Đừng dùng chữ 'cải lương' tùy tiện!

19/05/2022 07:26 GMT+7 | Văn hoá

Nhiều lần, ta thấy hai chữ “cải lương” xuất hiện trên miệng người, trên các tác phẩm thơ văn, với ý nghĩa tiêu cực, dè bỉu. Càng buồn hơn, khi người nói, người viết đó lại là những người thuộc thành phần trí thức.

Cải lương thể nghiệm và lối ra cho nghệ sĩ trẻ

Cải lương thể nghiệm và lối ra cho nghệ sĩ trẻ

Vài tuần trước, tại sân khấu Sen Việt, buổi diễn tốt nghiệp khoa đạo diễn của Huỳnh Thanh Khang - vở "Ai là thủ phạm" - đã được tổ chức với sự hóa thân của ba nghệ sĩ Điền Trung, Lê Thanh Thảo và Bảo Trí.

1. Chẳng hạn, ta vẫn thường nghe thấy những câu như: “Con đó ăn mặc như cải lương”; “Đồ cải lương!”; “Cải lương quá bà ơi!”... Hoặc mới đây có một câu thơ mà kết thúc bằng bốn chữ “đạo đức cải lương”. Và còn nhiều câu đại loại như thế.

Hồi NSND Diệp Lang còn ở Việt Nam, chưa đi xuất ngoại, ông từng lên tiếng rất mạnh về sự xúc phạm này đối với bộ môn nghệ thuật dân tộc đang được tôn vinh. Thế nhưng, từ đó đến nay, dường như nhiều nhà trí thức chúng ta vẫn chưa chịu tìm hiểu cải lương thực hư ra sao, vẫn cứ sử dụng từ ngữ một cách công khai như thế khiến giới cải lương không ít ngậm ngùi.

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Hồng Thắm vai Xê Đa, NS Võ Minh Lâm vai vua Riêm, trong vở "Nàng Xê Đa". Nghệ thuật cải lương cần được trân trọng từ những vở diễn thế này. Ảnh: H.K

Thử tìm hiểu xem nói như vậy đã đúng chưa? “Ăn mặc như cải lương” có lẽ là màu sắc rực rỡ như những bộ trang phục trên sân khấu. Hát tuồng cổ trang thì thiết kế trang phục phải như vậy. Và nó cũng có ảnh hưởng tới một bộ phận công chúng, họ đâm ra thích trang phục rực rỡ, bông hoa, kim tuyến… Thực tế, xu hướng ăn mặc của người phương Đông thường dùng màu nóng, nhiều hoa văn, hoặc bông lá, miễn đẹp là được. Sau này, ta du nhập xu hướng thời trang của Tây với màu nhẹ, màu lạnh, nhưng cũng đừng kỳ thị xu hướng màu sắc của người phương Đông. Và ngay cả những bộ trang phục của dân phương Tây cũng có khi thiết kế rất phức tạp, màu sắc cũng tưng bừng không kém, nhưng nó phá cách và đẹp thì chẳng sao cả.

Còn “đồ cải lương”, “cải lương quá” là sao? Hẳn, ý người ta muốn nói rằng đó là “quê”, “sến”, y như đã từng chê nhạc bolero. Thật sự, người dân nông thôn hoặc người bình dân đôi khi còn giữ chất mộc mạc, giản dị, nhưng chân thành, rất thương. Thà sống với những người như vậy hơn là kiểu học làm sang mà thiếu tấm lòng.

Chú thích ảnh
NSƯT Hữu Châu (trái) vai Tô Định, Hồng Loan vai Trưng Trắc, trong vở Tiếng trống Mê Linh. ẢNH: H.K

2. Nhưng xét kỹ lại, cải lương có quê không, có sến không? Hãy thưởng thức những vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Đường gươm Nguyên Bá, Tô Ánh Nguyệt, Nàng Xê Đa… sẽ thấy rất sang, từng câu chữ viết cẩn thận với tính nhân văn, thẩm mỹ, thậm chí tính triết lý.

Tất nhiên, cải lương cũng có cả tính ước lệ, thì ngôn ngữ đôi chỗ cách điệu lên là bình thường, bởi nghệ thuật nào mà không có cách điệu. Và lịch sử đã ghi nhận, những người tiên phong hình thành và phát triển cải lương đều là những trí thức, hoặc từng du học sang Pháp, chẳng hạn như các ông Tống Hữu Định, Trương Duy Toản, Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Ngọc Cương (cha của NSND Kim Cương)… Khi họ soạn tuồng, dựng tuồng, đều cẩn trọng từng lời văn, từng chi tiết.

“Đạo đức cải lương” càng là một cụm từ khó nghe. Vậy không lẽ cải lương là đạo đức giả? Cải lương là một loại hình nghệ thuật đề cao Chân - Thiện - Mỹ, Nhân – Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, thì làm sao vô đạo đức hoặc đạo đức giả cho được? Trong một vở, tất nhiên có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, cái tốt, cái xấu, cái giả, cái thật, đan xen và đấu tranh nhau, cuối cùng chính nghĩa vẫn thắng, cái thiện vẫn thắng, hoặc nếu người tốt thua cuộc, hy sinh, thì vẫn đem đến một thông điệp nhân văn, thanh lọc tâm hồn khán giả. Cải lương chưa bao giờ có những tác phẩm quá khích hoặc gây kinh sợ, hoặc hở hang, hoặc bạo lực, trong khi kịch và phim thì có, dù trong mức cho phép, hoặc ở mức còn bàn cãi. Vậy, so với các bộ môn khác, thì cải lương vẫn tốt và an toàn cho khán giả mọi lứa tuổi. Có thể nói cải lương có chuẩn đạo đức rất cao.

Như thế, vấn đề ở chỗ, nhiều nhà trí thức đã “phát ngôn” thiếu thiện chí và thiếu hiểu biết về cải lương, trong khi họ có thừa khả năng nghiên cứu. Nghe vậy, người yêu cải lương dễ nghĩ: Hình như họ luôn đặt mình ở vị trí cao hơn, nhìn xuống thấp mà phê phán. Trong khi đó, làm nên một tác phẩm cải lương, từ viết tới dựng, tới ca, diễn, đều rất khó. Hãy cẩn trọng tìm hiểu để đừng làm tổn thương một bộ môn nghệ thuật quý giá, trong đó có nhiều vị tiền bối đáng cho hậu thế tôn vinh.

“Hiểu lầm” cải lương

“Thôi, chuyện người ta hiểu lầm về cải lương cũng từ lâu rồi, tôi cũng không muốn nói gì. Thật ra hai chữ cải lương ý nghĩa đã đủ chứng minh: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Còn về người xấu, người tốt thì ở đâu cũng có, chứ đâu chỉ giới cải lương. Quan trọng là có nhiều nghệ sĩ cải lương đã hết lòng hết sức cống hiến và hy sinh cho nghệ thuật dân tộc, mình nên kính ngưỡng” - chia sẻ của NSND Kim Cương.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm