Cải thiện hình ảnh du lịch Thủ đô qua văn hóa ứng xử văn minh

02/12/2020 08:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 1/12, hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các điểm đến, các tổ chức hoạt động du lịch tại Hà Nội đã tham gia cuộc triển khai Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, nhằm tạo ấn tượng tốt trong con mắt bạn bè trong nước và quốc tế, cải thiện hình ảnh du lịch Thủ đô. Chương trình do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức trong bối cảnh du lịch Thủ đô đang nỗ lực đón khách trở lại sau dịch bệnh COVID19.

Xây dựng văn hóa ứng xử chung cư tại Hà Nội: Hình thành văn hóa ứng xử văn minh

Xây dựng văn hóa ứng xử chung cư tại Hà Nội: Hình thành văn hóa ứng xử văn minh

Tranh chấp chung cư kéo dài không chỉ gây hậu quả cho chủ đầu tư và cư dân mà còn tạo bất ổn xã hội, tiền lệ xấu cho các chủ đầu tư tiếp tục vi phạm. Vì vậy, việc tìm kiếm một mô hình "văn hóa chung cư", nhất là cách thức ứng xử trong cộng đồng có tính đặc thù như chung cư là một nhu cầu tất yếu của đô thị phát triển như Hà Nội.

Thời gian qua, dù đã có nhiều cố gắng trong cải thiện môi trường du lịch, nâng cao văn hoá ứng xử cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, song tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn xảy ra tình trạng bất cập. Nổi lên là tình trạng chèo kéo khách, lừa đảo, cướp giật, cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng, giao tiếp kém lịch sự… Dù các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn chưa triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều tổ chức, cá nhân còn tâm lý kỳ thị những người bị nhiễm bệnh hoặc những người đến từ vùng dịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định: Ứng xử văn minh du lịch là yếu tố quyết định một điểm đến thực sự là an toàn, thân thiện, mến khách. Trong bối cảnh mới hiện nay, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch thì bên cạnh các quy định ứng xử đã có, cần được nhấn mạnh, bổ sung thêm các nội dung, yêu cầu mới trong an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch, không kì thị, phân biệt đối xử với du khách. Việc triển khai và thực hành đầy đủ Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ứng xử của từng cá nhân khi tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch Thủ đô.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Internet

Hà Nội cần tạo cho du khách cảm nhận thấy các giá trị mẫu mực về ứng xử thanh lịch, văn minh, qua đó tôn vinh, quảng bá những giá trị ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, đưa ra những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó có mục riêng quy định tại tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch. Nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn, ban quản lý các điểm đến đều quan tâm quy định ứng xử văn hóa, không nói tục, chửi bậy, ăn mặc phản cảm... trong nội dung các quy chế quản lý hoạt động.

Bà Trương Thị Thu Hương, Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cho rằng: Quy tắc ứng xử văn minh du lịch chuyển tải thông điệp văn minh, trách nhiệm, an toàn, thân thiện, hiếu khách… của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các phong trào phát động ứng xử văn minh du lịch của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bản thân các doanh nghiệp lữ hành cũng triển khai nhiều phong trào ý nghĩa. Đó là, Công ty Du lịch Transviet với phong trào Tự hào là người Việt khi đi du lịch, Hanoitourist với phong trào Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, Vietravel với phong trào Giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời cảm ơn, xin lỗi…

Để quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch phát huy trong thực tiễn, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực triển khai tới các đơn vị, địa phương liên quan và các doanh nghiệp, người dân. Với nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị, lớp tập huấn; văn bản, tài liệu hướng dẫn; phát hành tập gấp, tờ rơi gửi đến các doanh nghiệp du lịch, các địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan; đăng tải nội dung quy tắc trên website của sở; lồng ghép vào các chương trình tập huấn về quản lý du lịch, xây dựng sản phẩm... quy tắc ứng xử sẽ dần khẳng định được hiệu quả, nâng cao hình ảnh du lịch Thủ đô.

Cùng với hoạt động trên, Sở Du lịch Hà Nội cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch bởi hiện nay chuyển đổi số để phát triển du lịch là xu hướng tất yếu. Với việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên thế giới và kết nối số, công nghệ số đóng góp rất lớn vào sự thay đổi diện mạo du lịch, phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (từ quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng qua internet...). Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô có sự phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin như: Ứng dụng các app kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…

Đinh Thuận - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm