Độc đáo 'Sơn ta'

02/06/2020 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 1/6, cuộc triển lãm lần thứ 5 của nhóm họa sĩ “Sơn ta Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Vào phòng tranh sơn mài, ta đứng lặng để thấm thía với một chất liệu truyền thống, khi người “lăn lóc” với nó phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi.

Kỳ công của bảo vật sơn mài 'Vườn Xuân Trung Nam Bắc'

Kỳ công của bảo vật sơn mài 'Vườn Xuân Trung Nam Bắc'

Thông tin về việc bảo vật “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” nghi bị hư hỏng sau quá trình tu sửa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy, đâu là giá trị của bảo vật này?

1. Nhóm Sơn ta triển lãm lần này có 20 họa sĩ, trong đó có 6 nữ họa sĩ. Trẻ nhất là Phùng Huy, sinh năm 1981, và cao niên nhất là Trần Phi Trường, sinh năm 1953.

Tự gọi bằng cái tên “nhóm Sơn ta”, với nội hàm chính là sơn mài truyền thống Việt Nam, mục đích của hội nhóm gắn với việc sáng tác theo cách để tranh của họ không lẫn với các loại tranh làm từ sơn công nghiệp như Polysai của Nhật, hay sơn công nghiệp của một số nước khác, vốn không chế từ cây sơn và cách làm cũng đơn giản hơn nhiều.

Lần thứ nhất ra mắt của nhóm “Sơn ta” diễn ra vào năm 2013, với số người tham gia khá rầm rộ (50 gương mặt). Nhóm bày triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, HN) trong đó có 40 họa sĩ và 10 người là nghệ nhân làng nghề. Lần bày ấy đã có một số tranh được Bảo tàng Mỹ thuật lựa chọn để trưng bày kỉ niệm Tháng Hữu nghị Việt - Nga tại Cộng hòa Liên bang Nga

Lần thứ 2, năm 2015, nhóm bày tiếp ở Bảo tàng Mỹ thuật. 2016, bày ở Hàng Bài. 2018, bày tại nhà triển lãm của Đại học Mỹ thuật 42, Yết Kiêu, Hà Nội. Và lần thứ 5 này, năm 2020, họ bày tranh tại 29 Hàng Bài.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đức Khải tại triển lãm

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, trưởng nhóm, cho biết: Đây là tập hợp những họa sĩ yêu thích sơn mài truyền thống cùng gặp nhau lại hàng năm góp tranh trưng bày rồi trao đổi thêm những khám phá chất liệu. Gọi nhóm Sơn ta, để hiểu là nhóm làm tranh từ chất liệu cây sơn, nhựa sơn truyền thống của Việt Nam. Nghề sơn thủ công xưa các thợ tiền bối vẫn làm hoành phi câu đối, ỷ thờ, cửa võng và một số đồ gia dụng sơn mài như hộp đựng sơn mài khảm trai

Vói khoảng gần 60 tranh tham gia trong đó tranh lớn nhất 1,50m x 2,00m, còn lại là những tranh cỡ trung bình, triển lãm cũng bày một số tượng nhỏ con giống phủ sơn mài.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết thêm: Trường Mỹ nghệ Hà Đông là một trung tâm dạy nghề kĩ thuật sơn ta hiện vẫn đang hoạt động rất tốt. Các họa sĩ làm sơn mài, nếu sau khi tốt nghiệp tìm đến đây thụ giáo sẽ tiếp thu được những ngón nghề kĩ thuật của những nghệ nhân lâu năm, sẽ có rất nhiều lợi thế trong sáng tác sau khi hiểu thấu đáo và làm chủ được chất liệu sơn mài. Có một số họa sĩ trong nhóm theo học nghề sơn mài từ trung tâm này

Phần lớn trong số 20 họa sĩ đến từ Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, và có cả người tự học. Họ gặp nhau với chung một suy nghĩ: Làm tranh trên chất liệu sơn ta với cách làm truyền thống, giữ lấy những giá trị của tiền nhân và làm phong phú chất liệu lên. Đó là những suy nghĩ rất tích cực và rất đáng khen ngợi của nhóm họa sĩ chuyên sơn mài này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm tại triển lãm

2. Triển lãm lần này cũng như những lần trước, mang đề tài tự do. Các họa sĩ thể hiện những gì họ hiểu biết và yêu thích nhất. Vẫn những phong cảnh đường phố làng quê, vẫn là hoa lá con người, con vật, vẫn những sinh hoạt hội hè tín ngưỡng. Lướt qua, thấy triển lãm khá đa dạng và phong phú trong đề tài, xử lý chất liệu khá vững chãi. Khá nhiều tranh đẹp có chất lượng. Vào phòng tranh sơn mài, ta đứng lặng để thấm thía với một chất liệu truyền thống, khi người “lăn lóc” với nó phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi.

Khác với tranh giấy, sơn dầu hay Acrilic, không có tranh sơn mài nào hoàn thành trong hai ba ngày hay một tuần cả. Làm bức tranh sơn mài theo lối truyền thống ít nhất cũng mất từ trên tháng trời trở lên. Từ thếp vàng bạc, dán vỏ trứng, rắc nhũ vẽ rồi phủ sơn then đem ủ, nếu thời tiết ủng hộ thì để thông đồng bén giọt cũng mất cả tuần, sau đó mới mài dặm sửa sang… Tuy gọi lao động nghệ thuật nhưng sức lực và thời giờ không khác nghề thổ mộc vắt sức ra ghê gớm. Công bỏ ra cho một sơn mài cùng cỡ so với sơn dầu gấp cả chục lần.

Chú thích ảnh

Nhưng đổi lại, sơn mài có chất huyền ảo mơ màng nâng cánh cho cảm xúc người thưởng ngoạn. Bậc lão trượng Nguyễn Gia Trí có lần bộc lộ rằng, ông vẽ sơn mài chỉ vì cái vẻ đẹp lộng lẫy của chất liệu. Tôi tin điều ông nói là thật lòng. Và quả vậy, xem những bộ tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của ông, ta thấy chất liệu sơn mài nhảy múa thăng hoa. Bộ bình phong lá giáy của ông cũng đẹp dị thường, khi ông khai thác được điểm mạnh nhất của sơn mài dành cho hình tượng nghệ thuật.

Rất nhiều tranh đẹp bày trong triển lãm này. Về kĩ thuật sơn ta tôi nghĩ các họa sĩ làm khá tốt. Tuy vậy để có những bức tranh đẹp thì người sáng tác phải cố gắng rất nhiều. Chất liệu và kĩ thuật dù giỏi thì vẫn chỉ là phương tiện chuyển tải cho họa sĩ thể hiện xúc cảm nghệ thuật trước cuộc sống. Nên, kĩ thuật tốt thì chưa đủ mà trau dồi tri thức cuộc sống và vững vàng về cấu trúc là điều rất cần với nghệ sĩ sáng tác...

Nhưng, hãy cứ mừng và chúc họ tiếp tục thành công sau triển lãm này.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

  Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm