Dịch giả Thụy Anh: 'Quá khứ đáng tôn thờ, nhưng không nên tiếc nuối'

15/11/2014 13:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch giả, nhà giáo dục Thụy Anh từng sống ở Nga 20 năm và đã dịch nhiều tác phẩm văn học Nga như: tập thơ Olga Berggoltz của tôi, tiểu thuyết kỳ ảo Tuần đêm (Sergey Lukianenk). Chị có thể coi là người trẻ nhất trong số những dịch giả Việt tâm huyết với văn học Nga còn sót lại.

* Văn học Nga hiện nay đã bước qua thời hoàng kim tại Việt Nam, cảm nghĩ của chị, một người gắn bó và yêu mến văn học Nga, ra sao?

- Nhiều người nuối tiếc nhưng nói theo cách của nhà thơ Xuân Quỳnh thì  “Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ” nhưng không nên nuối tiếc. Tôi cho rằng các nền văn học nước ngoài nên được giới thiệu vào Việt Nam theo cách công bằng, nghĩa là không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời cuộc. Những năm 1970, 1980, văn học Nga rất được chú trọng ở Việt Nam, được dịch và in ồ ạt. Nhưng hiện nay, độc giả được tiếp cận với nhiều nền văn học, cơ hội của các nền văn học là ngang nhau, tôi cho đó là điều tiến bộ và cần thiết. Và trong hoàn cảnh đó, văn học Nga cũng có cơ hội để khẳng định giá trị của nó.

* Có mâu thuẫn không khi nói văn học Nga có cơ hội, trong khi mức độ cạnh tranh giữa các nền văn học đang tăng cao?

- Tôi nghĩ là không mâu thuẫn. Bây giờ không thiếu tác giả và độc giả cũng rất đa dạng. Không nên đánh giá theo kiểu nền văn học nào chiếm lĩnh thị trường, bán được nhiều sách hay được giới thiệu nhiều trên truyền thông vì đó không phải là giá trị thực chất của văn học. Trước đây, độc giả có thể dành nhiều thời gian đọc một cuốn sách rất dày nhưng thời đại tốc độ hiện nay, họ thích đọc những cuốn sách mỏng, nhưng độ mỏng hay dày cũng không nói lên giá trị của tác phẩm.

Tôi cũng không nghĩ theo kiểu “văn học Nga giá trị hơn các nền văn học khác”. Độc giả Việt Nam đang có một bữa tiệc văn học đa dạng, họ có thể tùy ý lựa chọn món ăn mình thích.

Có một thời tất cả đắm chìm trong cùng một cảm xúc, trong cùng một ký ức, điều đó tạo ra được một giá trị nhất định khi một nền văn học có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm thức chung của một, thậm chí nhiều thế hệ. Nhưng không thể cứ mãi như vậy. Bản thân tôi là người yêu thích văn học Nga, nhưng tôi cũng yêu thích các tác phẩm của những nền văn học khác, không phải lúc nào tôi cũng đọc văn học Nga - ở góc độ người đọc.

* Có cảm giác ngày nay độc giả có xu hướng chọn đọc sách theo mốt, trong khi văn học Nga gây cảm giác cũ kỹ, thuộc về thế hệ trước, nên đứng ngoài mối quan tâm của họ. Chị nghĩ sao?

- Đó có thể là một định kiến của những người nghĩ rằng tình yêu văn học Nga thuộc về thế hệ cha ông họ.

Thời đại nào, nhân vật ấy. Trước đây, tâm hồn Nga gặp tâm hồn Việt ở những câu chuyện chiến tranh, rồi hậu chiến, nơi những trải nghiệm mất mát khá tương đồng và hướng tới những giá trị nhân văn sâu sắc. Giờ đây, trong sự đa dạng của thế giới văn chương mà độc giả được tiếp cận, các tác phẩm kinh điển Nga khẳng định giá trị của mình theo cách khác.


Tập thơ Olga Berggoltz của tôi do Thụy Anh dịch, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012

Tôi biết có những độc giả 8X vẫn thích văn học Nga. Chẳng hạn tập thơ Olga Berggoltz mà tôi dịch, NXB Trẻ chỉ in 1.000 cuốn vì không nghĩ sẽ bán được nhưng tập thơ bán hết khá nhanh, và hiện nay trên Facebook vẫn có độc giả trẻ tìm mua sách. Các độc giả 8X cũng đọc và gửi thư điện tử cho tôi để bày tỏ cảm nhận.

Nói vậy không phải để khẳng định văn học Nga giá trị hơn các nền văn học khác, mà để thấy rằng, ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống hiện đại, văn học Nga vẫn tìm được sự đồng cảm ở độc giả - cũng như mọi giá trị kinh điển khác.

Trên thực tế, đời sống văn học đương đại Nga cũng vẫn đang diễn ra sôi nổi với các tác giả cuối và hậu Xô Viết (Ludmila Ulitskaya, Zina Rubina, Tokareva, Sorokin, Prilepin, Grishkovetz, Marinina, Lukianenko...) nhưng chưa được biết đến. Các tác phẩm đã dịch lại chưa được truyền thông ở Việt Nam chú ý.

Chẳng hạn, khi tôi dịch một tiểu thuyết giả tưởng từng “làm mưa làm gió” ở thị trường sách Nga là Tuần đêm của Sergey Lukianenko - nhà văn hàng đầu của thể loại giả tưởng đương đại Nga (NXB Trẻ, 2010) thì sách không bán được. Nhưng cũng có vài độc giả rất trẻ, thế hệ 9X, biết đến danh tiếng của bộ sách gốc ở Nga thông qua bộ phim chuyển thể nói tiếng Anh. Họ thắc mắc vì sao tôi không dịch cuốn tiếp theo trong bộ là Tuần ngày.

Trước đó, NXB Lao động cũng từng in một tác phẩm thú vị khác của Lukianenko là Mê cung ảnh nhưng cũng không có tiếng vang trong độc giả Việt Nam.

Văn học đương đại Nga có vài tác giả được truyền thông phương Tây đánh giá là nổi bật, tôi tìm đọc thì thấy văn của họ cũng thú vị nhưng tôi nghĩ các NXB không dám tổ chức dịch vì áp lực truyền thông và bán sách, họ không thể liều được. Vì thế, ấn tượng về văn học Nga ở Việt Nam vẫn thuộc về những tác phẩm cũ của những tác giả đã được khẳng định tên tuổi. Mà ngay cả những tác giả ấy cũng cần được giới thiệu kỹ và sâu sắc hơn.

* Tâm hồn Nga - tâm hồn Việt từng gần nhau đến thế, sao bây giờ lại xa nhau?

- Phải lưu ý rằng có những độc giả không chọn sách gần gũi với tâm hồn họ mà đọc sách theo mốt, những cuốn nào truyền thông đang giới thiệu rầm rộ rằng hạn. Bản thân tôi giờ đây cũng chọn sách bằng cách... nghe ngóng truyền thông! Thi thoảng may mắn thì đọc được một cuốn hay mà truyền thông chưa từng nhắc đến và ngạc nhiên vì điều đó.

Còn chuyện tâm hồn Nga và tâm hồn Việt gần nhau, thì tôi cho rằng có thể lý giải đơn giản: Nga là một nước phương Tây có cảm thức phương Đông rõ nét. Còn thì, gần hay xa giờ đây lại phụ thuộc quá nhiều yếu tố, đặc biệt nếu nói về nền văn học đương đại. Bạn đọc cả hai nước hiện đều ít được tiếp cận các tác phẩm của nhau!

Ông Boris Tarasov, Hiệu trưởng Trường Viết văn Gorki, từng tuyên bố rằng văn học Nga đương đại không có tác phẩm nào đáng đọc, vì tác phẩm chỉ có giá trị khi nhà văn cùng nhân dân trải qua đau khổ mất mát. Quan điểm sáng tác này cũng tương đồng với một vài thế hệ viết văn ở Việt Nam. Còn bây giờ, cuộc sống đa dạng hơn, tốc độ cao hơn, viết cũng phải đa chiều, “khẩu vị” của độc giả thì phân tán. Nếu một mình văn học Nga hay văn học Trung Quốc thống trị như ngày trước thì không thể kích thích được đời sống tinh thần của độc giả. Đọc một chiều thì sống một chiều, và trái lại, đọc đa chiều thì sống đa chiều.

Độc giả Việt chưa được đọc bản dịch Sông Đông êm đềm xứng tầm

Ngày nay, yêu cầu về chất lượng dịch thuật đã cao hơn rất nhiều so với cách đây mấy chục năm. Các dịch giả không thể dịch theo lối cũ được nữa. Việc dịch các tác phẩm văn chương thuộc hàng kiệt tác, kinh điển đứng trước những yêu cầu khắt khe hơn từ công chúng và giới làm nghề.

Tôi tiếc vì độc giả Việt Nam chưa được đọc bản dịch Sông Đông êm đềm nào hay xứng tầm nguyên bản. Khi tôi đọc Sông Đông êm đềm của Mikhail Sholokhov (Nobel Văn học năm 1965) bằng tiếng Nga cách đây mấy chục năm, tôi cảm nhận rất rõ đây là một tác phẩm xuất sắc nhưng rất khó dịch ra một ngôn ngữ khác mà hay ngang bằng bản gốc. Bản gốc thuộc một đẳng cấp khác so với các bản dịch tại Việt Nam.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến (chuyên dịch văn học Nga, cố vấn của Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - Nga

Đọc bài: Văn học Nga ở Việt Nam: Xa rồi thời hoàng kim TẠI ĐÂY

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm