Đừng vô tình hoặc cố ý hành xử kiểu 'hủ tục'

02/02/2018 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua dư luận khá bức xúc về việc công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) bêu tên nơi công cộng 4 người mua bán dâm.

Sáng ngày 1/2/2018, công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp báo về vụ việc này, với quan điểm: không chỉ cộng đồng Facebook bức xúc, mà lãnh đạo Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tỉnh ủy Kiên Giang, công an tỉnh Kiên Giang… cũng thấy khó chấp nhận được.

Đại diện công an tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Công an thị trấn Dương Đông đã nóng vội dẫn đến sai sót nghiệp vụ, cái này sẽ kiểm tra quy trình và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và của ngành công an” - dẫn theo báo Tuổi trẻ

Nhiều luật sư cho rằng hành vi bêu tên của Công an thị trấn Dương Đông trên đây có dấu hiệu vi phạm Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015, tội làm nhục người khác.

Chú thích ảnh
Công an thị trấn Dương Đông công khai danh tính người mua dâm, bán dâm ngay trên vỉa hè đường phố. Ảnh: Facebook

Trong ít nhất khoảng 2.000 năm qua, ngoại tình và mua bán dâm trái phép luôn là một hành vi bị lên án công khai, luôn có những hình phạt nặng nề kèm theo. Thời phong kiến, phụ nữ ngoại tình bị xử nặng có ném đá đến chết, mộc lư (còn gọi là ngồi ngựa gỗ), đóng rọ thả trôi sông, cạo trọc bôi vôi, thích chữ lên trán, kẹp tay…

Đàn ông ngoại tình, dâm loạn có tội cung hình (thiến), đánh roi, dán bố cáo công khai… Nhưng dần dần qua thời gian, các hình phạt này được giảm nhẹ hoặc bỏ hẳn, dù hành vi lên án ngoại tình, mua bán dâm trái phép thì vẫn luôn hiện diện. Luật pháp hiện đại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã có những khung hình, những chế tài khá cụ thể, hợp lý cho các tội này.

Dù hiện nay vẫn còn nhiều quốc gia, dân tộc rất hà khắc với tội ngoại tình, mua dâm trái phép, như dân tộc K’Ho (tỉnh Lâm Đồng). Ngoài chuyện bị buôn làng khinh rẻ, lên án, người K’Ho ngoại tình có khi phải nộp vạ cho người bị phản bội đến 14 con trâu, phải đền bù danh dự.

Tuy nhiên, xu thế chung của nhân loại là ngày càng nhân văn, tế nhị hơn trong việc xử các tội này. Xét về việc loại bỏ các tập tục hà khắc và các hủ tục, theo nhiều nghiên cứu của UNESCO, Việt Nam là nước khá tiến bộ trong chuyện này. Mà ngay cả thời phong kiến, nếu so với các nước Đông Á còn lại, Việt Nam cũng thường nhẹ nhàng hơn, nhân văn hơn với người ngoại tình và mua bán dâm trái phép. Văn hóa truyền thống của người Việt nhìn chung cũng luôn “chừa con đường sống”, khá nhân văn với các hành vi phạm tội này.

Chắc chắn tội ngoại tình, mua dâm trái phép sẽ còn bị lên án, bị chế tài dài lâu ở nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Nhưng theo các nghiên cứu tâm lý tội phạm, đây là hành vi khá phổ biến, vì nó liên quan đến bản năng gốc, nên nhiều người dễ bị cám dỗ, dễ vi phạm, dễ tái phạm.

Có lẽ vì điều này mà các khung chế tài ngày càng chi tiết, khoa học và cũng nhân văn hơn. Cộng đồng Facebook mấy ngày qua bức xúc về hành vi bêu tên nơi công cộng, không phải vì họ ủng hộ hành vi ngoại tình, mua dâm trái phép, mà chủ yếu lo sợ ai đó vô tình hoặc cố ý hành xử theo kiểu hủ tục thì không được nhân văn.

Đà Nẵng tiếp nhận người bán dâm vào trung tâm bảo trợ xã hội

Đà Nẵng tiếp nhận người bán dâm vào trung tâm bảo trợ xã hội

Thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định về việc cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội nhằm kịp thời bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm