớp 2 kể chuyện bà mình:

“Bà tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Mái tóc bà đã điểm bạc, luôn được búi cao gọn gàng. Mỗi khi gội đầu xong, bà thường xõa tóc để hong khô. Tôi rất thích lùa tay vào tóc bà, tìm những sợi tóc sâu. Ngày nào cũng vậy, vừa tan trường, tôi đã thấy bà đứng đợi ở cổng. Trông bà thật giản dị trong bộ bà ba và chiếc nón lá quen thuộc.

Bà nở nụ cười hiền hậu, nheo đôi mắt đã có vết chân chim âu yếm nhìn tôi. Rồi 2 bà cháu cùng đi về trên con đường làng quen thuộc. Bóng bà cao gầy, bóng tôi nhỏ bé, thấp thoáng trong bóng lá và bóng nắng.

Tối nào, bà cũng kể chuyện cho tôi nghe. Giọng bà ấm áp đưa tôi vào giấc ngủ. Trong lúc mơ màng, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay ram ráp của bà xoa nhẹ trên lưng”.

Tăng chất đương đại cho các trang văn của sách Tiếng Việt bậc tiểu học, nhóm Chân trời sáng tạo tăng thêm cơ hội để trước hoặc sau các bài học trong lớp, các thầy cô giáo có thể mời các nhà văn trẻ tới giao lưu với học sinh ngoài sân trường, điều không thể làm với Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương…

Chú thích ảnh
Bài “Bà tôi” của Cao Nguyệt Nguyên trong sách giáo khoa

Mở đường mới để tuổi trẻ đến với “Truyện Kiều”

Ở lời đầu sách Truyện Kiều tự kể (NXB Kim Đồng 2020) khổ lớn, giấy láng, bìa cứng, 12 họa sĩ minh họa, Cao Nguyệt Nguyên nói: “Tôi luôn nghĩ, nghệ thuật luôn rộng mở. Thế giới ấy sẵn sàng dung nạp tất cả những khám phá, tìm tòi và thử nghiệm cái mới. Thế giới ấy nói với thế hệ viết chúng tôi rằng: Nào, hãy sáng tạo đi! Hãy biến đổi! Hãy khác lạ!”.

Nguyệt Nguyên sáng tạo, biến đổi để danh tác Truyện Kiều mang tính “truyện” hơn khi không du dương trên 6 dưới 8 như một khúc ngâm trường thiên, mà là một câu chuyện văn xuôi, với 12 chương mang tên 12 nhân vật: Thúy Vân, Đạm Tiên, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Giác Duyên, Thúy Kiều. Ở 12 chương ấy,12 nhân vật ấy, nhà văn Nguyệt Nguyên đều nhập vai, xưng “tôi”, xưng “ta” để kể chuyện.

Cao Nguyệt Nguyên kể Truyện Kiều bằng cách dựng chân dung nhân vật, tiếp theo là miêu tả hành động chủ đề của nhân vật ấy. Hành động của Thúy Vân là “nối duyên thay chị” được kể: “Tôi tưởng tưởng trong đêm tân hôn sau khi rượu say, chàng Kim sẽ ôm tôi mà gọi tên chị Kiều. Nhưng không. Chàng chẳng gọi nhầm tiếng nào”.

Kể rằng: “Tôi nhắc khéo chàng Kim - giờ chàng đã làm quan, có tiền, có quyền rồi thì cho người đi tìm chị ấy đi. Kim Trọng im lặng, chỉ hơi đỏ sắc mặt rồi bước ra khỏi phòng. Ấy thế mà đời sau nhiều cô gái đọc Truyện Kiều cứ thần tượng Kim Trọng cho chàng ta là người chung tình bậc nhất”.

Kể hết quá khứ thơ Gia Tĩnh, Triều Minh, Cao Nguyệt Minh để Thúy Vân sống thêm thì hiện tại trong thế kỷ 21 và chính nàng lại xưng tôi kể tiếp, đặng mang tới Truyện Kiều xưa chút hài hước. Thúy Vân kể: “Nhà thơ Nguyễn Du đóng khung tôi trong vẻ đẹp sang trọng phúc hậu và người đời sau vẫn nghĩ về tôi trong hình ảnh như thế. Nhưng mà thế kỷ mới luôn có những tưởng tượng mới. Những chân dung họ vẽ về tôi cũng khiến tôi giật cả mình:Người đầy đặn má bầu bánh đúc/ Không thích đàn chẳng để ý gì thơ/ Đặt mình xuống chẳng biết chi trời đất/ Ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ”.

Cao Nguyệt Nguyên giỏi nhập vai nhân vật trong sách giáo khoa như đã phân tích. Hy vọng với 12 vai trong Truyện kiều tự kể nhà văn tuổi 9x mở được đường mới để tuổi trẻ đến với Truyện Kiều, như đến với thách thức, khác lạ, biến đổi, sáng tạo!

Vài nét về Cao Nguyệt Nguyên

Cao Nguyệt Nguyên đã tốt nghiệp khoa văn trường ĐH Khoa học Xã Hội và nhân văn Hà Nội. Là tác giả: Tập truyện Trăng màu hổ phách (NXB Văn Nghệ 2015); bộ truyện tranh Chuột Chi Hô lên thành phố (NXB Mỹ Thuật 2016); truyện dài A Lê Hấp - Ké Xanh (NXB Thanh Niên 2017);truyện dài Nguyện của đêm (NXB Trẻ 2018),Truyên Kiều tự kể (NXB Kim Đồng 2020). Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014. Giải thưởng Văn học Hạ Long (2015-2017). Hiện sống và làm biên tập văn học tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm