Chữ và nghĩa: Con và cá thể

24/08/2022 07:02 GMT+7

Khi đọc bài “Giải cứu thành công 7 cá thể gấu ở Hà Nội” (cand.com.vn, ngày 7/7/2022), một độc giả có thắc mắc: Sao không gọi là 7 con gấu, mà lại gọi là 7 cá thể gấu?

Chữ và nghĩa: Ối làng nước ôi!

Chữ và nghĩa: Ối làng nước ôi!

“Ối làng nước ôi!” (hoặc: “Ối làng nước ơi!”), đó là một phát ngôn ít khi gặp, nhưng cũng không phải là xa lạ trong giao tiếp hàng ngày. Cũng bởi đây là câu cửa miệng của bà con những vùng nông thôn khi xảy ra một sự việc động trời nào đó.

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Đây có lẽ cũng là sự băn khoăn của nhiều người khi đọc báo, nghe đài, xem tivi lâu nay. Bởi theo họ, trong trường hợp này, dùng từ “con” vừa thông dụng, vừa dễ hiểu, tại sao phải “lôi” từ “cá thể” lạ hoắc vào, gây rắc rối không cần thiết. Viết như vậy, vô hình trung truyền thông đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt?

Để giải đáp thắc mắc này, ta sẽ lần lượt phân tích hai từ: “con” và “cá thể”. Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), cho “con” có nhiều nghĩa, nhưng trong trường hợp “con” là danh từ, thì nghĩa 1 được giải thích là: “từ dùng để chỉ từng đơn vị những cá thể động vật” (VD: nhà có nuôi hai con chó, một chục con bò đang cho sữa).

“Con” là “cá thể động vật”. Trong một chừng mực nào đó, “con” đồng nghĩa với “cá thể”. Nhưng đồng nghĩa không phải lúc nào cũng có khả năng thay thế cho nhau. Ta hãy xem ngữ nghĩa của “cá thể” trong Từ điển tiếng Việt (đã dẫn): cá thể 個體 d. hoặc t. 1) d. từng sinh vật riêng lẻ, phân biệt với loài hoặc chủng loại (VD: khu bảo tồn hiện có khoảng hai trăm cá thể thuộc các loài thú quý hiếm). 2) t. riêng lẻ từng người, không phải tập thể (VD: làm ăn cá thể, thành phần kinh tế cá thể).

Như vậy, nghĩa của “con” là nghĩa 1 trong từ “cá thể”.

Chú thích ảnh
7 cá thể gấu ngựa được nuôi nhốt trong các chuồng sắt kiên cố. Nguồn: cand.com.vn

Chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thì chuyên gia ở đây nói rằng, từ “cá thể” là một thuật ngữ sinh học, đã được đưa vào các văn bản pháp luật Việt Nam. Cụ thể, trong hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (của Bộ luật hình sự, 2015)”, ghi rõ: “Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể”.

Nói cách khác, khi nói tới “cá thể” thì từ này chỉ: 1) một động vật sống; 2) một động vật chết; 3) một động vật chết, nhưng không còn nguyên vẹn (thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể, như tay, mật (gấu), tim, gan, xương (hổ), sừng, gạc (hươu, nai), dạ dày (nhím)...

Với cơ quan hữu quan hoặc với những ai đang làm nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên hoang dã, mỗi cá thể động vật đều gắn liền với những thông tin liên quan. Chẳng hạn, ta nói “cá thể hổ” là nói một con hổ cụ thể, riêng lẻ, được mã hóa (có thể gắn chip), có những đặc điểm về loài (hổ Đông Dương, hổ Mã Lai, hổ Java, hổ Sumatra,…), cân nặng, ngoại hình (màu sắc, móng vuốt, răng), tuổi thọ, bản tính riêng (môi trường thích hợp, vật săn ưa thích,…).

Thực tế, người viết có thể dùng từ “con” thay từ “cá thể” trong các bài báo hoặc trong các văn bản bình thường. Bởi từ này là phù hợp với tiếng Việt toàn dân. Gọi “con gấu, con hổ, con voi…” hoặc “chú hổ, chú gấu, chú voi…” (cho dân dã, thân mật) là hoàn toàn phù hợp, tùy theo ngữ cảnh. Trong trường hợp cần đưa vào nội dung chuyên môn, cần làm cho người đọc hình dung tới ngữ cảnh tình huống, có thể dùng từ “cá thể”.

Việc sử dụng hai biến thể (con, cá thể) có thể coi là tương đương, tùy thuộc vào tính chất văn bản và mục đích “dụng ngôn” của tác giả. Chúng ta không nên quá máy móc mà làm mất đi sự trong sáng và vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt.

“Con” hổ đang chạy ngoài bưng

Sẽ thành “cá thể” trong rừng kiểm lâm

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm