Dốt lịch sử, 'mù' tiếng Anh

31/07/2016 21:44 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ GD & ĐT vừa “bạch hóa” hoàn toàn thống kê điểm số của kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Theo đó, số liệu thống kê lần lượt là: Môn Toán: điểm trung bình là 5,02, điểm có nhiều nhất là 6,25; môn Ngữ Văn: điểm trung bình là 5,15; điểm có nhiều nhất là 5; môn Lịch sử: điểm trung bình là 4,32, điểm có nhiều nhất là 3; môn Địa lý, điểm trung bình là 5,27, điểm có nhiều nhất là 5; môn Vật lý: điểm trung bình là 6,02, điểm có nhiều nhất là 6,6; môn Sinh học: Điểm trung bình là 5,26, điểm có nhiều nhất là 4,4; môn Tiếng Anh điểm trung bình là 3,48, điểm có nhiều nhất là 2,4.

Như vậy, nếu xét riêng về điểm trung bình các môn, hai môn có điểm thi thấp nhất là môn Lịch sử và môn Tiếng Anh. Điểm trung bình của bài thi của hai môn này là dưới trung bình (dưới điểm 5).

Các thí sinh làm bài thi môn lịch sử. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Bi kịch của môn Lịch sử là bi kịch được báo trước. Hay đúng hơn lịch sử là nỗi trầm kha của ngành giáo dục nhiều năm nay. Điểm lại “tiểu sử” môn Lịch Sử: môn Sử đã có năm là môn có ít người thi nhất, môn Sử đã có năm là môn có nhiều điểm 0 nhất; môn Sử đã có năm học sinh “hân hoan” xé nát đề cương rải trắng sân trường khi hay tin không phải thi môn này….

Người ta đã nhắc lại rất nhiều: tầm quan trọng của môn học này, những xót xa ngậm ngùi trước thực trạng, những nỗi lòng đau đáu khi giảng dạy trong nhà trường lịch sử không hoàn toàn là lịch sử. Mà là thứ lịch sử thô ráp và khô cứng với những con số, những cái tên vô hồn. Và cứ vậy, mỗi mùa thi, môn Sử luôn đi kèm với những tiếng thở dài…

Năm nay, câu chuyện có khác đôi chút. Môn Lịch Sử không phải là môn học bức bối nhất. Môn học điểm trung bình thấp nhất là tiếng Anh, với điểm trung bình 3,48 và số bài thi có điểm nhiều nhất là 2,4.

Tiếng Anh là môn thi trắc nghiệm với 4 lựa chọn. Tức là, theo thống kê xác suất,  nếu học sinh điền “bừa”, tỉ lệ trung bình điểm trung bình là 2,5. Nhìn vào số liệu, dễ thấy, rất nhiều thí sinh thi môn tiếng Anh  đã điền “bừa”. Bởi, con số điểm trung bình 3,48 đã được nhiều thí sinh thi khối D (Văn- Toán- Anh) có điểm cao cân bằng lại. Còn những bài thi có điểm nhiều nhất 2,4, phần lớn xuất phát từ những thí sinh “mù” tiếng Anh.

Trong 12 năm học, phần nhiều học sinh hiện tại học Tiếng Anh hệ 7 năm. 7 năm ròng học tiếng Anh, học sinh phải trải qua hai kỳ thi lớn (tốt nghiệp THCS và THPT) với tư cách là “môn thi bắt buộc”. Sự “biệt đãi” này đủ để thấy ngành giáo dục đánh giá vị thế môn Tiếng Anh tới mức nào. Nhưng, con số điểm thi đã phản ánh chất lượng đào tạo tồi tệ của môn học tối quan trọng này.

Trong thế giới phẳng, chúng ta đang hội nhập ngày một sâu. Chúng ta đã vào TPP và chấp nhận cuộc chơi khốc liệt ngoài biển lớn. Môn Lịch Sử là môn cần thiết để chúng ta không bị “hòa tan” bản sắc văn hóa. Còn môn Tiếng Anh để xóa rào cản ngôn ngữ, tăng năng lực cạnh tranh của lao động.

Nhưng, nhìn những con số này, lòng tự tin của chúng ta đang bị đả phá. Dốt lịch sử, chúng ta rồi sẽ tha hương ngay trên mảnh đất cha ông mình. “Mù” tiếng Anh, chúng ta sẽ mãi là những kẻ làm công, những kẻ chịu ơn bởi những ông chủ nước ngoài, tất nhiên, cũng ngay trên mảnh đất chôn rau, cắt rốn.

Tương lai u ám đó cũng là mệnh lệnh của thời đại đòi hỏi Bộ GD&ĐT cần xem lại ngay quy trình giáo dục trong nhà trường. Bằng không, trong công cuộc hội nhập, chúng ta sẽ thất bại, một cách “đúng quy trình”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm