Đọc 'Đi khi ta còn trẻ': Đi cũng là một cách để lớn lên

02/10/2022 19:06 GMT+7 | Văn hoá

"Những chuyến du lịch đẹp nhất, giống như những cuộc tình đẹp nhất, sẽ không bao giờ thật sự kết thúc". Đó là một câu trong phần mở đầu Đi khi ta còn trẻ, cuốn sách mới nhất của Trương Anh Ngọc do NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.

Nhà báo Trương Anh Ngọc và góc nhìn thú vị về nuôi dạy con trẻ

Nhà báo Trương Anh Ngọc và góc nhìn thú vị về nuôi dạy con trẻ

Sắc bén trong cách bình luận bóng đá, dí dỏm trong những cuốn du ký bốn phương, nhà báo Trương Anh Ngọc còn có quan điểm rất cởi mở về giáo dục con trẻ.

1. Không bao giờ thật sự kết thúc, nên có thể coi cuốn sách này như một phần nối dài từ những chuyến đi trước đó của Anh Ngọc.

Số chuyến đi ấy tất nhiên rất nhiều, như anh nói về phương châm sống của mình trong những năm tháng qua - “Tôi thuộc về những chuyến đi”. Và khi người viết luôn nuôi giữ cho mình khát khao bước ra thế giới, những hành trình của anh cũng không chỉ mở rộng về không gian mà còn trải dài về chiều kích thời gian. Với những dòng tự bạch trong sách, đó là một quá trình diễn ra trong hơn 30 năm, kể từ khi tác giả là một cậu thanh niên mơ mộng nhảy lên chuyến tàu Thống Nhất chỉ để tự trả lời những câu hỏi riêng cho mình.

Chú thích ảnh
Sách “Đi khi ta còn trẻ”

Mang một gam màu mới so với những cuốn sách du ký của chính Anh Ngọc trước đó, Đi khi ta còn trẻ không phải là câu chuyện về hành trình tới những nơi chốn cụ thể. Và tất nhiên, cũng không thể chỉ dừng ở những cảm xúc đọng lại sau những lần tác giả tới những vùng đất mới và gặp những con người mới. Cuốn sách là tập hợp của những bài tản mạn, nhàn đàm, gắn với những chiêm nghiệm, băn khoăn và cả tự vấn từng được hình thành trong hoặc sau những chuyến đi ấy - để rồi câu trả lời dần định hình và trở thành một phần suy nghĩ của tác giả như bây giờ.

Như lời Anh Ngọc, cuốn sách được viết trong thời gian giãn cách xã hội của mùa dịch Covid-19 vừa qua. Ngẫm ngợi về các chuyến đi, hiểu trọn giá trị của chúng và viết - đó là cách anh lựa chọn để bù lại cho những nuối tiếc của một thời gian dài không thể xê dịch. Trước đó, nhiều phần trong sách đã được anh viết rải rác trong gần chục năm qua. Chúng hình thành - một phần hoặc trọn vẹn - giữa các chuyến đi, khi tác giả ngồi trên máy bay, trên tàu hỏa, giữa phòng chờ, hoặc đơn giản là bỗng nhiên muốn ghi lại những suy nghĩ vừa xuất hiện.

2. Mỗi phần trong Đi khi ta còn trẻ có một mạch kết nối riêng. Và tất nhiên, giống với tiêu đề, chữ "đi" luôn xuất hiện với tần suất đều đặn trong hơn 200 trang sách.

Ở phần đầu Đi đâu là nhà ở đó, Anh Ngọc đã đưa ra cả ngàn lý do để bắt đầu cái sự đi ấy. Đi khi người lạ nhắn: “Nhà tôi là của bạn”. Đi khi ta phải lòng những nơi chưa từng tới. Đi khi lần đầu tiên không có bố mẹ ở bên. Đi khi ta có một chiếc xe lang bạt. Đi khi ở sau vô lăng và nhìn từ cửa sổ xe hơi. Đi khi con gái tặng một cuốn sách. Và nhiều nữa…

Chú thích ảnh
Anh Ngọc trong chuyến đi A Pa Chải năm 2018

Trò chuyện, tác giả nửa đùa nửa thật gọi phần viết này là “triết học về sự đi”. Và nếu cần khái quát, mấy dòng sau là đủ để người đọc hiểu nguồn cơn của khát khao xê dịch mà anh có: “Nhà chính là nơi tôi có được những bình yên trong tâm trí, nơi tôi cảm thấy thoải mái, thanh thản, và là nơi tôi được ở bên gia đình nhỏ của tôi. Bất cứ đâu trên những cuộc hành trình, dù nơi ở lại chỉ ngắn trong vài tuần, hay dài đến vài năm, mà tôi cảm thấy như thế, thì đó là nhà. Như thế, tôi có rất nhiều nhà trong hành trình đã qua. Đấy là "home", không phải "house". Và nữa, chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới”.

Phần hai -Chỗ của con là thế giới - gắn với một hành trình đi khác: Đi cùng con. Đó không hẳn chỉ là câu chuyện của người cha từng đồng hành với một cô bé đã theo cha mẹ ra nước ngoài từ tuổi lên 3. Xa hơn, quãng đường mà con gái lớn lên - cả về thể chất và tâm hồn - cũng mang lại cho anh nhiều giá trị riêng trong hành trình làm cha của mình.

Chẳng hạn, một câu chuyện nhỏ làm người viết thấy thú vị trong sách: Con gái tập kịch triền miên cả năm cho buổi biểu diễn ngoại khóa. Rồi khi diễn, em đóng vai lính gác. Ông bố tiếc nuối vì vai diễn ấy không… hoành tráng - trước khi nghe con giãi bày. Rằng, đó là sự lựa chọn chủ động, bởi lính gác không được nói nhưng xuất hiện trong suốt vở kịch, còn công chúa được nói nhưng chỉ xuất hiện ở một màn duy nhất.

Hóa ra, một vai phụ lại khiến con gái vui, vì được làm điều mình thích và cảm thấy là một phần của vở kịch. Còn ông bố hiểu thêm: Cuộc đời cũng vậy, không nhất thiết lúc nào chúng ta cũng cần phải đóng vai chính, và là người hùng…

Tôi tìm thấy bản thân tôi, thấy sự tĩnh tại trong không ngừng vận động, thấy thế giới là một phần của tôi và tôi là một phần của nó, thấy ở những nơi đi qua nụ cười và nước mắt, niềm vui và nỗi đau, những mảnh đời, những buổi hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp, trăng, mưa, sa mạc, tuyết... Tất cả. (Anh Ngọc)

3. Rồi, cũng là đi, 2 phần cuối Vũ trụ và chúng ta cùng Chuyện tử tế gắn với một cách đi nữa: Đi trong cuộc đời. Ở đó, đi không còn là... đi, mà gắn với những khái niệm về sự dấn thân, về cách chấp nhận thất bại, chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận những điều tất yếu trong cuộc đời - tất cả với lối nghĩ lạc quan và không mảy may định kiến.

Cũng giống như, cái sự "trẻ" trong tiêu đề cuốn sách được tác giả định nghĩa không bằng những chỉ số về tuổi tác. Ở đó, độc giả được đọc câu chuyện về Sudha Mahalinggam, người phụ nữ Ấn Độ 70 tuổi đã đi khắp thế giới - trong đó nhiều nhất là những chuyến đi ở tuổi 50 và phần lớn đều là độc hành. Rồi nữa, Elena Erkhova, một cụ bà gần trăm tuổi người Nga, đã đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam).

Chú thích ảnh
… Và trong buổi ra mắt sách “Đi khi ta còn trẻ”

Hóa ra, như Anh Ngọc viết, đi khi ta còn trẻ, nhưng già rồi thì cứ lang thang, nếu giữ được cho mình một tinh thần phơi phới. Đi hay ở không bao giờ là vấn đề của tuổi tác hay tiền bạc, mà là vấn đề của lòng dũng cảm xách ba lô lên và đi, bỏ những thói quen ở nhà, để nhìn thấy thế giới bao la rộng lớn đến nhường nào.

Và, “không ít người chưa sống cho ra sống đã sợ chết. Cái chết không phải là tất cả, mà là một phần quan trọng của cuộc sống, một sự chuyển tiếp giữa những trạng thái của sự tồn tại. Sao không sợ sống một cách vô nghĩa, không có định hướng, không hoài bão và ước mơ, trong một cuộc đời nhờ nhờ hơn là sợ chết?"

Nở rộ trên thị trường xuất bản những năm qua, dòng sách du ký của những tác giả người Việt phần nào cũng là chỉ số về xu thế được đi và khao khát đi của một thế hệ mới - những người trưởng thành trong giai đoạn cơ hội bước thế giới đã rộng mở hơn nhiều so với trước. Và, Đi khi ta còn trẻ của Anh Ngọc góp một gam màu riêng vào dòng sách ấy: Không gắn với những hành trình cụ thể, nhưng lại khơi dậy cảm xúc lên đường theo cách mãnh liệt nhất. Như anh viết, đi để thấy thế giới bao la mà ta quá ư nhỏ bé, để ta hiểu biết hơn và trở nên khiêm nhường, tử tế hơn…

Nhà báo Trương Anh Ngọc hiện công tác tại báo Thể thao & Văn hóa, là tác giả của những cuốn sách: Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (2012); Phút 90++ (2013); Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017); Hẹn hò với Paris (2018).

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm