Đường dài bắt đầu từ phim ngắn (Bài 2): Phim ngắn trong mắt các nhà làm phim dài

30/07/2016 10:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đặt những câu hỏi về phim ngắn đã nhận được không ít trăn trở của những nhà làm phim, những người đang làm công tác đào tạo điện ảnh về phong trào phim ngắn ở Việt Nam, phim ngắn trước sự phát triển của công nghệ.

Với những nhà làm phim nói riêng, phim ngắn là tiền đề cho sự nghiệp phim dài, là “mối tình đầu” của họ, giúp họ đã cơn khát khi chưa tìm được cơ hội làm phim dài.

Nhà làm phim Nguyễn Hoàng Điệp: Phim ngắn giúp tôi bớt thèm làm phim

Ngày xưa lúc mới bắt đầu làm phim thì tôi làm phim ngắn như một lẽ thông thường phải vậy…phải ngắn rồi mới đến dài, mọi chuyện cần có thời gian và khả năng cần được thực hành nhiều nhiều một chút để biết rằng liệu khả có trở thành tài được hay không.

Mình có vài câu hỏi mà mình phải trả lời được để biết mình sẽ làm phim hay là không, và phim ngắn thực ra cũng là một cách để mò mẫm ra câu trả lời. Ý tôi là làm phim một cách chuyên nghiệp chứ không phải làm chơi chơi bên cạnh một nghề khác!


Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Tôi thấy phim ngắn với tôi rất quan trọng vì nó là phim – là sự sáng tạo mà mình khao khát hiện thực hóa và như đã nói, tôi không thực sự nghĩ rằng mình dùng nó để khởi nghiệp. Chỉ đơn giản nó là một điều mình cần phải làm.

Tôi làm cũng không nhiều phim ngắn, 1 phim tốt nghiệp lâu lắm rồi (mấy phim bài tập trong trường thì không tính, nó là bài tập thôi), 1 phim trước phim dài đầu tay - làm vì thèm làm phim quá, 1 phim mới gần đây làm cũng vì thèm làm phim quá. À, có lẽ vai trò của phim ngắn với tôi là nó giúp tôi bớt cơn khát, bớt cơn thèm.  

Vài năm trước tôi thấy nhiều phim ngắn hay qua YxineFF – một tiệc phim ngắn do Marcus Mạnh Cường Vũ sáng lập. Nay nó đã đóng cửa, tôi cũng chả thấy phim ngắn mấy nữa!

Tôi nghĩ “everyone can cook” (ai cũng có thể nấu ăn – PV), chuột cũng có thể nấu ăn, phim hoạt hình ru ngủ (Chuột đầu bếp – PV) mà tôi rất thích đã nói thế rồi…nên ai thích cứ làm phim ngắn thôi. Nhưng coi nó như một thị trường tiềm năng, một công việc kiếm tiền vì ca sĩ muốn MV đậm chất cine, vì nhãn hàng cần lời quảng cáo tự nhiên như…phim nói phét, vì cần triệu view, vì cần triệu like…Nếu coi như thế, tôi chịu, chả biết nói gì! Biết nói gì khi mọi người dùng từ phim ngắn để gọi một dạng thức hơi khó gọi là phim. Theo cách nói của hôm nay, ta dùng chữ cạn lời!

Tôi làm phim ngắn cho đã khát, đã thèm. Còn Liên hoan phim nào khoái các phim ngắn của tôi, nhìn thấy nó như một món ngon, một ly nước mát, nghĩa là có ích cho người xem đấy…Nếu họ nhìn như vậy thì tôi có thời gian tôi sẽ gửi.

Còn chả may đang bận quá, ví dụ như là bận tập 1 vở kịch chả đem lại xu nào mà chỉ hành hạ bạn bè vất vả vì mình, như lúc này đây…thì thôi, tôi cũng để đó, lúc nào tiện thì chiếu cho “đồng bào” xem! Cũng nhiều LHP mời phim ngắn của tôi, nhưng nói thật, toàn đúng lúc bận nên tôi cũng im ỉm cho qua…

Nhà làm phim Trần Dũng Thanh Huy: Làm phim ngắn phải tính ngay phim dài

Tôi thấy phim ngắn hiện nay phân chia rõ ràng theo hai hướng thương mại và nghệ thuật. Dù chọn hướng nào thì quan điểm của tôi vẫn là, khi làm phim bản thân mình phải thấy thỏa mãn, thấy sung sướng. Bản thân mình phải thấy thích phim mình làm, thì khán giả mới thích, các LHP mới thích.

Trước khi làm phim ngắn 16:30 tôi đã thử nghiệm làm 9 phim ngắn trước đó rồi. Tôi mất 1 năm chuẩn bị kịch bản cho 16:30, sau đó mất khoảng nửa năm sản xuất bộ phim này. Nhưng với tôi toàn bộ quá trình đó rất vui, tôi thích từng cảnh quay trong phim của mình.


Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy

Cá nhân tôi nghĩ, dù làm phim ngắn thì cũng phải đặt ra mục tiêu, ví dụ mục tiêu để làm phim dài sau đó, hay mục tiêu đi dự các LHP. Khi làm 16:30 tôi dự định sẽ cho phim đi dự thi LHP Ong vàng, Cánh diều, LHP Busan.

Dù đề tài của tôi được coi là giống với cách chọn của các sinh viên mới ra trường (như làm về người già, trẻ em), nhưng với cách kể chuyện khác, phim của tôi đã được chú ý. Việc 16:30 được Cannes chọn là bất ngờ ngoài dự kiến. Những người tuyển phim ở Cannes thích không khí của phim, thích cách kể chuyện rất đời của tôi. Với phim dài Thằng Ròm tôi sẽ tiếp tục cách kể chuyện của 16:30.

Anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD): Phim ngắn bão hòa

Một năm TPD sản xuất khoảng 15 phim tài liệu và khoảng 15 phim truyện, ngoài ra có khoảng 80 phim tài liệu tốt nghiệp của các lớp và 5-7 phim truyện tốt nghiệp nữa

Phong trào làm phim hiện nay tại TPD vẫn được duy trì đều đặn khoảng 2, 3 đợt làm phim mỗi năm. Mỗi đợt có khoảng 6,7 phim. Các bạn đều được TPD tài trợ một phần kinh phí, một phần trang thiết bị kỹ thuật và cùng nhau làm phim.


Anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ Trung tâm TPD

Phim ngắn có vai trò rất quan trọng đối với một nhà làm phim trẻ. Nó giống như một tấm giấy thông hành để đi vào con đường chuyên nghiệp. Làm phim ngắn hiện nay có rất nhiều mục đích khác nhau. Có bạn chỉ thích làm phim ngắn để đi dự LHP, có bạn coi đó là bước đệm để làm phim dài, có bạn thì dùng làm mục đích thương mại (cho các sản phẩm, nhãn hàng), có bạn thì coi đó là đam mê.

Phim ngắn Việt hiện nay đã tương đối bão hòa, không còn là điều gì mới mẻ nữa. Do sự phát triển của kỹ thuật số, internet nên việc làm phim đối với các bạn trẻ dễ dàng hơn (nhưng tất nhiên không đi cùng với chất lượng).

Với sự ra đời của nhiều sân chơi trong vài năm qua như YxineFF, 48 Film Hours, 321 Action cùng nhiều cuộc thi làm phim khác nên phim ngắn cũng có nhiều điều kiện để phát triển rộng rãi hơn. Tuy nhiên đây chỉ là trào lưu chứ đại đa số các bạn trẻ làm phim không có định hướng, không được đào tạo qua kể cả những khâu cơ bản nhất nên chất lượng không đồng đều

Tất nhiên cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc, đạt giải trong và ngoài nước. Một thế hệ các nhà làm phim trẻ đi lên từ phim ngắn hiện cũng đang rất thành công.

LHP trên thế giới thì rất nhiều, đặc biệt làm phim ngắn. Tuy nhiên Cannes, Berlin vẫn là những LHP danh giá nhất mà mọi người hướng tới. Ngoài ra, ở mỗi nước như Nhật, Hàn Quốc, hay các nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức đều có nhiều LHP ngắn rất lâu đời để các nhà làm phim trẻ gửi phim đi. Ngay tại Đông Nam Á hiện nay cũng có nhiều LHP ngắn nằm trong tầm tay của các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để mang phim đi trình chiếu, giao lưu, cọt xát.

Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm: Vừa mừng vừa lo

Hầu hết những nhà làm phim trước khi đến với phim dài đều đã thử sức qua phim ngắn nhưng cũng có những trường hợp nhà làm phim coi phim ngắn là sự nghiệp. Người ta luôn coi phim ngắn là lãnh địa không giới hạn để nhà làm phim bay lượn tung tăng với những trải nghiệm tinh khôi trên con đường điện ảnh của mình.

Thật ra về quy trình sản xuất thì phim ngắn hay phim dài là như nhau có điều với phim dài thì khối lượng công việc và tiền bạc gấp nhiều lần phim ngắn. Các nhà làm phim đến với phim ngắn như một bước thử nghiệm bản thân trong trò chơi điện ảnh trong vai trò đạo diễn và đối mặt những vấn đề về sản xuất.


Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm

Nhưng tôi nghĩ rằng câu chuyện mới là cái quyết định độ dài của phim. Với những ai mới bắt đầu thường chưa dám bung mình ra với những câu chuyện lớn, nên chọn hình thức diễn đạt ngắn để kể. Nhưng kì lạ là có những khi phim ngắn làm khó hơn phim dài rất nhiều.

Với sự bùng nổ của internet và smartphone, tức hình thức xem trực tuyến chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt với quốc gia có đường truyền internet mạnh và rẻ như Việt Nam. Việc xuất hiện nhiều hình thức sản xuất ngắn, gọn, phù hợp tiêu chí xem online ra đời là điều tất yếu. Nó cho phép các bạn trẻ dám thử trò chơi phim ảnh nhiều hơn. Dẫn đến hàng loạt các câu chuyện ngắn dưới dạng sitcom, vblog, phim ngắn...

Đó là tín hiệu vừa mừng vừa lo. Mừng vì có nhiều bạn thích thú với trò chơi hình ảnh, biết đâu các bạn sẽ tiến xa hơn. Lo vì nó quá dễ sản xuất khiến cho sự nghiên cứu về hình thức sản xuất dẫn đến cách kể chuyện bị xem nhẹ. Bằng chứng là, bùng nổ đấy nhưng mấy ai ghi tên mình trên diễn đàn phim ngắn tại các liên hoan phim?

Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm