Được Bộ cấp bằng cũng cần chứng chỉ hành nghề của Cục?

06/06/2013 06:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về chứng chỉ hành nghề đang là chủ đề “nóng” trong giới biểu diễn: Ca sĩ tên tuổi (hàng diva, divo), được đào tạo bài bản chẳng lẽ cũng cần có chứng chỉ hành nghề mới được diễn, trong khi các bà nội trợ, thợ may… lên truyền hình hát ầm ầm không cần xin phép…

Trao đổi với TT&VH, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - một lần nữa khẳng định, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề sẽ đơn giản không theo cơ chế xin - cho. Tuy nhiên, dự kiến về thời hạn 1/1/2014 phải có chứng chỉ hành nghề mới được biểu diễn trên sân khấu, kể cả trong quán bar, vũ trường… cũng khiến không ít ca sĩ, người mẫu tỏ ra băn khoăn.

NSND Trần Bình

TT&VH ghi nhận ý kiến của một số nghệ sĩ, người mẫu.

* NSND Trần Bình: Trong khi chúng ta đang đau đầu tìm cách quản các ca sĩ, người mẫu biểu diễn trên sân khấu, kể cả biểu diễn trong quán bar, vũ trường thì trên ti vi phát sóng đầy rẫy các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, từ bà nội trợ, thợ may, kỹ sư… không hề học qua trường lớp âm nhạc nào cũng xuất hiện trong đó…

Vụ việc lùm xùm liên quan Đêm hội chân dài 7 vừa qua là một ví dụ về việc phải quản cả những người chịu trách nhiệm nội dung, nghệ thuật của các chương trình. Có nghịch lý là người chịu trách nhiệm nội dung đó đôi khi không được đào tạo gì về nghệ thuật, vậy thì làm sao mà chỉ đạo được các nghệ sĩ. Nhà quản lý xử phạt nghệ sĩ, nhưng nếu chỉ đạo nội dung không cho nghệ sĩ, người mẫu đó lên sân khấu thì sao mà vi phạm được?

* NSƯT - ca sĩ Thanh Lam: “Quan điểm cá nhân của tôi là, nếu đã là ca sĩ lâu năm, được đào tạo trong nghề và được mọi người biết đến thì không cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề. Với họ, đòi hỏi thêm một cái giấy chứng chỉ như vậy hơi bị thừa! Cần là cần với những người hoạt động tự do, không được học hành gì về âm nhạc. 

Thời nay, nhiều người, từ một nghề nghiệp rất buồn cười chuyển sang làm ca sĩ. Những đối tượng ca sĩ tự do này mới cần sự quản lý của các cơ quan chức năng, để buộc họ phải được đào tạo, định hướng về âm nhạc.

Vì thế, việc cần làm của cơ quan quản lý là phải sàng lọc các ca sĩ chuyên nghiệp và các ca sĩ tự do chưa được đào tạo bài bản. Bởi thực tế, những người học được ở chính các trường đào tạo của Bộ thì cần gì đến chứng chỉ nữa?”.


Ca sĩ Thanh Lam

* Cựu người mẫu Lê Quang Tú - Giám đốc công ty New Talent: “Tôi đồng tình và ủng hộ với việc cấp chứng chỉ hành nghề người mẫu. Qua đây, chúng tôi sẽ có những hành lang pháp lý để điều hành và quản lý công việc của các người mẫu một cách rõ ràng, hiệu quả.

Hơn nữa, người mẫu được cấp thẻ hành nghề sẽ có ý thức cao về việc xây dựng hình ảnh bản thân và góp phần định hướng lối sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho giới trẻ, định hình phong cách nghệ thuật, thẩm mỹ….


Cựu người mẫu Lê Quang Tú

Theo tôi, Bộ VH,TT&DL nên thực hiện trước việc quản lý chặt chẽ các công ty, đơn vị, nhà tổ chức sản xuất chương trình nghệ thuật. Vì họ chính là những người nắm bắt, hiểu rõ nhất nội dung các tiết mục, trang phục sẽ xuất hiện trong chương trình. Có như vậy sẽ giúp cho các hoạt động biểu diễn được lành mạnh. Bước tiếp theo là đề ra chính sách quản lý, chế tài phạt vi phạm cho nhóm người mẫu tự do, nguồn gốc của nhiều sự vụ đáng tiếc…”.

Hà Chi
Thể thao & Văn hóa

Đặc cách đối với NSND, NSƯT

Đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật gồm các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trước mắt áp dụng đối với ca sĩ, người mẫu. Đó là:

- Các ca sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật, công tác tại các đơn vị công lập hoặc ngoài công lập.

- Các ca sĩ, người mẫu tự do.

- Các ca sĩ chưa được đào tạo tại các trường nghệ thuật hoặc đang học tại các trường nghệ thuật; người mẫu sẽ được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề nếu đáp ứng đủ tiêu chí và phải đăng ký với cơ quan quản lý.

Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ dựa trên danh sách NSND, NSƯT đã được nhà nước phong tặng để đặc cách cấp chứng chỉ hành nghề và gửi tới họ qua đường bưu điện.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm