Chữ và nghĩa: Từ 'phanh xích lô' tới 'hôn'

10/11/2021 06:54 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Phanh xích lô”, hẳn mọi người không xa lạ gì với tổ hợp ngôn ngữ này (về ngữ âm và ngữ nghĩa). Nhưng chắc không ít người biết rằng, đây là kết hợp của 2 từ gốc Pháp.

Chữ và nghĩa: Giọt bắn

Chữ và nghĩa: Giọt bắn

Chắc mọi người đều biết rõ, virus corona 2019 (SARS-CoV-2) lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu theo “giọt bắn” qua đường hô hấp khi tiếp xúc.

“Phanh” là phiên âm, Việt hóa cách đọc từ “frein/ freiner”, là một danh từ kiêm động từ. Là danh từ, “phanh” chỉ “bộ phận dùng làm ngừng hoặc làm chậm lại sự chuyển động của máy móc, xe cộ”. Là động từ, “phanh” là hành động “làm ngừng hoặc làm chậm sự chuyển động lại bằng cái phanh” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Còn “xích lô” là phiên âm cách đọc của “cyclopousse”, chỉ “xe 3 bánh do người đạp, dùng để chuyên chở người hoặc hàng hóa” (Từ điển đã dẫn).

Vậy ngữ nghĩa của tổ hợp “phanh xích lô” là “làm ngừng hoặc làm chậm lại sự chuyển động của một chiếc xe xích lô nào đó bằng cái phanh (gắn ngay bên thành xích lô)” (phương ngữ miền Nam, gọi là “thắng”).

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Giải thích như thế tưởng là ổn, nhưng chưa xong đâu! Giới trẻ hiện nay đã biến “phanh xích lô” từ tổ hợp tự do thành tổ hợp cố định, tức có tư cách là một từ. Và ngữ nghĩa của nó lại hoàn toàn khác.

Ta hãy nghe những đoạn đối thoại của các bạn trẻ nhé. Đây là lời của 2 bạn gái:

- Này, 8/3 cậu được tặng gì thế? Hoa và quà phải không?

- Một cái “phanh xích lô” trên má.

Và đây là lời của chàng và nàng:

- Mới “phanh xích lô” một cái mà đã làm tịch làm bộ.

- Này đừng có “giàu trí tưởng bở” nhé! Người ta không thích thế đâu!

Với các bạn trẻ, từ “phanh xích lô” đồng nghĩa với từ “hôn”. Đó là hành động 2 người “áp môi hoặc mũi vào nhau để tỏ lòng yêu thương, quý mến”. Hành động như thế là bình thường, nhất là với đôi lứa yêu nhau. Vấn đề là bắt nguồn từ đâu mà “anh chàng” xích lô cục mịch, “vai u thịt bắp” kia lại liên quan tới một cử chỉ lãng mạn bậc nhất của giới trẻ hôm nay?

Từ này, được cho là đã xuất hiện trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải (trình chiếu trên VTV cách đây đã 20 năm - 2001). Một phân cảnh của phim mô tả mấy nam sinh viên (đang tập thể dục ngoài sân) trò chuyện với nhau. Khi một bạn nhắc đến cụm từ "phanh xích lô", thì Vinh (Văn Anh đóng) ngạc nhiên thắc mắc: “Phanh xích lô là gì vậy?”. Lúc đó, các bạn của Văn Anh đã giải thích: “Phanh xích lô chính là “hôn” chứ còn là gì nữa”.

Quả là bí hiểm? Nhưng logic chuyển nghĩa của các bạn trẻ được cắt nghĩa như sau: Khi hãm phanh cho xích lô (hay xe đạp) dừng, ta sẽ nghe thấy tiếng “kít, kít” (do có sự cọ xát giữa má phanh và bánh xe).Tiếng “kít” này trùng với âm của từ “kiss” (tiếng Anh nghĩa là “hôn”).Vậy suy ra “phanh xích lô” = “hôn”.

Quả là một sự “sáng tạo ngôn từ” của “thời đại A còng”, đúng “phong cách xì tin”. Cũng giống như nhiều bạn trẻ bây giờ nói “cảm nắng” với nghĩa “đổ” hay là “thích” (Chàng ấy “cảm nắng” con Mai rồi); nói “thả thính” với nghĩa “dùng câu nói, hình ảnh hay vật dụng (quà cáp) nào đó để thu hút người khác với mục đích nào đó” (Bài thơ “thả thính” quá siêu!); nói “xe trâu” để ám chỉ “bạn trai dùng phương tiện (xe máy, xe đạp) để chuyên chở bạn gái đi chơi” (Nhớ gọi thằng Quang “xe trâu” chiều nay nhé!) v.v…

Có thể nói, đó là cách tạo từ mới bằng những từ có sẵn, nhưng được “lái” sang nghĩa hoàn toàn khác bằng một cách suy luận theo logic riêng, trái với mọi logic thông thường.

Cô dâu chờ “phanh xích lô”

Trong khi chú rể đứng đờ người ra.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm