Diễn viên nhí khóc nức nở vì không được xem phim 16+ do chính mình đóng

04/01/2017 11:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam áp dụng 4 cấp độ dán nhãn với phim chiếu rạp, trong đó có 13+, hoặc còn gọi là PG-13: phim không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Vì quy định này mà tối 28/12/2016, tại buổi ra mắt phim Chạy đi rồi tính, dán nhãn 16+, diễn viên Trọng Khang (vai thứ chính, dưới 16 tuổi) đã khóc nức nở khi được đạo diễn thông báo rằng ban quản trị rạp BHD Star sẽ không cho bạn vào.

Diễn viên Trọng Khang khóc nức nở khi biết không được phép xem phim do mình đóng

Danny Quách (Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star) cho biết từ lâu họ đã nghiêm túc với quy định chiếu phim NC-16 (No Children 16: không dành cho trẻ dưới 16 tuổi). “Khi nhìn thấy khán giả ở độ tuổi có thể không phù hợp, nhân viên bán vé của chúng tôi bắt buộc phải hỏi giấy tờ, nếu không có CMND thì trình thẻ sinh viên, hoặc bằng lái xe để chứng minh mình đủ 16 tuổi khi mua vé xem phim 16+. Cho nên bây giờ có thêm hạng mức 13+ và 18+, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ và tìm cách huấn luyện cho nhân viên bán vé của mình thực hiện”.

Một nhân viên bán vé của cụm rạp CGV nói rằng khi thấy một khán giả có thể đang ở trong độ tuổi nhỏ hơn quy định mà muốn mua vé, họ đều thông báo rõ ràng đây là phim dán nhãn cho người lớn. Nếu họ vẫn muốn mua vé thì CGV vẫn bán vé, nhưng khi vào rạp thì nhân viên soát vé sẽ yêu cầu xuất trình giấy tờ phù hợp.

“Chúng tôi không phải là cơ quan chức năng về nhân thân, lý lịch nên không thể tùy tiện yêu cầu người khác xuất trình giấy tờ nơi đông người, như vậy là vi phạm nhân quyền và pháp luật. Chưa nói họ có thể mua vé giúp cho người khác, nên việc kiểm soát chỉ diễn ra ngay cửa vào rạp, nơi ban quản lý có quyền từ chối khán giả không phù hợp. Nhiều trường hợp người lớn mua vé cho trẻ em đi cùng, khi vào rạp, chúng tôi cũng kiên quyết từ chối”.

Các diễn viên đủ tuổi xem phim cũng khóc theo khi nghe tin này. Ảnh: TL

Diễn viên Hồng Ánh (đạo diễn phim Đảo của dân ngụ cư) cho biết: "Tôi vẫn luôn suy nghĩ tích cực, việc quy định dán nhãn là cần thiết cho việc phát triển điện ảnh. Nhưng quản lý đối tượng xem phim sẽ như thế nào, khi mà ý thức tự giác chấp hành chưa là thói quen? 

Và với những phim dán nhãn rồi thì quy định hình ảnh, âm thanh nhạy cảm, mức độ bạo lực như thế nào là không được phép, nên có hướng dẫn thật chi tiết hơn nữa. Có chi tiết cụ thể thì các đạo diễn và nhà sản xuất cứ theo đó mà làm, khỏi phải lo lắng, băn khoăn như hiện nay. 

Ngoài ra, ở góc độ khác, phim ảnh là sản phẩm văn hóa, thật khó đưa ra những đánh giá như thế nào là phù hợp, là đúng sai ngay lập tức, nên rất cần áp dụng giai đoạn chạy thử nghiệm để xem phản ứng của nhiều phía".

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm