Gần 40 năm, từ trang báo đến trang sách

21/08/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Quay đi quay lại, giật mình khi biết, ngày mai, 21/8/2021, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tròn 39 tuổi (21/8/1982 - 2021).

Những mốc son Thể thao & Văn hóa qua gần 4 thập kỷ

Những mốc son Thể thao & Văn hóa qua gần 4 thập kỷ

Ngày 21/8/2021, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tròn 39 tuổi (21/8/1982 - 2021).

39 năm - một chặng đường (của báo). Đó là một cách nói hình tượng mà bây giờ nhiều người quen sử dụng. Nhưng với tôi, việc cộng tác với báo Thể thao và Văn hóa bước sang năm thứ 40 đã đem lại cho tôi quá nhiều cảm xúc. Cũng bởi, chính từ đây, tôi đã lớn lên dần từ những trang báo lúc nào không hay.

Nếu tôi nhớ không nhầm, vào những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ 20, Thông tấn xã Việt Nam có tờ Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế thế giới. Đây là một tờ ra hàng tuần, 16 trang (cỡ 20x30). Dù maquette trình bày còn đơn giản, chỉ in màu một số trang, nhưng nội dung rất đa dạng và hấp dẫn. 

Hồi đó, NXB Khoa học Xã hội (nơi tôi công tác hồi đó) có đặt thêm tờ này (ngoài những tờ quen thuộc). Trong khi mọi người ít để ý và thường bỏ qua không đọc ấn phẩm mới này (nghe tên cũng lạ) thì tôi bị hút hồn vào những tin bóng đá thế giới (chủ yếu qua thông tin lấy từ báo chí Liên Xô). Nhưng thế cũng đủ thỏa mãn cái đầu tò mò và ham thích của tôi lắm rồi. Tôi nhớ là tôi mượn và “giữ rịt” những tờ báo này, cứ như là sở hữu của mình vậy.

Cho đến năm 1982  thì tình hình bỗng nhiên đổi khác.

Tình cờ gặp, tình cờ yêu 

Đó việc năm ấy, World Cup lần thứ 12 tổ chức tại Tây Ban Nha và lần đầu tiên, độc giả Việt Nam được đọc tờ tin nhanh bóng đá qua ấn phẩm mang tên  Tin nhanh Espana '82  (tiền thân của báo Thể thao và Văn hóa). Tờ tin này ra tức thời, có 4 trang, manchette và maquette còn đơn giản, phông chữ vi tính trong bài lúc đó còn chưa có hệ chữ Việt (nên phải đánh dấu thanh điệu bằng tay, sau khi ra bản can), in một màu. Nhưng với người hâm mộ trái bóng tròn thì vẫn vô cùng quý giá. 

Chú thích ảnh
Tập thơ của Phạm Văn Tình trong đó có nhiều bài thơ đăng trong mục "Nhật ký EURO bằng thơ" trên "Thể thao và Văn hóa"

Lúc đó, hầu hết các báo chí truyền thông của ta đưa tin lẻ tẻ, ít và thiếu. Không có một trận bóng nào được tường thuật trực tiếp từ Tây Ban Nha. Có một số trận được Đài Truyền hình Việt Nam (lúc đó chưa gọi là VTV) phát lại (khi nhận được tín hiệu của Liên Xô qua Trạm vệ tinh mặt đất Hoa Sen) nên đa số là chậm. Nhanh thì một ngày, chậm vài ba ngày. Trong khi đó Tin nhanh Espana '82 cập nhật từng ngày: Kết quả các trận đấu, bình luận, chân dung cầu thủ, lại có ảnh kèm nữa mới hay chứ. 

Tôi nhớ hồi ấy, cứ sáng tinh mơ tôi đã đạp xe tới trụ sở báo Quân đội Nhân dân, 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội (vốn gần nhà tôi ở bãi Phúc Xá) để xếp hàng mua Tin nhanh. Nhiều hôm báo ra chậm, phải gần trưa mới có. Kệ, chúng tôi cứ kiên trì đợi. Vừa đợi vừa cùng các độc giả khác bàn tán, phán đoán và bình luận. “Phe” ủng hộ đội Liên Xô (chiếm nhiều nhất) và các phe ủng hộ đội Brazil, Argentina, Italy, Đức, Tây Ban Nha… không ít lần đỏ mặt tía tai, cãi nhau ỏm tỏi đến mức suýt choảng nhau. “Hooligan” Việt Nam không ở trên sân mà xuất hiện ngay quầy bán báo. Tôi đã thực sự mê và yêu bóng đá từ thuở ấy.

Cho đến một ngày…

World Cup sau đó (tại Mexico) năm 1986 thì thông tin báo chí mới thực sự sôi động. Dân ghiền bóng đá Việt Nam được xem trực tiếp nhiều trận. Tờ Thể thao và Văn hoá ra mắt được 4 năm và phụ trương Tin nhanh Mexico '86 đã được nâng cấp lên 8 trang, tin tức bài vở phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn.

Dĩ nhiên, tôi không thể bỏ qua bất kỳ số Tin nhanh nào. Lần này thì tôi đến thẳng Tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa (5 Lý Thường Kiệt) để hóng. Các trận đấu ở Mexico thường diễn ra vào nửa đêm hoặc nửa đêm về sáng (theo giờ Việt Nam) nên Tin nhanh phải ra ở Hà Nội khoảng trưa hoặc chiều. 

Hồi đó, các phóng viên chuyên nghiệp và các nhà bình luận bóng đá của ta chưa nhiều. Vả lại, các trận có tường thuật trực tiếp cũng còn hạn chế. Vì vậy mà ngoài các thông tin kết quả, báo phải dịch các bài tường thuật và bình luận nước ngoài. Phải nói các báo phương Tây (nhất là châu Âu) có nhãn quan và ngôn từ bóng đá thật mới mẻ, chuyên nghiệp, ngắn gọn, hấp dẫn… Nhiều bài hay đến mức tôi thuộc nhập tâm từng đoạn. Những thông tin đó cứ dội vào tôi, “mưa dầm thấm lâu” tích lũy dần dần… Và thế rồi làm nên cảm hứng dâng trào. Tôi đến với thơ bóng tròn lúc nào không rõ.

Lúc đó, trên báo chí có vài nhà thơ “tức cảnh sinh tình” từ trái bóng. Đó là các nhà thơ như Thanh Thảo, Anh Ngọc, Vương Trọng… Sau này thêm Nguyễn Thụy Kha… Nổi danh từ thơ đề tài chống Mỹ nhưng vào “đề tài bóng lăn” họ vẫn thể hiện cốt cách của những hồn thơ đáng nể. Nói đến thơ là nói đến “tứ”. Bài thơ không có tứ không thể ra thơ. Mà tứ thơ bóng đá thì khó làm sao!

Bài thơ đáng nhớ nhất là bài Chung bản hòa ca viết đêm 3/9/1998, khi ĐT Việt Nam gặp ĐT Thái Lan trận bán kết tại sân Hàng Đẫy (trong Tiger Cup, tức AFF Cup, 1998).

Chú thích ảnh
Bài báo của Phạm Văn Tình trên "Thể thao và Văn hóa" ngày 22/4/2006

Hồi đó, với Thái Lan, Việt Nam luôn ở “cửa dưới”. Ta thua họ ở nhiều mặt: Thể lực, kỹ chiến thuật, tinh thần thi đấu. Gặp Thái Lan ở bất cứ sân chơi nào ta đều thua, mà thua “vuốt mặt không kịp”. Tôi không thể quên khuôn mặt thất thần của thủ môn Trần Minh Quang khi đối mặt với Natipong, Kiatisuk, Dusit… của Thái khi vào trận. 

Người Thái ngạo nghễ tự cho mình có đẳng cấp trên tài Việt Nam. Vì vậy, việc thắng đội bóng Thái Lan lúc đó không đơn thuần mang tính thể thao mà còn là niềm tự hào dân tộc. 

Chỉ vì không muốn gặp chủ nhà Việt Nam mà cầu thủ M. Effendi (của Indonesia) cố tình đá về lưới nhà, nhường ngôi đầu bảng cho Thái Lan ra Hà Nội đá bán kết. Thực tình, ta chỉ muốn gặp Thái ở chung kết. Nhưng nay lỡ thế rồi, cực chẳng đã, các học trò của A. Riedle đành phải dàn quân nghênh tiếp đội Thái, mà nỗi âu lo vượt ra ngoài sân cỏ.

Trận đấu đã diễn ra trên cả tuyệt vời. Việt Nam thắng 3-0 trong một thế trận trên cơ. Tôi nhớ trên khán đài sân Hàng Đẫy, khi xong trận tôi đã khóc, nước mắt chảy tràn. Khán giả người cười người hát, cứ ngồi im trên đó hoặc đi lại trên sân không ai muốn về (Ban Quản lý sân phải tắt đèn bắt mọi người phải về). Tôi lấy bút và làm ngay bài thơ trên cái phong bì trong túi áo. Việc sau đó là phải làm sao đưa bài thơ tới báo Thể thao và Văn hóa để in càng nhanh càng tốt.

Chú thích ảnh
CBNV báo Thể thao và Văn hoá tại trụ sở TTXVN

Vượt qua cả rừng người và cờ hoa quả là khó. Hồi đó chưa đến nỗi thành biển người biển cờ như bây giờ, nhưng cũng đông tới mức không dễ đi từ Trịnh Hoài Đức về Lý Thường Kiệt. Leo lên tầng 2 của báo Thể thao và Văn hóa (trong trụ sở TTXVN) tôi gặp 2 người: Ngô Hà Thái (Phó tổng biên tập) và một người tôi không nhớ tên. Anh Thái nghe tôi nói và trả lời ngay: “Báo tôi ra 2 số vào thứ Ba và thứ Sáu. Ngày mai thứ Sáu 4/9 báo sẽ ra. Hiện tại chúng tôi đã lên khuôn toàn bộ. Chỉ dành một khoảng “đất” rất nhỏ để đưa kết quả (chứ chưa có bài bình luận). Bây giờ là 22h30. Nhân viên kỹ thuật đang hoàn tất công đoạn cuối để chuyển facsimile vào TP.HCM và mấy điểm in báo khác. Anh thông cảm, thứ Ba tuần sau in vậy”.

Thứ Ba thì chung kết rồi, còn gì là thời sự nữa. Tôi muốn bài thơ sẽ là nguồn động viên cầu thủ và đông đảo khán giả tức thời. Có lẽ nhìn khuôn mặt thiểu não và cảm cái thịnh tình của tôi mà ngay đêm đó, bài thơ được đưa vào trang báo và hôm sau phát hành trên toàn quốc.

EURO 2020 và tập thơ bóng đá đầu tiên

Sau đó nhiều năm, cứ đến kỳ World Cup, EURO hay SEA Games... là tôi lại căng mắt xem và căng sức làm thơ. Mỗi giải kéo dài cả tháng với hàng chục trận liên tục ngày nối ngày. Tôi nhớ từ World Cup ở Đức 2006, Nam Phi 2010, Brazil 2014 tôi và nhà thơ Bùi Chí Vinh thi nhau viết cho Nhật ký World Cup bằng thơ của Thể thao và  Văn hóa

Đến EURO 2020 hồi tháng 6 năm nay, tôi cũng chờ chuyên mục này mở lại. Vẫn im như tờ. Nhưng rồi chỉ trước giải 1-2 ngày gì đó, báo gọi cho tôi và chính thức “đặt hàng” cho chuyên mục Nhật ký EURO bằng thơ.

“Được lời như cởi tấm lòng”. Với tôi mọi thứ luôn sẵn sàng. Nhưng với 51 trận đấu (đều diễn ra trong đêm, có đêm 4 trận) thì sức đâu mà xem và ghi “nhật ký”, mỗi trận 1 bài thơ. Mà muốn làm thơ bóng đá thì phải “khỏe” để “mục sở thị” trận đấu. Cứ ngủ rồi mở mạng xem kết quả thì không thể nào tìm ra một tứ thơ để viết cho ra viết. Tứ thơ có thể là diễn biến của trận đấu, có thể là một trận thắng hay, một bàn thắng đẹp, có thể là một tình huống bất ngờ (bàn thắng siêu hạng - của Schick chẳng hạn; cú lội ngược dòng ngoạn mục, kịch tính không tưởng - Thụy Sĩ thắng Pháp khi bị dẫn 1-3; niềm vui tột cùng của đội Italy và nỗi đau tột cùng của đội Anh cùng với toàn thể dân Anh trong chung kết…). 

Vậy là 43 bài thơ tôi đã cho ra lò nhân EURO 2020 và như các bạn thấy, ngay sau khi giải kết thúc 10 ngày, ngày 22/7/2021, tập thơ “Không theo quỹ đạo lăn” gồm 95 bài thơ (chọn từ trước đến nay) chuyên về bóng đá của tôi đã được ấn hành. Thế là tôi đã trải qua cuộc hành trình “Từ trang báo đến trang sách” đằng đẵng gần 40 năm, và chắc chắn rằng, hành trình đó chưa kết thúc, và World Cup 2022 đang tới gần…

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm