Các giải pháp phục hồi du lịch Hà Nội trong đại dịch Covid-19

09/06/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế.

Hiện vật lạ tại di tích Hà Nội: Hàng trăm tượng Quan âm bạch y chưa thể di dời

Hiện vật lạ tại di tích Hà Nội: Hàng trăm tượng Quan âm bạch y chưa thể di dời

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai, vận động di dời dứt điểm các hiện vật không đúng quy định ra khỏi các di tích, các cơ quan, công sở trước 30/11.

Theo thống kê, năm 2020, ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm gần 50%. Trước thực trạng vô vàn khó khăn này, nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch, ngành du lịch Hà Nội đã chủ động các giải pháp phục hồi, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”, duy trì tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.

5 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 2,89 triệu lượt, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tiềm năng phong phú

Hiện nay, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có trên 1.182 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 20% so với cả nước. Nhiều di tích, lễ hội nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, thắng cảnh Hương Sơn và nhiều di sản khác; trong đó, di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Chú thích ảnh
Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là một trong ba vùng tập trung nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc của miền Bắc, tạo ra sức hấp dẫn bền vững đối với du khách.

Đặc biệt, Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời với những sản phẩm độc đáo được ưa chuộng, cảnh quan tươi đẹp như: gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái, đúc đồng Ngũ Xá,... Theo số liệu thống kê, toàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc. 

Đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch

Vì thế, khi thực hiện yêu cầu đóng cửa di tích nhằm phòng, chống dịch COVID-19, các ban quản lý di tích tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để làm phong phú hơn hoạt động của mình sau khi đón khách trở lại. Bởi thực tế, muốn thu hút khách đông hơn và kéo khách quay trở lại, các di tích phải đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch.

Chú thích ảnh
 Khách tham quan trưng bày tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hoàng Hiếu

Nếu trước kia, di tích Nhà tù Hỏa Lò tạo dấu ấn cho mình bằng hai sản phẩm du lịch đêm đặc sắc: “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa” thì trong thời điểm này, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục xây dựng sản phẩm mới “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”.

Đại diện Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, dù tạm dừng đón khách nhưng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý vẫn tích cực làm việc, hoàn thiện kịch bản, nội dung và vận hành thử sản phẩm mới để kịp ra mắt du khách khi di tích được mở cửa trở lại. 

Chú thích ảnh
Đoàn khách du lịch tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Đinh Thuận

Trong khi đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám xúc tiến cho kế hoạch tái hiện trường Quốc Tử Giám để giúp khách tham quan hình dung một phần về khoa cử của triều đình xưa. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm, khu vực tái hiện trường Quốc Tử Giám được trưng bày cố định tại khu nhà Thái Học và sẽ là một trong những điểm nhấn của khu di tích.

Trung tâm đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ; trong đó, số hóa toàn bộ các hạng mục di tích bằng công nghệ 3D, phát triển dịch vụ và tiện ích sử dụng công nghệ, xây dựng các trải nghiệm bằng công nghệ. Trong kế hoạch này, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ có sản phẩm du lịch đêm để du lịch trải nghiệm di sản bằng công nghệ ánh sáng kết hợp với công nghệ 3D.

Chủ động kết nối

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Thành phố và Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, trong đó, tăng cường kiểm tra các khách sạn sử dụng phục vụ công tác cách ly tập trung cho khách nhập cảnh và tổ bay. Phối hợp với tỉnh, thành phố trong cả nước để nắm bắt thông tin các đoàn khách, phối hợp quản lý, phòng, chống bệnh dịch quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại một số điểm đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Để giảm thiệt hại do dịch gây ra, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... triển khai chương trình nâng cấp sản phẩm, điểm đến du lịch, xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo, thu hút khách du lịch nội địa, đồng thời với triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch nội địa (khách du lịch là người Hà Nội, các tỉnh, thành phố và các người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam).

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch (như giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp...), qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm