Đi tìm phần 'hồn' cho Bảo tàng Hà Nội

05/06/2020 11:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng tròn 10 năm sau khi hoàn thành công trình Bảo tàng Hà Nội, sau những khó khăn, vất vả và cũng không ít lúng túng, đến nay, địa chỉ văn hóa này bắt đầu hoàn chỉnh phần trưng bày thiết kế, chấm dứt tình trạng “vườn không nhà trống” bấy lâu nay mọi người thường định kiến.

Bảo tàng Hà Nội: 'kể chuyện' văn hóa nghìn năm đất Thăng Long

Bảo tàng Hà Nội: 'kể chuyện' văn hóa nghìn năm đất Thăng Long

Sau 9 năm hoàn thành phần “vỏ”, sắp tới, người dân và du khách sẽ có một địa chỉ mới để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khi Bảo tàng Hà Nội hoàn thành nội dung trưng bày chính thức.

Dù vậy, đây cũng là nỗ lực của những người quản lý Bảo tàng Hà Nội, của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, khi suốt thời gian dài, việc dựng lên rồi gạt bỏ phương án thiết kế đã từng diễn ra, việc sưu tầm hiện vật gặp muôn vàn khó khăn. Hơn cả là tìm ra lối “kể chuyện” mới mẻ, hấp dẫn, tiệm cận với xu hướng trưng bày của bảo tàng các nước trong khu vực.

Tiệm cận với cách trưng bày các bảo tàng trong khu vực

Ra đời sau, hơn nữa, Bảo tàng Hà Nội là một công trình văn hóa lớn của Thủ đô, được gửi gắm niềm kiêu hãnh và kỳ vọng của lãnh đạo, nhân dân Hà Nội, khi được đầu tư với kinh phí lớn, hoàn thành gắn với ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Một mặt, thiết chế văn hóa này phải tái hiện được chiều dài lịch sử, văn hóa, tinh thần của mảnh đất vốn quá nhiều các giá trị vừa đa dạng, vừa đặc sắc. Gánh trên vai trọng trách ấy, trong suốt những năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã nhận được những tâm huyết đóng góp của nhiều nhà văn hóa, lịch sử trong nước, các chuyên gia thiết kế nước ngoài. Đến nay, những người quản lý Bảo tàng Hà Nội có thể tự tin, sau khi hoàn thành phần trưng bày thiết kế, Bảo tàng Hà Nội có thể đưa lại cho công chúng những ấn tượng tốt.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, với tổng diện tích trưng bày lên tới gần 10.000 m2, bảo tàng “kể” câu chuyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên cơ sở hơn 70.000 tài liệu, hiện vật. Có thể khẳng định, đây sẽ là câu chuyện lịch sử phong phú, đặc sắc khi số lượng tài liệu, hiện vật của bảo tàng có thể lớn nhất so với các bảo tàng của cả nước.

Nếu bảo tàng các địa phương khác trong cả nước thường mang tính khảo cứu địa phương, “kể” câu chuyện của tỉnh, thành đó theo biên niên, Bảo tàng Hà Nội vừa kết hợp phong cách đó, vừa kết hợp trưng bày từng chuyên đề. 7 chủ đề (với 25 tiểu chủ đề) được trưng bày bao gồm: Thiên nhiên; Hành trình đến Thăng Long; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt; Hà Nội thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; Kháng chiến và giành độc lập (1873-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội; Hà Nội trên đường đổi mới. Mỗi chủ đề được chứng minh bằng nhiều tiểu chủ đề khác nhau, trong đó có những tiểu chủ đề rất độc đáo, tạo ra cái nhìn mới về Hà Nội như: Giảng Võ đường, Kẻ chợ, Thành Vauban, Thành phố thuộc địa, Khu tập thể... Bên cạnh đó, khu vực trưng bày còn có thêm một chuyên đề giới thiệu tại 3 tầng nhà bảo tàng. Ở sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ, Bảo tàng Hà Nội trưng bày và tái tạo: Phố cổ, cổng làng, nhà trường lang, hiện vật khối lớn và sẽ bổ sung thêm khu trưng bày đầu tầu hơi nước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh một triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Bảo tàng Hà Nội đầu tư công nghệ trong tra cứu thông tin với 8 màn hình tra cứu. Công chúng có thể tìm hiểu Hà Nội sâu hơn về các phương diện kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lý, khoa học... Ngoài ra, 98 video clip dạng phim ngắn từ 5 - 7 phút về lịch sử Hà Nội cung cấp khối lượng thông tin lớn cho công chúng, trong đó có video clip dùng tai nghe, có video clip dùng thuyết minh và có dạng chỉ là hình ảnh. Đó là cách truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ khác, tăng thêm khả năng lựa chọn cách tìm hiểu về Hà Nội khi du khách đến với Bảo tàng Hà Nội.

Trong quá trình trưng bày, mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử, ở đó thấm đẫm cả máu, nước mắt, những buồn vui của người Hà Nội. Tại một số bảo tàng khác, khi trưng bày, hiện vật thường chỉ gợi về lịch sử nhưng tại Bảo tàng Hà Nội, hiện vật sẽ “kể” câu chuyện mà nó trải qua, có tính nghiên cứu sâu hơn. Mỗi hiện vật có lời giới thiệu ở nhiều cấp độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mỗi đối tượng khách khác nhau, đảm bảo sự logic và gần gũi với công chúng. Công chúng cần tìm hiểu ở cấp độ nào sẽ xem ở cấp độ đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy,- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết thêm, thay vì tư duy có gì trưng bày đấy, sau khi làm việc với các chuyên gia, những người làm công tác trưng bày nhận thấy cần thay đổi để bắt kịp với các bảo tàng trong khu vực. Với những ngôn ngữ “kể chuyện” khác nhau, sau khi hoàn thành, thiết kế trưng bày của Bảo tàng Hà Nội phần nào thỏa mãn mong mỏi của người dân Hà Nội và du khách.

Hành trình đi tìm hiện vật cho bảo tàng

Một trong những lý do khiến công tác trưng bày Bảo tàng Hà Nội chưa thể thực hiện trong thời gian qua do số lượng hiện vật không đủ đáp ứng. Bên cạnh số lượng hiện vật có được từ những đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, thu thập hiện vật tại thực địa hoặc từ nhiều nguồn khác thì số lượng không nhỏ hiện vật tại Bảo tàng Hà Nội sưu tầm được từ công tác hiến tặng, chuyển giao của các tổ chức, cá nhân. Bởi, việc áp dụng phương thức mua hiện vật từ các tổ chức, cá nhân theo Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập chưa áp dụng được, do Hà Nội chưa có cơ chế cụ thể.

Trong những năm qua, cán bộ Bảo tàng Hà Nội đi từng ngõ ngách mỗi con đường, đến tận các gia đình từ vùng nông thôn, đến tận vùng núi để sưu tầm, vận động mọi người hiến tặng. Tất nhiên, phương thức này có cái khó bởi các hiện vật được hiến tặng ít có giá trị kinh tế cao, chỉ đảm bảo về giá trị lịch sử. Với những cố gắng không mệt mỏi cộng với sự tâm huyết của những người sưu tầm, nhiều tổ chức, cá nhân cảm kích mà hiến tặng. Nhưng để họ yên tâm gửi gắm hiện vật cho bảo tàng, cán bộ Bảo tàng Hà Nội phải nhiều lần đi lại, phỏng vấn, ghi chép, tổ chức lễ hiến tặng.

Ông Nguyễn Văn Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội kể lại câu chuyện sưu tầm đôi mỏ neo cổ được vớt từ dưới sông Hồng lên, do ông Quách Văn Địch, quận Long Biên đang sở hữu, để phục vụ trưng bày. Đây là đôi mỏ neo quý, có niên đại cách đây khoảng 500 - 600 năm, minh chứng cho lịch sử sông Hồng từ thời xa xưa đã đón những thương thuyền lớn từ nước ngoài vào giao thương. Từ mỏ neo này, người ta có thể hình dung quy mô của dòng sông khi đó và so sánh với hiện trạng sông hiện nay. Nếu không có mỏ neo này, câu chuyện "Thương cảm sông Hồng" trong chuyên đề trưng bày sẽ không có sức thuyết phục. Bởi vậy, đích thân Giám đốc Bảo tàng Hà Nội ba lần trực tiếp sang gặp ông Quách Văn Địch, vận động hiến tặng cho bảo tàng. Rất may mắn, vì trân trọng với lịch sử, vì yêu văn hóa Hà Nội, ông Địch đã đồng ý hiến tặng.

Rồi hành trình sưu tầm những mảng chạm khắc ở đình Chu Quyến (huyện Ba Vì) ban đầu gặp nhiều khó khăn do các cụ cao tuổi trong làng không đồng ý, dù các mảng chạm này đang để ở kho bị mối, mốc. Đây là những mảng chạm thể hiện tín ngưỡng thờ mẫu, tích ngựa bay rất có giá trị. Dù rất thiết tha, nhưng cán bộ bảo tàng nhận lại là những cái lắc đầu. Cuối cùng, nhân dịp Bảo tàng Hà Nội tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật, lãnh đạo bảo tàng đã mời các cụ lên tham dự và tham quan công tác bảo quản hiện vật. Sau khi tận mắt chứng kiến, các cụ đã đồng ý hiến tặng cho bảo tàng, giúp hoàn chỉnh được ý tưởng trưng bày.

Và còn nhiều câu chuyện thú vị trong việc sưu tầm hiện vật như: Kiệu bát cống ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), đầu máy hơi nước Tự Lực ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, các thanh gác chắn của ga Hàng Cỏ đang lưu giữ tại Công ty Đường sắt Hà Ninh (tỉnh Nam Định)...

Hiện nay, công tác thi công đang chạy đua với thời gian để đảm bảo hoàn thành trưng bày vào tháng 6/2021 và Bảo tàng Hà Nội sẽ đón khách trở lại vào cuối năm 2021.

Đinh Thuận/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm