Đỉnh Olympia và chuyện 'xuất siêu'… nhân tài

05/08/2014 08:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như bà chủ dự đoán khi xem trực tiếp Đường lên đỉnh Olympia trên truyền hình, quán quân Nguyễn Trọng Nhân nói ngay khi đăng quang: Em sẽ cố gắng học tiếng Anh để chuẩn bị tốt nhất cho việc du học tại Úc.

Trọng Nhân du học là chuyện tất nhiên, cũng tất nhiên như câu chuyện “đi không trở lại” của 13 nhà vô địch Olympia trước đó ra đi mà đến lúc này chỉ có 1 người về nước.

Người thì khuyên các em cứ ở nước ngoài, môi trường làm việc tốt hơn, mức lương cao hơn, người thì kêu gọi họ về nước để “cống hiến” đừng "làm thuê cho Tây" cả đời… Có người còn mang cả chuyện từ thời chiến tranh đói khổ, GS Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ bổng lộc cao vút ở trời Tây để về Việt Nam làm súng đạn đánh giặc.


4 nhà leo núi xuất sắc của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2014 (Từ trái sang): Hoàng Bách, Trọng Nhân, Ngọc Anh, Tiến Đạt

Bà thì nghĩ thế này, với các ngành khoa học kỹ thuật, sinh viên Việt Nam khó có thể được truyền thụ những kiến thức tính chất "bí quyết công nghệ". Vì thế, nếu các nhà vô địch học được những kiến thức và kinh nghiệm quý báu đó về truyền thụ cho trí thức trong nước thì sẽ vô cùng đáng quý.

Hoặc dù làm việc ở nước ngoài nhưng họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ cho khoa học nước nhà phát triển như các GS Trần Thanh Vân ở Pháp, Trịnh Xuân Thuận, Ngô Bảo Châu ở Mỹ, Nguyễn Văn Tuấn ở Úc… thì cũng tốt biết bao.

Dù về hay không về Việt Nam lúc nào những con người mang dòng giống "con Lạc cháu Hồng" cũng luôn có thể đóng góp cho quê nhà. Nên bà không lo.

Điều bà thấy buồn là sự lặp lại câu chuyện muôn năm cũ: “Chảy máu” nhân tài. Đó là chuyện không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra ở rất nhiều nước đang phát triển. Bà chủ cảm thấy cứ ngậm ngùi thế nào ấy, khi thấy những chương trình trên ti vi chúng ta chỉ biết ca ngợi những nhân tài mang quốc tịch Việt Nam khi họ thành danh ở nước ngoài. Và khi họ về Việt Nam chỉ là những tin họ tham dự hội thảo, gặp gỡ… tiếp tân.

Bà cũng thích Đường lên đỉnh Olympia, bởi ngoài sự giàu tri thức bà yêu nó còn bởi đó là gameshow thuần Việt. 18 năm trước, sự xuất hiện của SV 96 đã làm dấy lên một cơn bão trên tivi, khán giả như bà bắt đầu biết đến khái niệm gameshow. Sau đó, Đường lên đỉnh Olympia xuất hiện.

Bây giờ, các chương trình truyền hình thực tế nhập khẩu đang làm mưa làm gió trên truyền hình. Cũng dễ hiểu bởi nó là thể loại “truyền hình nhà giàu”, đòi hỏi phải có nhiều tiền, ê-kíp làm việc chuyên nghiệp, có đủ thiết bị kỹ thuật và đầu tiên phải là có kịch bản gameshow thật sự hấp dẫn. Đường lên đỉnh Olympia là format gameshow thuần Việt hiếm hoi hấp dẫn có sức bền bỉ mà bà và hàng triệu khán giả vẫn hồi hộp theo dõi qua nhiều năm.

Nói cách khác, trong cuộc chơi “xuất nhập khẩu” chương trình truyền hình thực tế chúng ta đang “nhập siêu”. Còn thứ ít ỏi chúng ta “sản xuất” được lại đang xuất siêu một cách… bất đắc dĩ. Xuất đến mức như bị hút máu mà người ta hay gọi máy móc bằng thuật ngữ trên ti vi là “chảy máu chất xám”.

Thật đáng buồn.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm