Câu chuyện 'Thần thiêng nhờ bộ hạ'

23/10/2017 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cổ nhân có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Ý của câu này muốn nói rằng, lãnh đạo dù rất tài giỏi, nhưng cấp dưới không có năng lực thì khó lòng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, ngành… của mình hoặc nói rộng hơn là hoàn thành những mục tiêu của đất nước.

Rất tiếc, xã hội chúng ta có khá nhiều trường hợp “bộ hạ” ở nhiều lĩnh vực, làm không đúng luật, ban hành những văn bản, quyết định về việc xử phạt, cấm đoán… để rồi cơ quan cấp trên phải đề nghị thu hồi quyết định. Điều đáng nói, “bộ hạ” ở đây không chỉ cấp phường, xã mà còn là những cơ quan ban ngành cấp huyện, thành phố, tỉnh và cả bộ.

Cấp TP có thể nói đến Phòng GD-ĐT TP Châu Đốc. Tháng 11/2015, Phòng GD-ĐT ra văn bản đề nghị hiệu trưởng các trường trực thuộc “nghiêm cấm” tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường mình thích (like), chia sẻ, bình luận trên Facebook những vấn đề liên quan đến chính sách, chính trị, tôn giáo… Sau đó UBND TP Châu Đốc phải đề nghị thu hồi văn bản này.

Mấy ngày gần đây, công luận lại chú ý đến vụ việc xử phạt BS Hoàng Công Truyện (Phòng GD-ĐT huyện huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - một sự việc thuộc cấp huyện và cấp tỉnh. Trước đó Sở TT&TT tỉnh này ra quyết định xử phạt BS Truyện với những điều mà BS này viết trên Facebook. Nhưng mới đây nhất, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, với đại ý là: Nếu chỉ như những gì BS Truyện nói đã được công bố thì rút quyết định phạt và xin lỗi ngay BS.

BS Truyện còn bị Giám đốc Phòng Y tế huyện Phong Điền ra quyết định kỷ luật (hình thức khiển trách) với lý do: “Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức”. Một lý do rất chung chung, không mang tính thuyết phục, bởi không nêu ra được hành vi của BS Truyện vi phạm điều nào, khoản nào của Luật Viên chức.

Theo nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Công Hùng phát biểu trên tuoitre.vn thì Luật Viên chức chỉ quy định: không xúc phạm danh dự nhân phẩm và uy tín người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Như vậy hành vi viết Facebook là không phải “trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Nó không nằm trong quy định của Luật Viên chức nên không thể viện dẫn luật này để kỷ luật BS Truyện.

Ở cấp bộ, tháng 3/2017 công luận sôi sùng sục với vụ việc Con đường xưa em đi khi Cục NTBD thuộc Bộ VH,TT&DL ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “vào cuộc", có ý kiến chỉ đạo. Sau đó Bộ VH,TT&DL đã đề nghị Cục NTBD thu hồi quyết định trên.

Chú thích ảnh
"Con đường xưa em đi" và 4 ca khúc tạm dừng lưu hành được cấp phép trở lại

Trên đây là chỉ điểm qua những vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Còn tính về số lượng thì theo Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Tư pháp, có 561 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung. Nói như thế để thấy rằng mức độ mà các “bộ hạ” đã gây ra những oan sai đối với nhân dân.

Việc “chê” Bộ trưởng Y tế, hoặc Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người chê bị xử phạt, kỷ luật (nhưng sau đó rút lại quyết định vì chưa đủ cơ sở) dễ tạo tâm lý bị “trù dập”, triệt tiêu tinh thần góp ý dân chủ. Hay những quyết định sai phải thu hồi đã làm mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Những điều này cũng bộc lộ sự  yếu kém của các “bộ hạ”. Nếu mãi như thế này thì khó có được “thần thiêng” và đất nước sẽ chậm tiến bộ.

'​Con đường xưa em đi' được hát trở lại

'​Con đường xưa em đi' được hát trở lại

Ngày 14/4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Hải Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm