Chữ và nghĩa: Xưng 'tôi' có được không?

16/02/2022 14:51 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đã rất nhiều lần, các nhà ngôn ngữ học lên tiếng về việc cần chuẩn hóa việc xưng hô trong xã giao.

Chữ và nghĩa: Từ 'phanh xích lô' tới 'hôn'

Chữ và nghĩa: Từ 'phanh xích lô' tới 'hôn'

“Phanh xích lô”, hẳn mọi người không xa lạ gì với tổ hợp ngôn ngữ này (về ngữ âm và ngữ nghĩa). Nhưng chắc không ít người biết rằng, đây là kết hợp của 2 từ gốc Pháp.

Bởi lẽ, trong các bối cảnh giao tiếp xã hội, như công sở, nơi hội họp, các diễn đàn công cộng... mà ta cứ bác - cháu, cô - cháu, anh - em... tức “photocopy” y chang các cặp xưng hô mang tính gia tộc kia e vừa “phong kiến”, vừa kém văn minh trong cách giao tiếp thời hiện đại. Ta cứ “trung hòa hóa” bằng cách gọi “ông” (đối với nam), “bà” (đối với nữ) và xưng “tôi” là chuẩn nhất.

Cứ theo ý ấy mà suy thì có lẽ các thí sinh dự thi hoa hậu, hoa khôi hay người mẫu thời trang kia lên sàn diễn cũng nên xưng là “tôi” mới phải. Vậy mà, hầu như chúng ta chỉ thấy các “nàng” kia chỉ nhẹ nhàng xưng “em”. Như thế có nên chăng?

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Chúng tôi tán thành việc chuẩn hóa các nghi thức xưng hô xã giao nhưng rõ ràng phải tùy hoàn cảnh. Trong rất nhiều trường hợp, đương sự nên xưng “tôi” (Đại hội cơ quan mà cứ một điều cháu, hai điều cháu, nghe không ổn). Song lại có rất nhiều trường hợp, để đưa ra từ “tôi” hợp lý là cả một vấn đề tế nhị. Một cô gái trẻ mới ra trường, đi xin việc, gặp vị giám đốc đứng tuổi đạo mạo kia mà cứ “ông ông tôi tôi” thì quả là khó gây thiện cảm lúc ban đầu. Mới làm quen, hãy cứ gọi là “chú” (nếu đáng tuổi chú), là “anh” (nếu đáng tuổi anh). Đó là thái độ lễ phép ban đầu cần có mà người Việt ta rất chú trọng. Dù là ai đi nữa chúng ta cũng cần phải từ tốn. Đó là văn hoá ứng xử mà. Rồi đâu sẽ vào đó. Bản chất và hiệu quả công việc sẽ nói lên tất cả.

Trở lại với cô ứng cử viên hoa hậu vẫn còn đang mỏi chân đứng chờ ngoài kia. Cô ta quả là rất đẹp, rất dễ thương và rất trẻ. Cô đang vào vai một thí sinh đi thi. Có sự bỡ ngỡ, hồi hộp, lo âu, và hy vọng... Cô nhìn về hàng vạn cặp mắt cử tọa mà xưng “em” ngọt như mía vậy. Thực tình, cô đang đối đáp với ban giám khảo, những người đang quan sát rất kỹ và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạ bút chấm điểm cho cô. Bối cảnh đối đáp “chính danh” ở đây chính là thí sinh hoa hậu và hội đồng giám khảo. Cô gái nọ hoàn toàn có thể dùng ngôi “em” để xưng với các “thầy” của mình. Mặc dù ống kính truyền hình làm cho ta có cảm giác là cô đang trò chuyện với khán giả cả nước.

Và cũng nói thêm điều này, từ “em” xét cho cùng cũng là một đại từ mang sắc thái trung hòa (ta có thể xưng “em” với anh chị, với thầy cô, với nhiều người khác...). Từ em lại có vai trò làm “mềm hóa” không khí giao tiếp, dễ nghe và dễ tạo thiện cảm. Có khá nhiều giáo viên, giảng viên đại học, khi được hỏi là họ có thái độ thế nào khi một vài sinh viên ngoại quốc học tiếng Việt chỉ biết xưng tôi với thầy, họ đều nói: “Xưng tôi cũng chẳng sao, nhưng xưng em nghe dễ chịu và thuận tai hơn. Tôi thích xưng em! Sự khiêm nhường trong văn hóa xưng hô của người Việt mình dù sao vẫn cần được tôn trọng ngay cả trong các bối cảnh xã giao”.

Vậy thì, cô hoa hậu xinh đẹp kia ơi, bạn cứ việc yên tâm mà xưng “tôi” cũng được. Nhưng nói thật, với riêng tôi (và có lẽ nhiều người khác nữa), tiếng “em” kia đáng yêu và dễ thương hơn nhiều!

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm