Chào tuần mới: 'Cẩn tắc vô áy náy'

08/11/2021 06:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Nhầm lẫn” là điều khó hiểu nhất trong câu chuyện chấn động vừa xảy ra tuần qua: Trong quá trình tiêm chủng cho trẻ em tại trạm y tế xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), các nhân viên y tế đã tiêm nhầm vaccine Comirnaty ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 6 tháng tuổi.

Sự cố tiêm chủng vaccine tại Quốc Oai, Hà Nội: Quan tâm, hỗ trợ tích cực gia đình 18 cháu bé

Sự cố tiêm chủng vaccine tại Quốc Oai, Hà Nội: Quan tâm, hỗ trợ tích cực gia đình 18 cháu bé

Các cơ quan chức năng của xã đã và đang phối hợp với lực lượng chức năng của huyện khẩn trương xác minh vụ việc, đồng thời cử cán bộ thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình.

Câu chuyện thêm một lần nữa cảnh báo chúng ta về việc phải luôn tuân thủ những quy tắc nghề nghiệp, nhất là với những nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Sự cẩn trọng ấy cũng cần thiết cả trong cuộc sống hàng ngày…

Có lẽ không có ai trong chúng ta dám khẳng định rằng, trong đời sống hàng ngày, mình không bao giờ bị nhầm lẫn. Giống như IQ và EQ, "trí tuệ không gian" không phải là món quà trời ban cho tất cả mọi người. Một số người rất giỏi trong việc xác định phương hướng và hiếm đi lạc, một số người lại là “dân chơi hệ mù đường”. Cụ thể cho việc này chính là sự nhầm lẫn trái - phải. Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 9% nam giới và 17% nữ giới nói rằng họ thường xuyên nhầm lẫn trái - phải trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù hầu hết những nhầm lẫn trái - phải hoặc là “hay quên” trong cuộc sống hàng ngày đều vô hại, nhưng có một số công việc nhất định mà bạn thực sự không được “nhầm lẫn”, không được phép “quên”. Bởi cái giá phải trả rất đắt.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Vân - TTXVN

Tôi nhớ chia sẻ của một vị tiến sĩ - bác sĩ cách đây mấy năm. Ông tâm sự rằng mình cũng có một vấn đề khó khăn trong việc "định danh" bên trái hay bên phải. Do đó, mỗi khi bước vào phòng mổ, ông thường cẩn thận nhờ mọi người trong ê kíp xác định cùng ông, bằng các câu hỏi. Nhưng cuối cùng vẫn xảy ra sự cố vào một ngày "đẹp trời". Khi ấy bác sĩ nhận được 1 ca bệnh nhân được chẩn đoán bị máu tụ trong sọ. Kết quả chụp cho biết bệnh nhân bị máu tụ ở một bên, tuy nhiên khi khoan sọ, bắt đầu cho cuộc mổ, mũi khoan chạy qua lớp màng não, BS mới phát hiện bên khoan không có máu tụ... Sai sót được phát hiện và xử lý ngay lập tức.

"Chuyện rồi qua đi! Nhưng sau này, cứ mỗi khi bước vào một ca mổ liên quan tới vấn đề "định danh" phải, trái các cơ quan trên cơ thể bệnh nhân... là tôi lại nhớ tới ca mổ sọ não ngày nào mà dặn lòng phải cẩn thận", ông kể.

Một câu hỏi được đặt ra: Vậy có cách nào để tránh không mắc phải những sai lầm như thế này không? Câu trả lời là: Có. Nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải ghi nhớ rèn luyện và tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trong cuộc sống, trong công việc.

Chẳng hạn như các bác sĩ phẫu thuật, do họ thường phải chịu áp lực rất lớn về thời gian cho nên sự nhầm lẫn trái - phải hay xảy ra. Vì vậy người ta khuyên họ hãy sử dụng phương pháp đánh dấu.

Nghề nào cũng phải tuân thủ các quy tắc an toàn, dù mới đầu có vẻ như là thừa thãi, không cần thiết. Trong một cuốn sách về nghề báo, có một lời dặn dò người cầm bút mà tôi rất nhớ - đó là mọi con số thống kê được đưa vào trong bài đều phải được... cộng lại một lần nữa, để đảm bảo là không cộng nhầm.

Còn những năm tháng sống trong quân ngũ, tất cả anh em chúng tôi đều phải học và tuân thủ quy định “khám súng”. Bất cứ khi nào mang súng ra học tập hay là bảo dưỡng, tóm lại là cứ liên quan đến việc dùng súng là phải kiểm tra hộp tiếp đạn, xem có sót viên đạn nào không? Sau đó thì khóa chốt an toàn… Quá trình sử dụng súng còn một nguyên tắc nữa cũng rất quan trọng, đó là trong lúc huấn luyện, khi hành quân hay là khi trao súng cho đồng đội, nòng súng bao giờ cũng phải hướng lên trời hoặc là hướng về phía khác, không bao giờ được chĩa vào đồng đội, kể cả khi súng đã được tháo kim hỏa, không có đạn.

Sau này, khi làm việc trong một công ty may giày của Đài Loan (Trung Quốc), tôi để ý tới cái máy chặt đế giày. Khác với các loại máy móc, thiết bị khác, chiếc máy chặt này có những 2 nút bấm hạ dao chặt ở 2 bên. Tìm hiểu kỹ thì mới hiểu rằng, vì người lao động hay có thói quen một tay cầm nguyên liệu đưa vào máy, tay kia thì ấn nút hạ dao, rất nguy hiểm. Để tránh tai nạn lao động, nhà sản xuất đã thiết kế 2 nút điều khiển 2 bên, chỉ khi nào người điều khiển đứng ở giữa và dùng cả 2 tay cùng ấn nút thì bàn dao mới hạ xuống. Đấy cũng là nguyên tắc an toàn trong sản xuất.

Trong vụ việc tiêm nhầm vaccine kể trên, Bộ Y tế cũng ngay lập tức đưa ra khuyến cáo, yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai phòng chống dịch Covid-19 “Phải tuân thủ 3 tra, 5 chiếu khi tiêm vaccine”. Cụ thể “3 tra” gồm kiểm tra tên người bệnh, tên thuốc, liều thuốc; còn “5 chiếu” là đối chiếu nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc, số giường và số phòng. Đây là những nguyên tắc nằm lòng đối với nhân viên y tế, nhằm đảm bảo sự an toàn và tránh nhầm lẫn trong dùng thuốc.

Còn rất nhiều nguyên tắc và quy định trong cuộc sống và trong công việc mà chúng ta cần phải ghi nhớ, tuân thủ, dù vội vã đến đâu. Với nhiều công việc, khi có xảy ra sự cố gì đó, mọi người thường hay động viên những người mắc sai sót “không sao, làm nhiều thì sai nhiều”.

Tất nhiên, đó là những lời động viên tích cực, có tính chất chia sẻ thay vì oán trách đồng nghiệp. Nhưng cũng cần phải hiểu là vấn đề sai lầm này cần phải được ghi nhớ và sẽ không được phép lặp lại trong tương lai. Bởi vì có những sai lầm chỉ xảy ra một lần thôi là chúng ta không còn cơ hội để sửa chữa. Thậm chí phải trả giá rất đắt.

Người xưa nói “Cẩn tắc vô áy náy” chính là vì điều ấy.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm