Dùng nhiếp ảnh 'giải phẫu' đại đô thị

05/03/2014 16:41 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Chủ nhật tuần qua, 23/2 cuốn sách ảnh TP.HCM - Mega city (NXB Thời đại - Viện Goethe, quý 1/2014) của Michael Waibel và Henning Hilbert, đã có buổi ra mắt ấn tượng tại TP.HCM. Không gian Cà phê thứ Bảy đã quá tải với hơn 200 độc giả tới tham dự, nhiều người chấp nhận đứng suốt buổi để nghe.

Vượt qua các bề ngoài giản đơn và khoa học của một sách ảnh vốn ít chữ nhiều hình, TP.HCM - Mega City là một tầm nhìn có tính chiến lược về việc thấu hiểu một trong số ít thành phố có sức biến đổi mạnh mẽ nhất thế giới, để qua đó làm cuộc “giải phẫu” về những ưu thế, tiềm lực cùng nguy cơ, thách thức, không chỉ ở khía cạnh quy hoạch, mà còn cả lối sống, văn hóa, khí hậu.

“TP. HCM đã trở thành đại đô thị (mega city) đầu tiên của Việt Nam, và do đó có thể sánh cùng các đại đô thị khác như New Delhi, Sao Paulo, Mexico City… Cùng với quá trình toàn cầu hóa, TP.HCM đã thay đổi một cách nhanh chóng - tuy nhiên, ở rất nhiều nơi, nhiều hẻm nhỏ, đời sống vẫn còn giữ nguyên nếp sống làng quê. Đối với nhiều người, đại đô thị là miền đất hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, một cuộc sống mới sung túc. Nhưng liệu những giấc mơ này có thể được thực hiện khi số dân của thành phố tăng lên một vài triệu và biến đổi khí hậu đã làm cho một phần thành phố thường xuyên ngập trong nước?”, TS Almuth Meyer- Zollitsch (Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam) bày tỏ quan điểm của mình về cuốn sách đặc biệt này.

Từ trên cao ốc và bên yên xe máy

TS Michael Waibel là nhà nghiên cứu có 18 năm kinh nghiệm về đô thị Việt Nam, ông đứng đầu dự án phát triển đô thị thuộc Khoa Địa lý, ĐH Hamburg, Đức. Trước khi mua chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên năm 2002 để chụp TP.HCM, từ năm 1996 ông đã đến Hà Nội 60 lần cho các nghiên cứu đô thị của mình. Luận án tiến sĩ về phát triển đô thị của ông tại ĐH Goettingen (năm 2001, Đức) có dấu ấn sâu đậm của Hà Nội trong đó.

Với cuốn sách mất hơn 10 năm theo đuổi là TP.HCM - Mega City, gồm khoảng 600 hình chụp mới và có bản quyền, Michael Waibel đã chụp phần lớn, với tiêu chí nhìn từ trên cao và trong ánh sáng ban ngày. Ông cho biết mình đã lên tầng thượng của 20 tòa nhà cao nhất TP.HCM, trong đó có Bitexco, Vincom, Saigon Square Times, Saigon One Tower - ngay lúc nó còn đang xây dựng, hoặc mới hoàn chỉnh - để chụp hình quang cảnh rộng. Trong cái nhìn vừa thanh lọc vừa “giải phẫu”, TP.HCM hiện ra vừa đẹp đẽ, chan hòa, vừa ẩn chứa các thực trạng nan giải về gia tăng dân số, quy hoạch tự phát, biến đổi khí hậu, và cả thách thức về văn hóa… Đây là chương đầu tiên, và có lẽ công phu nhất của cuốn sách nặng 2,6 kg, dày 300 trang, khổ 30 x 30 cm.

“Các góc chụp cũng cho thấy cái được gọi là phân mảng không gian xã hội trong học thuật. Điều này được hiểu là sự tương phản nổi bật nằm cạnh nhau, giữa cao tầng và thấp tầng, cao dày đặc và thấp dày đặc, quy hoạch và tự phát, hiện đại và truyền thống, giàu và nghèo… Một ví dụ hoàn hảo cho điều này sẽ là góc nhìn từ khu căn hộ cao cấp City Garden ở quận Bình Thạnh. Từ đó bạn có thể nhìn thấy hai tòa nhà căn hộ cao cấp The Manor và Saigon Pearl mọc lên sừng sững từ một biển nhà thấp tầng với mật độ cao của khu dân cư lộn xộn phía rìa ngoài đô thị”, Michael Waibel phân tích.


Giao thông TP.HCM qua góc nhìn Henning Hibert

Dường như có cái nhìn bổ sung cho Michael Waibel, Henning Hilbert (đồng biên tập sách này) lại chọn góc nhìn cắt ngang yên xe máy, trong nỗ lực “giải phẫu” hệ thống giao thông của TP.HCM. Đến TP.HCM từ năm 2000 để dạy tiếng Đức và quảng bá về giáo dục Đức cho sinh viên học sinh Việt Nam, 13 năm qua, những lúc có thời gian, Henning Hilbert đã chụp ảnh để ghi chép lại sức sống của đại đô thị này.

“Nhiều du khách ghé thăm TP.HCM lần đầu tiên nhớ đến giao thông như một đặc trưng ấn tượng nhất. Một lượng xe máy khổng lồ di chuyển qua các con đường hẹp trong trung tâm thành phố, băng qua các ngã tư không theo một trật tự nào, di chuyển đồng thời đủ mọi hướng, và mỗi người lái đều cố gắng để đến được nơi mình định tới trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn có thể nhận thấy rằng vẫn có một hệ thống trong sự hỗn loạn này, ví dụ như các nhóm xe máy theo bản năng tự nối đuôi và cùng rẽ trái qua luồng giao thông đang di chuyển đến, hoặc một nhóm lớn các xe máy từ hai phía rẽ sang con đường chính tại các giao lộ không có đèn giao thông. Ở một mức độ nào đó, giao thông tự có kiểm soát riêng của nó, một cách thận trọng và liên tục. Những người đủ can đảm gần như có thể dễ dàng băng qua mớ hỗn loạn giữa các xe máy đang không ngừng vượt nhau như một màn ảo thuật và di chuyển xung quanh người đi đường”, Henning Hilbert phân tích.

Làng phố và hồn phố

Nếu chỉ xét về cấu trúc ảnh, sách này gồm 8 chương, trong đó lý thú nhất là hai chương đề cập ở trên, và 3 chương về làng trong phố, người Sài Gòn và hồn của phố. Chỉ dùng hình chụp với các chú thích ngắn gọn, giản đơn, các tác giả đã phác họa, “giải phẫu” được hồn cốt TP.HCM.

“Những khu phố hẻm nuôi dưỡng một nền văn hóa đô thị đầy sức sống và tạo nên những nơi chốn công cộng sôi động và nhiều màu sắc nhất trong thành phố. Trong thế giới thu nhỏ đầy hấp dẫn này, các nút giao thông là những điểm có nhiều cơ hội để đầu tư nhất và mỗi chỗ trống là vị trí có thể được tự do sử dụng cho buôn bán hoặc hoạt động tập thể trong khu phố. Một người đi bộ xuyên qua các con hẻm và khu phố ở TP.HCM sẽ cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống nơi đây và tận hưởng một không gian năng động, thay đổi suốt cả ngày. Không gian nhỏ với tình làng nghĩa xóm trong khu phố, góp phần tạo cho nhiều người dân nơi đây cảm giác gắn bó với khu hẻm nơi họ sinh sống. Vào các dịp lễ hội tôn giáo và mừng năm mới chính là khoảnh khắc đặc biệt để thấy và hiểu được các phong tục, tập quán và văn hóa của người dân ở đây”, Marie Gibert - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Địa lý đô thị của ĐH Paris 1 tại Pantheon-Sorbonne, Pháp, trong nghiên cứu về tính năng động của các không gian công cộng và riêng tư tại TP.HCM - phân tích.

Riêng nữ nhiếp ảnh gia Astrid Schulz (Anh quốc) thì nhìn ở khía cạnh khác: “Mặc cho thực tế TP.HCM không mang một vẻ đẹp cổ điển, hầu hết mọi người đều cảm thấy tự hào mạnh mẽ và vui mừng cho sự phát triển gần đây. Việt Nam mong muốn bắt kịp nền kinh tế chung và hầu hết mọi người hoàn toàn ý thức rằng họ vẫn còn ở phía sau mức sống của phương Tây mà họ vẫn nhìn thấy trên truyền hình. Tuy nhiên, vẫn có sự phân cách rất rõ giữa các khu vực trong thành phố. Ở một số nơi cuộc sống vẫn diễn ra theo cách rất truyền thống và những người thế hệ trước dường như không bao giờ tham gia vào cuộc sống của thành phố hiện đại”.

Sách hiện xuất bản ba thứ tiếng (Việt - Đức - Anh). Phiên bản tiếng Nhật chuẩn bị phát hành.

Năm 2013 Henning Hilbert chụp đoạn đường đông nghẹt xe máy, trong đó có một xe hơi Audi mang biển số 56S - 5566 đang muốn dẫn đầu, nhưng ngay trước mũi là một xe máy như cản đường, còn ngay sau đuôi lại là xe tải nặng hiệu Hyundai đang lao lên. Nếu không quan tâm đến nhà tài trợ vàng của cuốn sách này là Audi - nhãn hiệu xe đến TP.HCM từ năm 2007 - bức ảnh này thể hiện rõ thực trạng bát nháo của giao thông Việt Nam. Nhưng ở khía cạnh quảng cáo, bức ảnh đã rất văn hóa khi cho thấy sức cạnh tranh về các nhãn hiệu xe tại TP.HCM, mà Hyundai là một trong số đó (hình ảnh trang 212 của cuốn sách)

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm