Dối và kỹ

19/05/2017 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một lần ngồi với nghệ nhân Đông Hồ, tôi đem bức tranh của các tiền bối làng in cách đây 50 năm, hàng xuất khẩu sang Cộng hòa Dân chủ Đức để so sánh với tranh in hiện nay. Vẫn ván cũ, mà tranh giờ mỏng quẹt, màu nhờ nhờ không thắm không dày dặn như 50 năm trước, mặc dù giờ khách ngoại quốc du lịch vào tận nhà tìm mua, xưa thì in xuất khẩu qua XUNHASABA nhiêu khê hơn nhiều.

Nghệ nhân vui vẻ trả lời: 2 ngàn đồng một tờ thì in thế thôi, thế cho dễ bán. In như tranh cũ thì phải 10 ngàn đồng, tiền nào của nấy mà.

Câu nói đó khiến tôi nhớ lại cố nghệ nhân Phùng Đức Năng mà tôi gặp vào cuối những năm 1980. Lần ấy tôi thấy cụ vẽbức tranh Tứ phủ. Bức tranh tươi tắn, cách vẽ khoáng hoạt. Tôi hỏi giá thì cụ bảo 30 ngàn đồng, tranh dối thì giá thế thôi. Tôi ngạc nhiên, vậy tranh kỹ là thế nào?

Cụ bảo tranh kỹ đắt hơn, cũng to bằng nhau nhưng giá 150 ngàn đồng. Nói rồi, cụ lục trong kệ ra cho xem bức Tứ phủ - tranh kỹ. Quả là một trời một vực, bức Tứ phủ kỹ này cụ công bút, nét bút uyển chuyển, màu sắc tinh vi, không tìm đâu ra lỗi kỹ thuật. Đúng là tiền nào của nấy.

Chú thích ảnh
"Đi cấy đổi công" - Tranh dân gian Đông Hồ, khoảng 1952, 1953

Lần ấy tôi nói với nghệ nhân làng: Anh ạ, anh cứ làm cho tôi vài chục bộ tranh kỹ, còn tranh đang bán thuộc hàng tranh dối anh cứ để nguyên và bán giá rẻ. Còn tranh kia giá đắt. Đắt nhưng xắt ra miếng, chắc vẫn có người chuộng. Vả lại cũng là cái hay khi cho họ xem hai loại tranh trên cùng một mộc bản và cách suy nghĩ về làm hàng. Nghệ nhân cười lắc đầu, thôi làm làm gì, chờ bao giờ bán được đắt, cứ rẻ cho dễ bán. Tôi nghe mà thấy một nguy cơ thất truyền cách làm tranh kỹ, vì đây là nghệ nhân cuối cùng của làng biết thế nào là tranh dối, tranh kỹ.

Bây giờ tranh Đông Hồ khá nhiều tranh dối. Những tranh in màu thật dày, rắc điệp, thếp điệp khi xưa, giờ không thấy ai làm nữa. Tranh du lịch người ta chỉ cải tiến sao cho in nhanh bán nhiều, giá rẻ không sao, chất lượng cũng không quan trọng lắm.Khái niệm ăn chắc mặc bền đang dần tuột khỏi suy nghĩ trong cách làm ăn của nhiều người. Từ đồ kỹđang tiến dần đến đồ mã.

2. Câu chuyện ghi lại từ Bordeaux năm 2009 này của tôi, có chút tương đồng với chuyện tranh dối - kỹ ở trên.

Tôi vào siêu thị của một doanh nhân già người Pháp gốc Hà Nội. Ông vẫn nói tiếng Hà Nội tốt. Siêu thị của ông nằm ở vùng ngoại ô, rộng dăm hecta,bãi đỗ xe cả ngàn chiếc. Siêu thị có trên chín ngàn mặt hàng, nhập từ nhiều nơi. Con trai ông, một đứa tháng 4 lần đi Thái chọn hàng. Tôi hỏi thế có hàng Việt không?

Ông lặng lẽ lắc đầu. Rồi ông kể, ban đầu thì có, khá hấp dẫn, giá cạnh tranh hàng tốt, nhưng đến lần thứ ba nhập hàng thì chất lượng xuống hẳn. Không sao giữ được đúng chất lượng đều như hàng Thái. Bây giờ thì không có loại hàng nào nữa. Tôi muốn cụ thể hơn, hỏi đó là hàng  gì, ông bảo là mì gói ăn liền.

Tranh Đông Hồ đón bằng di sản quốc gia

Tranh Đông Hồ đón bằng di sản quốc gia

Vào lúc 20 giờ hôm nay (16/3), tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh sẽ diễn ra lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho tranh dân gian Đông Hồ.

Chia tay về, ông nói cuối năm tôi sẽ về Hà Nội, tôi muốn gặp một số nhà sản xuất bàn về sản xuất hàng hóa xem có khắc phục được không. Tôi muốn giúp nước mình.

Không biết năm ấy doanh nhân kia có về không, nhưng giống nghư nghề làm tranh truyền thống, sản xuất hàng hóa của ta cũng có xu hướng tụt lùi, từ kỹ sang dối, khó lay chuyển lắm. Nhiều ngành nghề của ta cũng đều đang trong cái đà ấy, từ kỹ sang dối, xuống dốc không phanh…Quảlà mối lo lớn không dễ khắc phục ngày một ngày hai. Tất cả chỉ là tìm cách thu lợi nhiều bằng lối làm ăn chộp giật, tai hại vô cùng.

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm