Chữ và nghĩa: 'Cùng nhau ta đi lên'

01/06/2022 07:39 GMT+7

“Cùng nhau ta đi lên”, đó câu mở đầu và cũng là tên một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác từ năm 1950, theo yêu cầu của Trung ương Đoàn (lúc đó là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'

Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'

"Ngày kia hay ngày kìa ư? Không được rồi. Gần Tết nên mấy hôm đó mình bận lắm. Lùi lại chút được không? Ngày kĩa hay ngày kịa thì có thể được...”.

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Sau đó bài hát đã trở thành bài Đội ca của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Hơn 70 năm qua, bài hát vẫn từng ngày, từng giờ vang lên du dương, hùng tráng trong các hoạt động có nghi thức Đội, trong các buổi chào cờ sáng thứ hai hàng tuần ở các trường phổ thông (bậc Tiểu học và Trung học cơ sở). Các em học sinh hôm nay đang tuổi khăn đỏ đến trường, em nào cũng thuộc.

Tổ hợp “Cùng nhau ta đi lên” đã trở thành biểu ngôn (slogan, ngôn từ biểu trưng có giá trị “định vị ngữ nghĩa”) cho các thế hệ đội viên hướng lên Đoàn viên - cánh tay phải và là lực lượng hậu bị của Đảng, sau này lớn lên phụng sự Đất nước.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phong Nhã và các em học sinh. Ảnh: FB Lê Anh Quân.

“Cùng nhau” là nắm tay nhau với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh mà bao đời nay, nhân dân ta vẫn hướng tới và coi trọng:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Đây cũng là điều thứ ba trong “Năm điều Bác Hồ dạy”. Đó là “Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt”. Và điều này thì mỗi một em đội viên khi giơ tay tuyên thệ “Sẵn sàng” đều không thể quên. Đoàn kết cũng là một truyền thống quý báu của toàn dân tộc ta. Nhờ đoàn kết, “nối vòng tay lớn”, triệu người như một mà nhân dân ta đã vượt qua bao gian nan, thử thách để hoàn thành mọi sứ mệnh lịch sử trao cho.

“Cùng nhau” là chung lòng, chung sức, góp phần làm nên giá trị. Nó giúp chúng ta thêm tự tin và quyết tâm phấn đấu trong học hành, lao động, tu dưỡng. Ngữ đoạn tiếp theo “ta đi lên” chính là cái đích mà mỗi chúng ta nguyện hướng tới trong cuộc đời.

“Đi lên” tức là hướng tới một cái gì đó cao hơn hiện tại. Đi lên dốc, đi lên đồi lên núi... là đi lên một vị trí cao hơn xét về mặt không gian. Nhưng còn một hướng “đi lên” hiểu theo nghĩa bóng, có tính trừu tượng hơn là “đi tới một cái đích cao hơn về tinh thần”: Phấn đấu vượt lên thực tế để đi tới một tiêu chuẩn mới về nhân cách làm người, về hiểu biết tri thức, về tư cách đạo đức trong cuộc sống. Trong bản “Di chúc” năm 1969, Bác Hồ từng căn dặn Đảng ta là với lớp trẻ (tức đoàn viên thanh niên) là “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

“Hồng” chính là phẩm chất đạo đức, “chuyên” là năng lực, tri thức cần có. Mỗi chúng ta, muốn đi xa trên con đường lập thân lập nghiệp không thể không ghi nhớ điều này để trau dồi và phấn đấu.

Chung quy, lời bài hát “Cùng nhau ta đi lên” vừa là lời kêu gọi động viên, vừa là lời nhắc nhở mỗi học sinh, mỗi đội viên “khăn quàng đỏ” hướng tới chặng đường đi lên phía trước. Muốn thế, chúng ta phải “Thi đua học hành ngày một tiến xa” để “trở nên thanh niên anh dũng sau này”.

Tiến lên đoàn viên, theo Đảng tiền phong

Bước theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh.

(Lời bài hát “Tiến lên Đoàn viên” của Phạm Tuyên)

PGS TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm