Cần trùng tu Phu Văn Lâu

21/05/2009 14:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nghinh Lương Đình hay còn gọi Phu Văn Lâu là một di tích cung đình độc đáo (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế) gắn liền với cảnh quan tuyệt đẹp của dòng sông Hương thơ mộng. Gần đây, liên tiếp trong 5 kỳ Festival quốc tế tổ chức tại cố đô Huế, bến sông và tòa Nghinh Lương Đình đều được chọn làm sân khấu chính cho các kỳ lễ hội (khai mạc hoặc bế mạc). Hiện tại, cụm di tích Nghinh Lương Đình (gồm sân, bến, và toà nhà bên dòng sông Hương) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau mỗi mùa lũ, cần phải được trùng tu tôn tạo.


Phu Văn Lâu ngập trong nước lũ
Nghinh Lương Đình là phần còn lại trong hành cung Hương Giang, được xây dựng từ đầu triều Nguyễn. Bấy giờ, để phục vụ cho việc nghỉ ngơi, giải trí của vua và hoàng hậu khi đi vi hành, du lãm thắng cảnh, có khá nhiều hành cung đã được xây dựng tại kinh đô Huế như hành cung Hương Giang (khu vực Nghinh Lương Đình hiện nay), hành cung Cồn Hến, hành cung Thuận An... Riêng đối với hành cung Hương Giang, do vị trí đặc biệt của nó, các công trình ở đây được đầu tư xây dựng công phu hơn để nhà vua thường xuyên ra nghỉ ngơi và kết hợp làm việc với các quan khi cần thiết. Thời vua Thiệu Trị (1841-1847), hành cung Hương Giang đã được xem là thắng cảnh của đất kinh kỳ. Tranh mộc bản của triều Nguyễn minh họa cho bài thơ Hương Giang hiểu phiếm của vua Thiệu Trị cho thấy, tại vị trí phía sau Nghinh Lương Đình hiện nay đã có một ngôi đình xinh xắn; sát bờ sông có bến thuyền và có cầu tàu bắc hẳn ra ngoài để các ngự thuyền có thể dễ dàng cập bến...

Nghinh Lương Đình có kiến trúc kiểu phương đình gồm 1 gian 4 chái. Phía bờ sông có 13 bậc cấp dẫn xuống một hành lang xây lấn hẳn ra mặt nước, đúng kiểu thủy tạ (vì vậy mà người Huế thường gọi công trình này là Lương Tạ). Cảnh quan xung quanh Nghinh Lương Đình rất thoáng đãng và thơ mộng. Cần chú ý rằng, cho đến nay, trong quần thể kiến trúc cung đình Huế chỉ còn lại 4 tòa thủy tạ (là Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ ở lăng Tự Đức, Trường Du Tạ ở cung Diên Thọ và Nghinh Lương Tạ), mỗi công trình lại có kiểu thức, phong cách khác nhau nên loại hình kiến trúc này càng quý hiếm... 
Bài và ảnh: Quốc Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm