Đạo diễn Hoàng Duẩn: Từ cậu bé chăn trâu đến đạo diễn thành danh!

22/02/2021 19:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày đầu năm mới, người ta hay gửi đi ước mơ thật đẹp đẽ cho con đường công danh sự nghiệp. Tuy nhiên, rất ít người có thể đạt được thành tựu khi hành trình sống của mình gặp chông gai, thử thách. Thế nên, câu chuyện cuộc đời của đạo diễn Hoàng Duẩn có thể được xem là một trải nghiệm thật thú vị cho những thanh niên nghèo khó muốn đi đến tận cùng hoài bão của mình.

Đạo diễn Hoàng Duẩn: Xem EURO để chiêm nghiệm về sự đời

Đạo diễn Hoàng Duẩn: Xem EURO để chiêm nghiệm về sự đời

Rất đắt show trên sân khấu và truyền hình, đạo diễn Hoàng Duẩn vẫn quyết tâm dành thời gian cho EURO với lý do độc đáo: 'xem bóng đá để chiêm nghiệm thêm về sự khổ luyện, cũng như… may mắn trong cuộc đời'.

Mùa Tết Tân Sửu 2021, đạo diễn Hoàng Duẩn dựng vở kịch rất vui cho sân khấu 5B Võ Văn Tần, tựa đề Tin thì linh, không tin cũng linh. Bất ngờ các sân khấu được lệnh đóng cửa phòng tránh dịch cúm Covid19, các nghệ sĩ buồn vì không được phục vụ khán giả, nhưng Hoàng Duẩn vẫn có cơ hội mang tiếng cười đầu năm đến cho công chúng qua các vở kịch truyền hình gồm Chuyến xe đoàn viên, Con trâu vàng, Tết này chắc vui. Trước đó không lâu anh đoạt huy chương vàng đạo diễn tại liên hoan truyền hình toàn quốc với vở cải lương Án tử.

Từng chết đi sống lại

Đạo diễn Hoàng Duẩn sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Theo Hoàng Duẩn, ngày nhỏ anh một buổi đi học, một buổi phải phụ gia đình chăn trâu ngoài đồng, vậy mà bữa ăn hằng ngày của anh thường xuyên là cơm độn khoai sắn.

Một lần anh đang lùa trâu ngoài đồng ngập nước thì sự cố xảy ra. Các chú trâu đang gặm cỏ bỗng nhiên hoảng loạn chạy tứ tung, và anh thì bị trâu đạp chìm xuống nước. Với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, anh cố ngoi lên, con trâu khác tiếp tục đạp lên đầu, nhấn anh chìm xuống. Anh chới với ngoi lên, chìm xuống nhiều lần, rồi chìm hẳn. Một người đàn ông đang làm việc gần đó đến cố gắng cứu anh lên, nhưng bất khả. Lâu sau, thân thể anh nổi lên ở một chỗ khác, tím tái và bất động. Tưởng rằng anh không thể sống sót nhưng sau nhiều giờ ủ trong rơm, cậu bé Hoàng Duẩn hồi sinh một cách kỳ diệu.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Hoàng Duẩn

Từ cõi chết trở về, Hoàng Duẩn trở nên mạnh mẽ. Bao nhiêu khó nhọc, thiếu thốn bủa vây gia đình, anh vẫn xem như điều bình thường. Đói ăn nhưng anh vẫn theo ba học chơi đàn ghi ta, vĩ cầm, sáo. Cái máu văn nghệ trong người phần nào đó giúp cho trí tưởng tượng lãng mạn của anh hướng đến một chân trời tươi sáng ở tương lai, quên bớt nỗi nhọc nhằn ở hiện tại.

Ngày Hoàng Duẩn tốt nghiệp trung học, anh quyết định vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Đó là những năm đầu thập niên 1990. Đêm trước khi anh đi, cha anh cho anh 20 ngàn đồng. Ông nghẹn ngào nói với anh: Cha chỉ có chừng này để làm hành trang cho con. Anh cầm số tiền nhỏ nhoi từ đấng sinh thành mà rơi nước mắt, vì anh hiểu được tấm lòng của người cha nghèo khó.

Hoàng Duẩn đã quyết định nhảy tàu, đi lậu vé, từ quê nhà vào Sài Gòn. Món tiền ít ỏi ấy anh giữ thật kỹ để dành cho những việc cần thiết nhất. Anh phải đi luyện thi bằng cách đứng ngoài cửa lớp học lóm. Cô giáo thương cho vào lớp học miễn phí. Trong khi bạn bè xung quanh mướn người dựng tiểu phẩm, mua đạo cụ, thì Hoàng Duẩn tự lo mọi thứ. Anh đã đậu với số điểm rất cao.

Vào học Trường cao đẳng nghệ thuật sân khấu 2, Hoàng Duẩn xin vào ở ký túc xá. Để có tiền ăn, anh phải xin đóng vai quần chúng, giữ xe, dạy đàn và làm tất cả công việc không tên. Ngày ấy, tuổi 19 -20, Hoàng Duẩn gầy nhom nhưng anh vẫn xin làm cascadeur và liều mạng thực hiện nhiều pha nguy hiểm.

Hoàng Duẩn nhớ lại : “Thời ấy ký túc xá trường đóng cửa đúng giờ, mỗi khi tôi đi đóng quần chúng về trễ phải ra sạp chợ ngủ. Đóng thế vai cũng có ít tiền nhưng chấn thương như cơm bữa. Tôi bươn chải rất nhiều việc vậy mà vẫn không đủ ăn. Những lúc quá túng bách, tôi phải đi bán máu để có tiền mua thức ăn. Nước da lúc nào cũng xanh tái, đi khám sức khỏe, bác sĩ bảo bị phù thũng vì suy gan và thiếu dinh dưỡng. Khó khăn đến thế nhưng chưa lúc nào tôi thôi hy vọng vào một ngày mai xán lạn”.

Người năng nổ thường được trọng dụng

Nhờ học hành chăm chỉ, và sẵn sàng lăn xả trên thực tế, nên Hoàng Duẩn xin được vị trí trợ lý đạo diễn phim. Dần dà anh tích lũy cho mình vốn kiến thức và kinh nghiệm sàn quay, sàn diễn dày dặn. Anh được mời dạy diễn xuất tại các nhà văn hóa, tại đó, anh đã góp phần đào tạo nên nhiều diễn viên trẻ mà sau này 2 người công nhận anh là thầy có Tiến Luật và Lê Nam. Chí cầu tiến và ham muốn học hỏi đã trao anh Hoàng Duẩn cơ hội được mời về công tác tại Nhà hát Kịch TP.HCM. Ở đây, anh đã dàn dựng rất nhiều vở cho nhà hát cho cả hình thức bán vé tại rạp Công nhân, lẫn các vở phục vụ khán giả vùng sâu vùng xa.

Một bước ngoặt đặc biệt trong cuộc đời nghệ thuật của Hoàng Duẩn là việc anh nghiên cứu thể loại nghệ thuật rối đen rất mới lạ tại Việt Nam. Từ đây, anh đã có cơ hội tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế ở nhiều quốc gia. Những chuyến đi này giúp anh tích lũy được nền tảng kiến thức nghệ thuật cũng như cập nhật được phong cách nghệ thuật đương đại.

Người năng nổ thường được trọng dụng. Sau khi rời khỏi Nhà hát Kịch TP.HCM, anh về cộng tác cho đài truyền hình TP.HCM trong vai trò tác giả và đạo diễn của mục Siêu thị cười và Chuyện bốn mùa. Chương trình Siêu thị cười từng giúp anh giành giải Cù nèo vàng năm 2011 rất uy tín của báo Tuổi trẻ Cười qua tiểu phẩm Chuyện tình thời @. Không chỉ dựng chương trình của đài, Hoàng Duẩn rất đắt show lễ hội. Các lễ hội lớn cấp quốc gia diễn ra ở miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây thường xuyên có sự góp sức của anh. Chính nhờ đắt show mà cuộc sống kinh tế của Hoàng Duẩn ngày càng ổn định, hay nói cách khác là anh đủ điều kiện để chăm lo cho gia đình riêng, và nuôi các em học hành đến nơi đến chốn.

Hoàng Duẩn hiện là giảng viên của Trường Đại học Văn hóa (TP.HCM). Trong năm 2021 này, nếu không có gì thay đổi, đạo diễn Hoàng Duẩn sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ chủ đề Kịch nói ở TP.HCM trong bối cảnh văn hóa Nam bộ. Luận án này sẽ thống kê lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển môn kịch nghệ miền Nam, đồng thời phân tích sự giống và khác nhau trong phong cách kịch Bắc và Nam. Được biết, từ trước đến giờ tài liệu về kịch nói Nam bộ rất tản mát, vì vậy, Hoàng Duẩn sẽ in thành sách để công chúng yêu kịch nghệ có cái nhìn xuyên suốt về loại hình nghệ thuật rất được công chúng ưa thích.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm