Điêu khắc TP HCM: Nỗi buồn ‘Sống trong tưởng tượng’

30/11/2016 19:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lúc 17h hôm nay 30/11, tại Khu du lịch Văn Thánh, triển lãm Điêu khắc TP.HCM lần thứ 4 – 2016 khai mạc với 64 tác phẩm của 50 nhà điêu khắc đang hành nghề tại thành phố phương Nam này.

Theo nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM: “Triển lãm lần này có chất lượng rất tốt vì các nhà điêu khắc đều đem đến tác phẩm tâm huyết nhất mà họ dày công sáng tạo trong 5 năm qua”.

64 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này được 7 thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm những nhà điêu khắc và họa sĩ uy tín thẩm định, như: Phan Gia Hương, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Trung Tín, Huỳnh Văn Mười, Nguyễn Xuân Tiên, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Hoàng Ánh.

Hội đồng nghệ thuật cũng chọn ra các tác phẩm có giá trị để trao giải. Kết quả các tác phẩm nhận giải cao nhất, gồm: Cuộn (chất liệu tổng hợp) của Phạm Đình Tiến đoạt giải Nhất, Hội tụ (đá) của Nguyễn Hồng Dương nhận giải Nhì và Thế giới ảo (tổng hợp) của Nguyễn Uyên Khang nhận giải Ba.

Tác phẩm Cuộn của nhà điêu khắc trẻ Phạm Đình Tiến, đoạt giải Nhất triển lãm Điêu khắc TP.HCM lần 4

Triển lãm này được xem như cuộc so tài sáng tạo của giới điêu khắc TP HCM diễn ra định kỳ 5 năm một lần. Cột mốc thời gian và ý nghĩa của triển lãm là vậy, nhưng nhìn vào các giải thưởng gần như chỉ có các tác giả trẻ, chứ không thấy các “cây đa cây đề” ẵm giải.

Nhất là các vị trong Hội đồng nghệ thuật dù có tác phẩm trưng bày rất đẹp nhưng không có tên trong danh sách đoạt giải. Chẳng hạn như nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh có tác phẩm Không giới hạn được giới chuyên môn đánh giá rất cao nhưng vì anh có tên trong Hội đồng nghệ thuật nên không đưa vào chấm giải.

Tác phẩm này được họa sĩ Uyên Huy (tức Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Văn Mười), nhận xét ngắn gọn bằng bút tích viết thẳng lên tác phẩm: “Giải phóng. Tôi không sợ ai. Tôi không muốn gì! Tôi tự do”. Và nhà điêu khắc, PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Hiệu phó ĐH Mỹ thuật TP.HCM, thì cho rằng đây là: “Nỗi đau của nhân loại”.


Tác phẩm Không giới hạn của nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh, dù được đánh giá rất cao nhưng vì là thành viên Hội đồng nghệ thuật nên không xét giải

Về tác phẩm Cuộn đoạt giải Nhất của nhà điêu khắc trẻ Phạm Đình Tiến được Hội đồng nghệ thuật và đồng nghiệp đánh giá có nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ tạo hình và ý tưởng thể hiện.

Nhìn chung, các tác phẩm trong triển lãm 5 năm một lần này có thể đáp ứng cho nhiều không gian trưng bày khác nhau. Thế nhưng ngành điêu khắc TP HCM chưa được quan tâm đúng tầm nếu so với ngành hội họa. Cụ thể là tác phẩm điêu khắc nhiều về số lượng và đầy đặn về chất lượng nhưng các tác giả sáng tạo ra rồi không biết trưng bày ở đâu cho phù hợp.

Ngay không gian khu du lịch Văn Thánh dù rất thoáng đẹp, song cũng không dung chứa nổi nội hàm các tác phẩm muốn thể hiện. Bởi khi sáng tạo một tác phẩm, các nhà điêu khắc đều suy nghĩ đến không gian xung quanh cho đứa con của mình. Tuy nhiên, các nhà điêu khắc thường “sống trong tưởng tượng”, vì hiện tại trong quy hoạch đô thị dường như chưa có “tỷ lệ phù hợp” cho điêu khắc.

Còn nhớ cuối năm 2015, TP HCM tổ chức trại điêu khắc quốc tế ở Công viên Văn hóa Đền Hùng với mục đích dùng các tác phẩm đó làm đẹp cho không gian sống. Nhưng đến nay, các tác phẩm này của các nhà điêu khắc trong và ngoài nước vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” chứ chưa phát huy giá trị thẩm mỹ của mình.

Thường thì, những cuộc triển lãm quy mô và có chiều sâu nghệ thuật như triển lãm Điêu khắc TP HCM sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có các nhà tài trợ. Vậy nhưng, ngoài Khu du lịch Văn Thánh tài trợ địa điểm, Hội Mỹ thuật TP HCM tài trợ giải thưởng thì các nhà tài trợ còn lại là hơn 20 nhà điêu khắc lâu năm.

Điều này cho thấy tín hiệu chưa sáng của một ngành nghệ thuật quan trọng của giới mỹ thuật thuộc thành phố sôi động nhất nước. Tuy vậy, cũng là tín hiệu mừng vì lòng yêu nghề của giới điêu khắc TP HCM các thế hệ, họ sẵn sàng đầu tư công sức sáng tạo và cả bạc tiền, thậm chí “tự tài trợ” để có một cuộc chơi với nghề.

Nói như nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn: “Anh em làm điêu khắc sống được với nghề thực sự đếm chưa hết một bàn tay. Muốn sáng tạo thì phải làm nhiều nghề khác nhau liên quan đến điêu khắc để nuôi dưỡng ý tưởng và thực hiện tác phẩm”.

Các nhà điêu khắc ở TP HCM không chỉ “sống trong tưởng tượng” về không gian cho tác phẩm, mà còn “tưởng tượng” về một ngày mai tươi sáng cho ngành nghề của mình. Nhà điêu khắc trẻ Phạm Đình Tiến đoạt giải Nhất trong triển lãm này, anh cũng sống chính bằng nghề giảng viên ở ĐH Mỹ thuật. Phạm Đình Tiến cho biết: “Nhiều khi một lớp điêu khắc chỉ có 5 sinh viên theo học, nhưng không vì thế mà ngành điêu khắc không hy vọng về tương lai”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm