Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: 'Chúng tôi đặt cược vào nhà văn trẻ'

26/11/2020 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Bản chất của Nguyễn Quang Thiều là đổi mới. Bản chất của Nguyễn Bình Phương, Phan Hoàng, Lương Ngọc An hay những người khác cũng đều là đổi mới. Khi những nhân tố đổi mới cộng lại với nhau, họ sẽ tạo ra sức mạnh đổi mới chung" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định - "Và Ban chấp hành chúng tôi muốn văn học Việt Nam đổi mới hơn, mạnh mẽ và trẻ trung hơn, để có vị thế khác trên thế giới”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá X

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá X

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương làm Phó Chủ tịch Hội.

Sáng 25/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức bế mạc. Theo kết quả Đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhiệm cương vị cố vấn, còn hai Phó chủ tịch lần lượt là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Trước những thuận lợi và thách thức trong một nhiệm kỳ mới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cuộc trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

“Cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp”

* Cảm xúc của ông như thế nào khi trở thành tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam?

- Có thể cách đây một năm tôi không nghĩ tới điều đó, sáu tháng trước vẫn mơ hồ. Nhưng khi biết được những lá phiếu của đại hội, biết được tinh thần của đại hội muốn làm gì, muốn chọn lựa cái gì, chọn lựa ai để làm, tôi cảm thấy bản thân mình có định hướng rõ ràng hơn.

Tất nhiên tôi rất bất ngờ. Tôi hình dung mình đơn thuần là một nhà thơ, một họa sĩ, một người chơi nhạc cụ dân tộc thay vì trở thành người đứng đầu của một hội vô cùng phức tạp. Nhưng bây giờ, tôi đã bước đến với sự trân trọng, tin tưởng của các hội viên, và không còn con đường khác là tiến lên với tất cả những gì mình có thể làm được.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Đại hội đã thành công với những chủ trương, quyết định rất rõ ràng. Đó là cuộc chuyển giao thế hệ rất đẹp, tôi không mong gì hơn. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên sau rất nhiều nhiệm kỳ, chúng ta mới bầu được đủ ban chấp hành gồm 11 người và đưa vào những gương mặt sáng tác trẻ. Chính sự chuyển giao này tạo ra cảm hứng, sự đợi chờ cho các nhà văn, đồng nghiệp và đặc biệt cho bạn đọc.

* Ông đánh giá như thế nào về thành tựu và những hạn chế của nhiệm kỳ trước?

- Mỗi một nhiệm kỳ đều có những thành tựu riêng. Nhiệm kỳ trước đã tổ chức được cuộc thi tiểu thuyết và tìm ra những tác phẩm chất lượng như Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai hay Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn...

Hoặc, trong 5 năm vừa rồi, chưa bao giờ chúng tôi kết nạp được nhiều nhà văn trẻ đến thế. Chúng tôi luôn tôn trọng và đợi chờ họ - và mặc dù bị nhiều nhà văn lớn tuổi khác thắc mắc, chúng tôi vẫn chấp nhận và gọi vui là “đánh cược”. Chủ nhân của văn học trong tương lai là họ chứ không phải ai khác. Ngược lại, tôi cũng muốn họ hiểu cho chúng tôi, chia sẻ cùng chúng tôi và cùng chúng tôi đồng hành trên những chặng đường mới.

Còn lại, các giải thưởng đã gây tiếng vang chưa? Quá trình kết nạp hội viên đã đạt được trọn vẹn những mục tiêu chưa? Tôi đã giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Nhà văn trong 10 năm, tôi nhận ra hết thảy những khó khăn đó. Những người đã bỏ phiếu cho tôi là những người đã tin tưởng tôi, những người chưa bỏ phiếu cho tôi là những người đang nhận ra khiếm khuyết của tôi. Làm được gì tôi chưa nói trước, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

"Chẳng cánh đồng nào chỉ trồng một loại hoa màu"

* Theo ông, thách thức lớn nhất khi đảm nhiệm vị trí tân Chủ tịch là gì? Khi nhận chức, ông muốn làm gì đầu tiên?

- Tôi nghĩ rằng những công việc thuộc về hội như báo chí, xuất bản, chúng đều là những công việc dài lâu. Và thách thức lớn nhất là đánh thức tiềm năng, khả năng và cảm hứng cho người viết và người đọc. Đấy mới là tiền đề để tạo ra những tác phẩm tốt. Nếu ta đánh mất nguồn cảm hứng đó, người viết sẽ không có những tác phẩm hay, văn hóa đọc của người dân sẽ mãi mãi giậm chân tại chỗ.

Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc phải cùng đồng hành, nếu đánh mất một trong ba thứ đó thì nền văn học sẽ rất khó khăn. Việc tôi muốn làm đầu tiên chính là như thế.

* Về công tác quản lý, Hội nhà văn có hơn 1.000 thành viên. Ông sẽ làm gì để có thể hòa hợp những cá tính đó?

- Chẳng có cánh đồng nào chỉ trồng một loại hoa màu mà sẽ có lúa, ngô, khoai và rất nhiều thứ khác. Cá tính là đặc tính của văn học nghệ thuật, cũng là đặc tính của đời sống này. Dù xuất phát từ bất kỳ cá tính nào, văn chương cũng hướng về cái đẹp, cái thiện. Đó chính là con đường chung - đại lộ duy nhất mà tất cả các nhà văn đều muốn làm.

Chú thích ảnh
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X

Trước những mục tiêu lớn, cá tính, cá nhân chỉ là những phần tử nhỏ. Ta hãy nhìn nhận theo mặt tích cực rằng đấy là điều hay, khi họ mang đến các làn gió mới trong ngôn ngữ, trong sáng tác, tạo nên sự đa dạng không trộn lẫn.

* Được biết Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa cũ có 6 ủy viên, Ban chấp hành mới là 11 ủy viên. Theo ông, sự gia tăng nhân lực này có thuận lợi và khó khăn gì?

- Thuận lợi là chúng tôi có nhiều người hơn để chia sẻ, khó khăn là làm sao có thể gắn kết cả 11 người đó vào. Chúng ta gắn kết với 1 người thì dễ, 3 người đã hơi khó, 11 người lại càng khó. Nhưng tôi tin rằng tất cả các gương mặt được lựa chọn đều được các hội viên tín nhiệm, mến yêu.

Các nhà văn có thể rất vui, có thể lãng mạn nhưng khi lựa chọn một nhân vật hay đại diện cho mình thì họ lại khó tính. Ban chấp hành mới đều là những gương mặt khả ái, chúng tôi có sự tin tưởng, tín nhiệm nhau trong công việc và sẽ gắn kết với nhau lâu dài.

* Ông dự tính ra sao trước vấn đề tìm ra nguồn kinh phí để duy trì hội?

- Tôi có quan hệ với không ít doanh nghiệp, họ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ với mong muốn phát triển văn học, chấn hưng văn hóa. Kinh phí dành cho các hội, Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ hết sức. Tôi cho rằng không thể làm tốt hơn được nữa. Chúng tôi rất biết ơn về điều đó. Nhưng nếu để Hội mở rộng hơn những hoạt động như dịch thuật, truyền bá văn học ra nước ngoài, giao lưu, thúc đẩy văn học trẻ và văn học thiếu nhi... thì cần nhiều các Mạnh Thường Quân hơn.

Chúng tôi nghĩ rất nhiều đến văn học trẻ và văn học thiếu nhi, bởi vì cho tới lúc này, những nhà văn như tôi đã đi tới sườn dốc của sáng tạo. Nhưng những người 15, 16, 20, 25 họ vẫn còn trẻ, họ mới là chủ nhân chính của văn học trong tương lai.

Hiện đại hóa rất cần tới văn chương, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi những doanh nhân, những người có khả năng hãy đồng hành cùng chúng tôi, trợ giúp cho Hội Nhà văn Việt Nam để đời sống văn học nghệ thuật phong phú và đa dạng hơn.

Sẽ thành lập quỹ “văn học thiếu nhi”

* Vậy còn định hướng cụ thể cho văn học thiếu nhi?

- Hội Nhà văn sẽ đẩy mạnh hơn Ban văn học thiếu nhi, chúng tôi sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thành lập quỹ “văn học thiếu nhi”. Chúng tôi muốn đánh thức những đứa trẻ, đánh thức những nhà văn lớn tuổi hãy viết về chúng. Chúng ta đang có rất nhiều sách thiếu nhi nhưng hầu như là sách dịch. Những cuốn sách đó đều tốt nhưng tôi nghĩ, một đứa trẻ phải được lớn lên, trở thành người tốt trong chính nền văn hóa của mình.

Thậm chí tôi đã nghĩ đến việc sẽ đặt giải thưởng thiếu nhi riêng, giải thưởng văn học trẻ đầu tay riêng, ngoài giải thưởng Hội nhà văn. Để ở đó, chúng ta toàn quyền đặt cược lòng tin vào các tác phẩm, dù là những tác giả trẻ đang còn mong manh, mơ hồ giữa nhiều ranh giới.

* Ông có sợ việc đảm nhận quá nhiều vai trò quản lý sẽ làm mất đi thời gian sáng tác của mình không?

- Điều đó luôn luôn đe dọa tất cả mọi người. Nhưng tôi có một bí mật cho sáng tạo. Tôi chuẩn bị một triển lãm diễn ra vào vài tháng tới với 60 bức tranh lớn, tôi chuẩn bị viết cuốn sách thứ hai về Mem và Kya cho cháu tôi, tôi chuẩn bị ra 2 tập thơ mới, tôi cũng chuẩn bị khởi công viết kịch bản một bộ phim truyện liên quan tới thành Cổ Loa...

Tôi biết cách phân thân mình ra như lâu nay tôi vẫn làm chuyện đó. Nhưng sự phân thân lần này sẽ khó hơn những lần trước bởi những chức vụ quan trọng sắp tới.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông đạt nhiều thành công trong cương vị mới!

"Sự thành công của Đại hội nhà văn khóa X là một thành công trọn vẹn bởi Đại hội đã thực thi một cách xuất sắc công cuộc chuyển giao thế hệ do Đảng chủ trương. Cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi của dân chủ, mang tính thời đại và niềm tin của các thế hệ đi trước đối với thế hệ kế tiếp của mình. Các nhà văn tin tưởng Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X sẽ mang đến một tư duy mới, một năng lượng mới và tràn ngập cảm hứng sáng tạo cho những nhà văn chân chính.

Thách thức với Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X là vô cùng to lớn, nhưng thách thức lớn hơn là thách thức của mỗi nhà văn trước trang viết của mình. Mỗi nhà văn phải trả lời biết bao câu hỏi, của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình, của cả dân tộc trong một thời đại với nhiều biến động" (Phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa X kết thúc thành công với kết quả như sau:

  • Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khóa 2020 – 2025: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
  • Cố vấn Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà thơ Hữu Thỉnh
  • Phó chủ tịch Nhà Văn Việt Nam khóa 2020 – 2025: Nhà thơ Trần Đăng Khoa; Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam khóa 2020 – 2025: Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Trần Hùng, Vũ Hồng, Hữu Việt.

Hiền Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm