Chữ và nghĩa: Tránh thằng một nai gặp thằng hai nậm

27/04/2022 06:41 GMT+7

Đây là một câu thành ngữ khá quen thuộc trong tiếng Việt. Nó là một trong khá nhiều câu thành ngữ được tạo bởi cấu trúc “tránh A gặp/phải/vớ/ngã B”.

Chữ và nghĩa: Anh em chém nhau đằng dọng…

Chữ và nghĩa: Anh em chém nhau đằng dọng…

Dạng đầy đủ của câu tục ngữ này là “Anh em chém nhau đằng dọng, chẳng ai chém nhau đằng lưỡi”. Đọc lên ta hình dung ra một sự tình thật dễ sợ. Anh em trong một nhà nào đó mà tự nhiên mang dao, mang rựa ra để chém nhau. Sao lại có thể như thế được?

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Từ điển Tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) đã thống kê tới 16 biến thể tương tự: 1. tránh anh chồng trước đánh đau gặp anh chồng sau mau đánh, 2. tránh anh đánh đau gặp anh mau đánh, 3. tránh anh một chai gặp anh hai nậm, 4. tránh câu gặp đó tránh ó gặp quạ khoang, 5. tránh câu gặp vó tránh ó gặp quạ khoang, 6. tránh con ma trơi vớ phải thằng trời đánh, 7. tránh đầu phải tai, 8. tránh hùm mắc hổ, 9. tránh hùm mắc sói, 10. tránh lờ gặp đó, 11. tránh mả ngã phải mồ, 12. tránh ông cả ngã phải ông ba mươi, 13. tránh thằng chồng trước đánh đau gặp thằng chồng sau mau đánh (chuyển chú, xem 1), 14. tránh thằng đánh đau gặp thằng mau đánh, 15. tránh thằng một chai gặp thằng hai nậm (chuyển chú, xem 3), 16. tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Còn Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) chỉ chọn một biến thể (được coi là tiêu biểu) là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” và giải nghĩa: “[kng] tránh điều tệ hại này thì lại gặp phải điều tệ hại khác, đằng nào cũng không thoát”.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Cách giải thích này về cơ bản giống cách giải thích trước đó của nhóm tác giả Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (trong Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993) là “Né tránh sự bất lợi này lại gặp sự bất lợi khác còn nặng nề hơn, ví như tránh vỏ dưa khỏi bị ngã, lại vấp phải vỏ dừa trơn cứng hơn, nên ngã đau hơn”.

Hai cách giải nghĩa của hai cuốn từ điển trên có khác đôi chút. Theo cách hiểu của Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học) thì “tránh A lại gặp B thì đằng nào cũng bất lợi”. Nhưng theo các tác giả (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành) thì “tránh A lại gặp B, đằng nào cũng bất lợi nhưng gặp B bất lợi cao hơn”.

Để làm rõ, ta trở lại với câu thành ngữ được chọn làm tiêu đề bài viết này (Tránh thằng một nai gặp thằng hai nậm, với nghĩa là “Tránh anh chồng thường uống một nai rượu lại gặp phải anh chồng khác quen uống hai nậm (rượu) thì cũng thế (đằng nào cũng bị anh ta gây sự, làm rắc rối khi say)”) để phân tích hai từ “nai” và “nậm” - là hai dụng cụ (đựng rượu) quen thuộc ngày xưa - xem tương quan hai đơn vị này ra sao.

Từ điển từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) định nghĩa từ “nai” như sau: “d. Bình bằng sành, thân phình to, cổ dài, dùng để đựng rượu (VD: Vài nai rượu kếch nốc tì tì - Phạm Thái, Tự thuật)”. Vương Lộc không xếp “nậm” vào từ cổ. Từ điển tiếng Việt (vừa dẫn) định nghĩa “nậm” là “d. bình nhỏ có cổ dài, phần dưới hình to tròn, làm bằng sành hoặc sứ, dùng để đựng rượu (VD: Cúng cho nhà nào cũng vậy, cứ cơm rượu no rồi, ông lại bắt đãi riêng ông nửa con gà, một nậm rượu và mấy quả chuối - Mạnh Phú Tư)”.

Như vậy, cả hai từ điển đều không có thông tin đánh giá dung lượng của “nai” và “nậm”.

Tìm trong dân gian, theo ông Nguyễn Ngọc Trai và một số cụ cao niên (Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh) thì “nai” tương đương với “hươu” (phương ngữ một số vùng), đựng được khoảng 0,25 lít (rượu). Còn “nậm” thường đựng khoảng 1 cút rưỡi (cút: đồ đựng hình giống cái chai nhỏ, thường dùng để đựng rượu hoặc để đong lường, có dung tích bằng khoảng 1/4 hoặc 1/8 lít - Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Nếu “cút” bằng 1/4 lít thì dung tích nậm sẽ là 0,375 lít, còn nếu “cút” bằng 1/8 lít thì nậm sẽ là 0,187 lít. Và nếu đem “nai” (0,25 lít) so với "nậm (1)” ta sẽ có 0,375 lít, còn so với “nậm (2)” ta sẽ có 0,187 lít.

Sự mơ hồ về dung tích đo lường thực của “nai” và “nậm” làm khó cho việc giải nghĩa câu thành ngữ trên. Ngay cả việc “gặp vỏ dưa” với “gặp vỏ dừa” cái nào bất lợi, rủi ro hơn cũng khó có luận cứ thuyết phục (như giải nghĩa của Từ điển thành ngữ Việt Nam).

Tựu trung, nghĩa chung của cấu trúc thành ngữ “tránh A gặp B” là “(trước hai khả năng phải lựa chọn) khả năng nào cũng dở” (chứ không có ý “gặp B dở hơn A”). Như vậy, cách giải thích của Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học) là ngắn gọn và hợp lý hơn.

Thằng một nai hay thằng hai nậm

Gặp thằng nào rồi cũng dở như nhau

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm