Chèn ép nhiếp ảnh gia, Taylor Swift bị 'tố' đạo đức giả

25/06/2015 08:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Taylor Swift được ca ngợi do lên án Apple Music không trả tiền thỏa đáng cho sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng với các nhiếp ảnh gia, cô chỉ là kẻ đạo đức giả khi không ngại chèn ép họ.

“Taylor Swift là người hùng hay kẻ đạo đức giả? Nhiều nhiếp ảnh gia đồng ý với vế sau” là tên bài báo được đăng trên tờ Washington Post hôm 23/6.

Sau khi Swift được cho là đã chiến thắng trong cuộc đối đầu với Apple, ép hãng này phải trả tiền thỏa đáng cho các nghệ sĩ trong 3 tháng miễn phí dùng thử cho dịch vụ Apple Music sắp ra mắt, một nhiếp ảnh gia đã lên tiếng về việc nữ ca sĩ ép uống phóng viên ảnh như thế nào trong các buổi biểu diễn của cô.

Đòi tiền Apple nhưng “có khác gì Apple”?

Cụ thể, nhiếp ảnh gia người Anh Jason Sheldon đã đăng lên mạng xã hội Tumblr một bức thư ngỏ gửi đến Swift, với nội dung gây xôn xao. Theo đó, Sheldon tiết lộ một bản hợp đồng năm 2011, khi Firefly Entertainment - công ty quản lý của Swift, đặt ra quy định khắt khe với họ.

Theo đó, nhiếp ảnh gia tác nghiệp trong các buổi biểu diễn của Swift chỉ được dùng tác phẩm một lần. Họ cũng phải từ bỏ quyền sử dụng lại hoặc bán các bức ảnh đã chụp.


Công ty quản lý của Taylor Swift bị tố cáo đã ép uổng các nhiếp ảnh gia về bản quyền và tiền bạc

Hơn thế, Firefly tuyên bố họ có giữ bản quyền “vĩnh viễn và toàn cầu” về những bức ảnh do các nhiếp ảnh gia kể trên chụp, theo mọi cách mà họ muốn, mà không cần trả tiền thêm một lần nào nữa cho các tác giả.

Trong bức thư ngỏ, Sheldon lên án mục 2 và 3 trong bản hợp đồng khắc nghiệt, yêu cầu nhiếp ảnh gia phải chấp thuận mọi điều khoản mới được tác nghiệp. Các mục này đồng thời cho phép Firefly có quyền phá hủy thiết bị chụp ảnh và đuổi nhiếp ảnh gia ra khỏi buổi biểu diễn, nếu vi phạm hợp đồng.

Sheldon nhắn với Swift: “Cô viết (trong bức thư gửi cho Apple) rằng 3 tháng không trả tiền cho nghệ sĩ là một thời gian quá dài. Còn cô thì vui vẻ trả tiền cho chúng tôi duy nhất một lần, ép chúng tôi không bao giờ được kiếm tiền từ lao động của mình nữa, giành lấy quyền khai thác thành quả của chúng tôi vì lợi ích của bản thân”.

“Vậy cô có khác gì Apple?” – nhiếp ảnh gia này hỏi.

Cần biết Sheldon không phải là người chụp ảnh nghiệp dư mà là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, kiếm sống từ nghề này. Anh từng chụp các ngôi sao nổi tiếng như Katy Perry, Kesha, Neil Diamond và Amy Winehouse.

Hợp đồng năm 2015 càng ngặt nghèo hơn

Sau khi Sheldon lên tiếng, một nhiếp ảnh gia khác là Joel Goodman ủng hộ anh và đưa ra thêm một dẫn chứng thời sự hơn: một bản hợp đồng còn “ép uổng” hơn mà công ty quản lý của Swift sử dụng trong chuyến lưu diễn mới nhất mang tên 1989.

Bản hợp đồng mới cấm các nhiếp ảnh gia tự ý công bố những hình ảnh họ chụp lên các tài khoản trên mạng và khẳng định lại quyền sử dụng không giới hạn của Firefly. Firefly cũng tự cho mình quyền tịch thu, tiêu hủy các thiết bị máy ảnh, điện thoại di động và thẻ nhớ nếu phóng viên ảnh vi phạm hợp đồng.

Swift viết một thông điệp lên Twitter sau vụ việc này nhưng cô hoàn toàn lờ đi bức thư của Sheldon, hay tuyên bố của Goodman, mà chỉ nói về chiến thắng của mình trước Apple.

Mặc dù vậy, một đại diện ở Anh của nữ ca sĩ sau đó có phản hồi về thông tin của Goodman liên quan đến chuyến lưu diễn mới nhất. Đại diện này cho biết, bản hợp đồng mới đã “tuyên bố rõ ràng rằng mọi nhiếp ảnh gia trong chuyến lưu diễn 1989 đều có cơ hội sử dụng lại các bức ảnh, nếu có sự cho phép của công ty quản lý”.

Theo người này, có một chi tiết khác bị trình bày sai là thông tin nói bản quyền các bức ảnh không thuộc về các nhiếp ảnh gia. "Sự đồng thuận giữa đôi bên không có nghĩa là một sự tước bỏ bản quyền ảnh từ các nhiếp ảnh gia. Mọi nghệ sĩ đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ việc sử dụng tên tuổi và hình ảnh của mình” - người này nói.

Vụ Taylor Swift - Apple chỉ là trò đánh bóng tên tuổi

Tạp chí Time dẫn một số ý kiến cho rằng vụ Swift "mắng" chính sách trả thù lao của Apple thực ra có lợi cho cả đôi bên. Swift được coi như đã chiến thắng và là một ngôi sao quyền lực, còn Apple biết lắng nghe và giải quyết khiếu nại đầy chuyên nghiệp.

Tom Conrad, giám đốc của Pandora – hãng đối thủ của Apple Music – cho rằng đây là một “màn kịch rõ ràng”, rằng cách hành xử của hai bên "sặc mùi" hư cấu.

Conrad chỉ ra rằng các đối thủ cạnh tranh của Apple Music là Pandora, Spotify và YouTube đều đã có chính sách trả tiền cho nghệ sĩ, cả khi người dùng không phải trả tiền.

Tom Cook, kỹ sư của Dropbox, bình phẩm: “Hãy vỗ tay cho Apple và Taylor Swift vì chiêu trò PR thành công, giúp mang lại nhiều người dùng hơn cho dịch vụ sắp ra mắt của Apple."

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm