Chào tuần mới: Từ 'Côvy' đến 'bà hỏa'

10/05/2021 06:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tâm điểm chú ý của người dân cả nước trong những ngày vừa qua vẫn là sự bùng phát của dịch Covid-19. Thế nhưng, vẫn còn là may mắn khi cho đến thời điểm bài báo này lên khuôn, tính trong đợt này (từ cuối tháng 4 trở về đây) vẫn chưa có bệnh nhân nào tử vong vì mắc Covid-19.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất: Thêm 78 ca mắc trong cộng đồng

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất: Thêm 78 ca mắc trong cộng đồng

Bản tin sáng 10/5 của Bộ Y tế cho biết 12h trôi qua có thêm 80 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh đã cách ly ngay; 78 ca ghi nhận tại cộng đồng. Việt Nam hiện có 3.412 bệnh nhân, thế giới đã ghi nhận trên 158,9 triệu ca.

Chống dịch “Cô vy” (nCoV) như chống giặc, nhưng bên cạnh đó, chúng ta đừng quên rằng vẫn còn những hiểm họa khác luôn rình rập, có thể cướp đi sinh mạng nhiều người một lúc. Một trong số đó chính là hỏa hoạn…

Mới nhất, chiều ngày 7/5, một đám cháy lớn xuất phát từ căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TP.HCM. Thiệt hại về người thật là đau xót: 8 người đã tử vong.

Trước đó, cũng tại TP.HCM, khoảng 1h12 ngày 30/3, tại số 899 đường Nguyễn Thị Định (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) xảy ra hỏa hoạn tại ngôi nhà của người dân, làm 6 người chết, toàn bộ diện tích ngôi nhà cấp 4 khoảng 60m2, 5 xe máy và vật dụng sinh hoạt gia đình bị thiêu rụi.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: TTXVN

Tại Hà Nội, khoảng 0h25, ngày 4/4, cơ quan chức năng nhận được tin báo tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (quận Đống Đa) xảy ra cháy. 4 thành viên trong gia đình đã không thoát ra được, tất cả đều tử vong...

Không phải ngẫu nhiên mà xưa kia, trước khi phải lao đao vì những dịch bệnh toàn cầu, người ta thường hay nhắc đến “Thủy, hỏa, đạo, tặc” - là 4 đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng lo ngại bậc nhất. Hỏa hoạn được xếp thứ 2 nhưng mức độ thiệt hại do “bà hỏa” gây ra cũng rất khủng khiếp.

Một bài học tôi nhớ mãi trong đợt cơ quan tôi tổ chức diễn tập PCCC vừa qua, đó là chỉ chưa đầy 30 giây, 1 ngọn lửa nhỏ có thể bùng phát hành 1 đám cháy và thời gian chỉ tính bằng phút để khói đen dày đặc lấp đầy 1 ngôi nhà hay nhấn chìm ngôi nhà đó trong lửa. Nhưng quan trọng là khói và khí độc có thể gây chết người nhiều hơn là những ngọn lửa. Các đám cháy sản sinh ra khí độc khiến bạn mất phương hướng và buồn ngủ. Và ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do hỏa hoạn, cao hơn nguyên nhân tử vong do bị bỏng, với tỷ lệ 3:1.

Vậy thì đâu là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn khủng khiếp?

Tôi nhớ lại hồi nhỏ phải sống trong căn nhà lợp mái gianh, vách nứa, sàn đất. Khi ấy gia đình tôi cũng đã 1 lần bị cháy bếp. Đám cháy xảy ra lúc nửa đêm, mấy chị em tôi sợ quá ngồi ôm nhau trên giường. Trong khi bên ngoài các bác, các chú trong khu tập thể, người thì dùng xô chậu múc nước dập lửa, người thì dùng câu liêm giật những mảng gianh đang cháy xuống khỏi mái bếp, tránh cho đám cháy lan rộng ra xung quanh. Thật may mắn là không có thiệt hại về người.

Nguyên nhân là khi ấy chất đốt trong các gia đình chủ yếu là củi và mùn cưa cho nên nhà nào cũng tích trữ những thùng mùn cưa trong khu vực bếp, mà vị trí bếp chỉ cách nhà chừng 4-5m. Buổi tối cơm nước xong không ai kiểm tra xem bếp đã tắt hay chưa? Không phát hiện được mùn cưa trong bếp lò vẫn còn âm ỉ, đến đêm đám cháy mới bùng lên. Thật sự nguy hiểm.

Nguyên nhân gây cháy thì rất nhiều, nhưng đa phần do tâm lý coi thường, chủ quan... thiếu an toàn trong sản xuất cũng như cẩu thả trong sinh hoạt tại gia đình. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn thờ ơ, chưa thực sự quan tâm đến an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mà mình đang sinh sống. Đa phần nhà dân lối thoát chỉ có 1, đó là cửa đi lại hàng ngày. Các lối thoát hiểm khác không có, hoặc nếu có cũng bị… khóa chặt!

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng có xu hướng gia tăng trong 10 ngày tới trên khắp cả nước. Đó là thời điểm các gia đình sẽ tăng mức sử dụng các thiết bị điện, nếu không có sự kiểm tra sẽ dễ xảy ra hiện tượng quá tải, dẫn đến cháy nổ, hỏa hoạn.

Cùng với cuộc chiến chống “Cô vy”, hãy trang bị cho mình những kiến thức phòng chống cháy nổ, cùng với đó là học thêm các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Đừng coi thường “bà hỏa” cũng như đừng để cho hỏa hoạn trở thành nỗi ám ảnh cuộc sống gia đình mình khi Hè về.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm