Đạo diễn 'Chạy án' Vũ Hồng Sơn: Nói vấn đề gai góc không phải cho sướng miệng!

22/07/2016 07:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từng khiến khán giả phát sốt với series Chạy án, mới đây NSƯT, đạo diễn Vũ Hồng Sơn tiếp tục lao vào vòng xoáy liên minh quan chức - doanh nghiệp với Lựa chọn cuối cùng. Bộ phim là dự án trọng điểm của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) trong năm nay, kì vọng tạo nên sức nóng trong dư luận sau khi phát sóng.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Vũ Hồng Sơn sau khi phim ra mắt tại Hà Nội.

* Năm 2015, làm Chạy án, không phải tỉnh nào cũng chấp thuận cho đoàn tới quay. Ngay cả diễn viên nói những câu thoại "nhạy cảm" cũng phải giảm âm lượng khi ghi hình ở hiện trường. Sau 7 năm, làm phim chính luận còn gặp những vấn đề như vậy không?

- Đến bây giờ các địa phương vẫn e ngại các đoàn làm phim chính luận. Hồi xưa quy mô đoàn làm phim nhỏ, chứ bây giờ ba mươi mấy người cùng với hàng đống máy móc đi xuống địa phương họ cũng e ngại lắm. Dù bây giờ mọi người không còn lạ lẫm với đoàn làm phim như trước, nhưng vì thế họ quay sang tìm hiểu phim về vấn đề gì. Nếu họ không hiểu công việc mình làm, họ từ chối.

Làm phim về tình yêu dễ dàng hơn rất nhiều, chứ làm phim chính luận lúc nào cũng khó.


Đạo diễn Vũ Hồng Sơn

* Lần này làm Lựa chọn cuối cùng, đoàn có bị địa phương nào từ chối không?

- Nếu làm bộ phim xã hội đơn thuần gần như chỉ cần công văn là xuống địa phương quay được luôn. Với phim chính luận, phải xác định được sự chấp thuận của địa phương mới đi quay được. Chúng tôi đã phải liên hệ với các địa phương từ trước, khi xuống địa phương phải có giám đốc của VFC là anh Đỗ Thanh Hải đi cùng, rồi các nhà báo đang làm biên kịch cho phim như chị Chu Hồng Vân, anh Nguyễn Tuấn Thành đã tận dụng các mối quan biết tại địa phương giúp đoàn làm phim.

* Thời làm Chạy án các anh có nói để tìm được bối cảnh căn phòng của thứ trưởng mướt mồ hôi, bây giờ dễ hơn chứ?

- Phòng của quan chức có cách bài trí theo mẫu riêng, nhưng tùy chức vụ có những đặc thù riêng. Chúng tôi vẫn phải mượn bối cảnh vì kinh phí không cao đến mức có thể dựng bối cảnh trường quay. Cũng phải tính toán thời gian rất sát sao vì còn phải trả phòng cho các anh ấy làm việc.

Phim còn có nhiều cảnh quay ở rừng, công trình thủy điện. Nhưng vì là phim chính luận không có nhiều quảng cáo, không thể đòi hỏi tiền đầu tư lớn, nên chủ yếu vẫn nhờ các địa phương giúp đỡ, anh em bỏ công sức ra là chính.


NSƯT Mạnh Cường trong vai Chủ tịch tỉnh Khắc Đức

* Với phim chính luận, áp lực về mặt chính trị với giám đốc sản xuất sẽ rất lớn, còn đạo diễn chịu áp lực gì?

- Chúng tôi xác định phản ánh những vấn đề gai góc trong xã hội, nhưng trên tinh thần xây dựng, để làm xã hội tốt hơn, chứ không phải nói cho sướng miệng. Đó chính là điều chúng tôi phải thuyết phục được mọi người. Nếu có ai chưa hiểu, nói ra nói vào, mình phải cố gắng nói cho họ hiểu thôi. Còn đúng áp lực nhất vẫn là giám đốc sản xuất.

* Vì sao đến khi gần ra mắt phim mới truyền thông, phải chăng để tránh phiền phức?

Lựa chọn cuối cùng (38 tập), được phát sóng bắt đầu lúc 20h45 các ngày thứ 5, thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ 8/7/2016.

- Không phải thế, vì kịch bản đã được rất nhiều cấp duyệt rồi mới được làm. Áp lực lớn nhất là làm sao phải khiến cho bộ phim hấp dẫn khán giả vì phim chính luận nổi tiếng "khó, khô, khổ" rồi. Làm kiểu tuyên truyền, rao giảng đạo đức bây giờ ai thèm xem, lãng phí tiền của, công sức. Khi quay xong, làm hậu kì, giám đốc sản xuất duyệt, lúc đó chúng tôi mới yên tâm nói về sản phẩm với báo chí.

Nếu làm phim đề tài xã hội thì có thể quảng cáo từ rất sớm. Nhưng với phim chính luận thì không nên, quảng cáo lúc phim chưa thành hình, nếu phim không hay khán giả thất vọng. Nói quá lên càng không được.

* Diễn viên Chí Nhân đóng rất nhiều phim, nhưng chưa tạo được nhiều dấu ấn, tại sao anh chọn Chí Nhân?

- Ngay từ khi có kịch bản tập đầu tôi đã hình dung vai con ông Chủ tịch tỉnh sẽ giao cho Chí Nhân. Đó là một công tử con quan đi du học về, được đưa về một sở quan trọng của địa phương làm việc. Bề ngoài Chí Nhân rất hợp với vai này, và nét diễn cũng hợp. Có thể một số vai anh ấy đóng chưa tốt, nhưng trong phim này anh ấy đã hoàn thành nhiệm vụ.

* Vì sao phải chọn Minh Hà vào vai nhà báo, khi bản thân cô ấy không tự tin có thể cáng đáng vai này?

- Vai này làm tôi đau đầu, mất công sức nhất. Diễn viên tôi nhắm tới không thể theo phim được vì bận quá. Rất nhiều người được đề cử nhưng không phù hợp. Cuối cùng anh Đỗ Thanh Hải đã đề cử Minh Hà.

Chúng tôi đã cùng đội ngũ hóa trang làm đi làm lại rất nhiều lần để tìm ra một tạo hình thích hợp cho cô ấy. Đến mức cô ấy bảo nếu chú không thấy hợp cháu xin rút, nhưng tôi nói tôi đi tìm nhân vật của mình chứ không tìm Minh Hà.

Trong phim có phân đoạn tôi chưa được hài lòng, nhưng có những phân đoạn cô ấy đóng xuất thần. Diễn viên không chuyên có cái hay là khi đặt họ đúng vai, họ sẽ làm rất tốt. Còn chuyện Minh Hà – Chí Nhân nhiều nhà báo hỏi, tôi phải trả lời là tôi đã phim này cách đây một năm, không biết tới vấn đề cá nhân của hai diễn viên này.


Chí Nhân (trái) và Minh Hà trong một cảnh quay

* Diễn viên trẻ bây giờ thường rất ít khi chịu học lời thoại, với một phim lời thoại khó thế này anh đốc thúc họ thế nào?

- Khác với phim đề tài xã hội, diễn viên có thể tùy cơ ứng biến. Với phim này phải nói thoại chính xác từng từ. Nếu cách ngắt nghỉ không đúng cũng có thể bị hiểu sang ý khác. Có lúc cũng phải gọi biên kịch tới hiện trường sửa lại thoại. Yêu cầu bắt buộc là phải học thoại trước khi ra hiện trường.

Nhờ kịch bản rất hay, nên các diễn viên đều rất hào hứng tham gia. Có những diễn viên đi 350 cây số lên Cao Bằng chỉ để quay 1 cảnh rồi lại đi ô tô khách về không than một lời.

* Chạy án khi phát sóng, khán giả đã nhặt sạn ra nhiều lỗi sai, lần này ông có nghĩ mình kiểm soát tốt hơn không?

- Phim nào cũng có lỗi kể cả phim Mỹ mà. Chúng tôi cũng chưa thể nói trước được, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức. Khi người xem chăm chú tìm lỗi, cho thấy họ rất quan tâm đến phim.

* Người đóng vai ông chủ tịch tỉnh là NSƯT Mạnh Cường, ông ấy cũng là một quan chức. Trên phim trường ông ấy có được hưởng một sự đối xử khác hơn các diễn viên khác không?

Tóm tắt Lựa chọn cuối cùng

Ông Khắc Chính - chủ tịch tỉnh đang ở giai đoạn nhạy cảm liên quan sinh mệnh chính trị, có cơ hội thăng tiến làm bí thư tỉnh ủy. Khắc Đức - con trai ông, sau khi du học về, làm ở Sở Công thương, giữ vai trò quan trọng để xét duyệt các dự án đầu tư của tỉnh Nam Giang.

 Một số doanh nghiệp tiếp cận, sắp đặt các mối quan hệ làm ăn, giăng bẫy tạo ra một vụ án đưa hối lộ có liên đới trực tiếp đến Khắc Đức nhằm khống chế Chủ tịch tỉnh, gây sức ép để chạy dự án.

Câu chuyện mở đầu phim khiến khán giả dễ liên tưởng tới phần tiếp theo của series phim Chạy án từng nổi đình đám một thời.

- (Cười) Dù là quan chức nhưng anh Mạnh Cường cũng là diễn viên mà. Anh ấy rất chuyên nghiệp, khi làm phim anh ấy là diễn viên, không còn là quan chức.

Mời được anh Mạnh Cường là may mắn, vì anh ấy từ lâu không đóng phim, lại đang công tác tại Nha Trang, ngoài ra anh ấy cũng có một số lời mời tham gia quay ở nước ngoài.

Khi đọc kịch bản này, anh ấy đã quyết định thu xếp công việc, từ chối các lời mời khác để vào vai này. Anh ấy rất đồng cảm với vai diễn vì cũng đang là quan chức.

* Được biết đoàn làm phim có hai diễn viên tham gia khi bị bệnh nặng. Vì sao đoàn lại lựa chọn họ?

- NSƯT Duy Thanh làm việc với tôi lâu rồi, vì anh ấy rất hợp vai nên tôi đã mời anh ấy. Anh ấy đã nói: "Không có gì có thể giúp cho tôi lúc này tốt hơn là được đóng phim, mà lại là phim chính luận".

Mặc dù vẫn phải truyền hóa chất nhưng ấy luôn thu xếp để tham gia được. Sẽ có lúc khán giả thấy tóc anh ấy khác, vì anh ấy bị rụng tóc, phải đội tóc giả. Đến giai đoạn lồng tiếng anh ấy cũng xin lồng cho vai của mình.

Còn NSƯT Xuân Thảo cũng vậy, dù bị ung thư nhưng ấy vẫn tham gia rất nhiệt tình, anh ấy sẵn sàng đi xe khách từ Điện Biên xuống Tam Điệp chỉ để đóng vài cảnh quay trong điều kiện sức khỏe yếu. Tôi phải cảm ơn tất cả diễn viên tham gia phim này. Vào giai đoạn hậu kì khó khăn, nghĩ tới họ tôi không thể nản chí.

* Xin cảm ơn ông!

 "Viết những tập cuối tôi khóc suốt"

Nhà báo Chu Hồng Vân, người tham gia viết kịch bản Lựa chọn cuối cùng cho biết: "Nôm na mà nói thì Lựa chọn cuối cùng có đủ "cướp – giết – hiếp". Câu chuyện lợi ích nhóm liên minh quan chức và doanh nghiệp, với những mưu mô, giăng bẫy vô cùng phức tạp. Tôi không phải biên kịch chuyên nghiệp nên mỗi ngày ngồi viết vài ba tiếng là bị nhập và câu chuyện không thoát được. Đạo diễn và nhà sản xuất cũng rất khó tính khiến mình phải sửa rất nhiều lần. Với phim tình cảm viết được 10 tập rồi thì sẽ thấy dễ dàng hơn. Nhưng với chính luận thì viết xong 10 tập vẫn có cảm giác bơi mãi không thấy bờ. 10 tập cuối thực sự rất căng thẳng. Nhưng tôi cũng rất tự tin phim này thoại hay, viết những tập cuối tôi khóc suốt".

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm