Đạo diễn Việt Tú và luật sư của Tuần Châu Hà Nội nói gì sau phiên sơ thẩm?

20/03/2019 14:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Việt Tú và Luật sư Trương Anh Tú, người bảo vệ quyền lợi cho phía Tuần Châu Hà Nội, đều có những chia sẻ nhanh ngay khi phiên tòa kết thúc trong sáng nay 20/3. 

Xét xử sơ thẩm vụ 'Tinh hoa Bắc Bộ': Các bên đã nói gì?

Xét xử sơ thẩm vụ 'Tinh hoa Bắc Bộ': Các bên đã nói gì?

Điểm đáng chú ý nhất của phiên sơ thẩm là khi toà công bố kết luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sau khi thẩm định hai vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ theo Công văn đề nghị của TAND TP Hà Nội.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm liên quan tới vụ việc này, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã công nhận đạo diễn Việt Tú là tác giả của kịch bản Ngày xưa, còn công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu duy nhất của kịch bản. Ngoài ra, cũng theo phán quyết tại tòa, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ (do TCHN đầu tư sau đó)  là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa.

Đạo diễn Việt Tú: Tôi chờ đợi đã quá lâu

Trước khi có phiên tòa này, tôi vẫn nói là bất luận thế nào, tôi sẽ tôn trọng kết luận của tòa ngày hôm nay. Nhưng vẫn cần khẳng định, đây là một thắng lợi không chỉ cho riêng tôi, mà cho tất cả các nghệ sĩ hiểu dược giá trị của sự sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ trong nền công nghiệp giải trí.Thật sự, tôi đã chờ giây phút này rất lâu rồi.

Chú thích ảnh
Việt Tú trả lời báo giới sau phiên tòa

Tôi cảm thấy mình rất may mắn – bởi ở thời điểm này, không chỉ nhiều thành phần trong xã hội mà ngay cả những người đang làm việc và tham gia vào hệ thống hành pháp, tư pháp cũng đã nhận thấy vai trò quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Và sau vụ việc này, không chỉ tôi và các nghệ sĩ, mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư... hẳn cũng chú ý tới điều đó hơn.

Tiện đây, xin khẳng định lại một điều mà tòa đã công nhận: tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt những gì không thuộc về mình. Tôi chưa bao giờ đến tòa với mục đích đòi những quyền lợi tài chính. Thậm chí, cả khoản tiền 10 % vé bán trong suốt vòng đời của sản phẩm, tôi cũng sẵn sàng buông bỏ sau vụ việc này, khi mà 2 bên đã không còn muốn làm việc với nhau.

Điều tôi quan tâm duy nhất, kể từ khi vụ việc bắt đầu, là sự tôn trọng quyền sáng tạo của người nghệ sĩ. Và điều ấy, tôi đã có được với lời công nhận từ phía Hội đồng xét xử hôm nay.

Luật sư Trương Anh Tú (công ty TAT Law firm, người bảo vệ quyền lợi cho phía TCHN tại phiên tòa): Chúng tôi đã đến đích

Bản án ngày hôm nay, HĐXX đã có bản án phân tích hết sức đầy đủ. Cảm xúc của tôi khá lẫn lộn.

Về nội dung chính của vụ án, chúng tôi khởi kiện với yêu cầu phía công ty DS phải trả lại quyền sở hữu kịch bản Ngày xưa cho Tuần Châu, yêu cầu này đã được chấp nhận. Với nguyên đơn, đây là yêu cầu lớn nhất, là mục tiêu tối thượng. Như thế, về mặt hình thức, bản án này đạt được trên 50 % mục đích chúng tôi đặt ra khi bắt đầu, về mặt nội dung thì đạt được khoảng 80%. Chúng tôi đã đến đích, dù có thể không mĩ mãn.

Còn lại, tôi rất băn khoăn về vấn đề tại sao lại phải xem xét, cũng như phán quyết, chuyện “phái sinh hay không phái sinh” ở phiên tòa này. Về nguyên tắc, đạo diễn Việt Tú và công ty DNS có khởi kiện chúng tôi về vấn đề quyền tác giả của Ngày xưa trong một vụ án khác. Chúng tôi đã đề nghị nhập vụ án đó vào vụ án này mà không được chấp nhận.Vậy nhưng, vấn đề ấy lại được đưa ra ở vụ án này.

Chú thích ảnh
Luật sư Trương Anh Tú trả lời báo giới

Tôi đã từng trả lời báo chí, rằng đó là điều không có cơ sở pháp luật và không phù hợp với quy định về phản tố trong một vụ án. Không hiểu, khi đã giải quyết xong yêu cầu phản tố ở đây thì Tòa có giải quyết vụ án kia nữa không? Nếu có thì một sự việc sẽ được giải quyết tới 2 lần, còn nếu không thì cũng không được, bởi vụ án đã được thụ lý.

Ngoài ra, cần nói thêm, Hội nghệ sĩ sân khấu là nơi có thể tham khảo ý kiến, nhưng không chức năng để giám định về vấn đề sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng kết luận của họ, mà lại có sự gợi ý từ phía bị đơn, khiến tôi tôi băn khoăn về tính khách quan của nó.

Sơn Tùng (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm