Bốn mùa cùng ẩn hiện trong 'Giao mùa'

07/11/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khai mạc vào 10h ngày mai 8/11 tại Apricot Gallery (50-52 Mạc Thị Bưởi, TP.HCM), triển lãm nhóm Giao mùa của Nguyễn Văn Đức, Lê Trần Hậu Anh và Nguyễn Nhật Dũng được kì vọng sẽ mang lại cho cư dân đô thị một hương vị yên bình của bốn mùa trong năm.

Khai mạc triển lãm tranh khỏa thân 'Cảm hứng bất tận'

Khai mạc triển lãm tranh khỏa thân 'Cảm hứng bất tận'

Triển lãm tranh khỏa thân với chủ đề Cảm hứng bất tận tập hợp 70 tác phẩm hội hoạ của hơn 30 họa sĩ trên cả nước, khai mạc chiều 26/9 tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Dù 3 họa sĩ sống tại miền Bắc, nhưng không khí chung của 35 tranh phong cảnh của họ lần này lại có đủ sắc thái của cả ba miền. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17/11/2019.

Sự chuyển mùa thi vị

Vì sự biến chuyển thời tiết quá nhanh chóng, phức tạp, nên nhiều thể thơ xưa của Nhật Bản như renga (liên ca), haiku (bài cú)… thường rất lưu tâm đến kigo (quý ngữ) để ghi dấu các khoảnh khắc, các biểu hiện về mùa. Thậm chí với các thể thơ này, đặc biệt là haiku, dù chỉ có 17 âm tiết, nhưng thiếu mùa là… chưa nên thơ. Quan niệm này cũng có thể dễ nhận ra trong nhiều trào lưu hội họa của Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Nguyễn Văn Đức, Lê Trần Hậu Anh và Nguyễn Nhật Dũng

Việt Nam cũng vậy. Nhưng vì bốn mùa hoặc tương đối rõ nét (như đa phần ở miền Bắc), hoặc đan hòa (như đa phần ở miền Trung), hoặc chỉ hai mùa mưa, nắng (như đa phần ở miền Nam), nên cách biểu hiện về mùa trong thơ Việt mang sắc thái khác. Hệ quả này cũng thể hiện khá rõ trong hội họa dân gian, truyền thống, và hiện đại của từng vùng miền.

Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ, cũng có sự “nở riêng”, như câu ca dao: “Trăm hoa đua nở tháng Giêng/ Có bông hoa cải nở riêng tháng Mười”. Triển lãm Giao mùa của Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Nhật Dũng, Lê Trần Hậu Anh là một cuộc “nở riêng” như vậy. Tranh của họ dường như không trụ vào một mùa nào cả, vì thế mà bốn mùa cùng ẩn hiện, cùng luân chuyển thú vị.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bình yên ngày mới” (sơn dầu trên toan, 120cm x 200cm, 2019) của Nguyễn Văn Đức

“Hội họa của Nguyễn Văn Đức vốn tự tại, tinh nhã, truyền cảm và lôi cuốn. Lôi cuốn bởi những luyến láy, nhấn, buông khoáng hoạt và tinh tế của bút pháp diễn tả ánh sáng, bóng tối điêu luyện. Mờ tỏ, chập chờn, lấp ló trong từng lớp lang. Hoen nhòe giao hòa ướt át, nhưng không ủy mị. Nguyễn Văn Đức ưa dùng gam màu nhẹ với nhiều cung bậc đậm nhạt cho hầu hết các tác phẩm của mình. Vùng sáng, hay điểm sáng trên tranh được xử lý rất cô đọng, trúng và đắt. Vì thế, người vẽ gọi ra được cái sắc thái lung linh biến ảo của mưa nắng, mây mù, sương khói cùng những lay động uyển chuyển của không gian, thời gian, của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông” - họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhận định.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Sương sớm” (sơn dầu trên toan, 110cm x 150cm, 2019) của Nguyễn Nhật Dũng

Ba điểm chung tuyệt vời

Pha trộn bút pháp ấn tượng, hiện thực và một chút huyền ảo, nhưng mỗi người lại có một quan niệm riêng về tranh phong cảnh. Ghép ba quan niệm riêng này vào một triển lãm chung, tưởng chừng chông chênh, nhưng thật bất ngờ, họ khá hài hòa, vì có ba điểm chung tuyệt vời.

Đầu tiên, họ cùng vẽ sự chuyển mùa, chớm mùa, giao mùa, nghĩa là khoảng giữa của hai mùa. Đây là khoảng thời gian khá tinh tế, như “giao thừa”, nơi mùa cũ chưa đi hết và mùa mới chưa đến rõ ràng. Nếu bến thuyền của Nguyễn Nhật Dũng là cuộc chuyển giữa Hè sang Thu, bến nước và nhà bè của Lê Trần Hậu Anh giữa Xuân sang Hè và Hè sang Thu, thì Tây Bắc của Nguyễn Văn Đức chuyển cả bốn mùa trong năm, tùy mỗi bức.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Làng nổi” (sơn dầu trên toan, 80cm x 110cm, 2019) của Lê Trần Hậu Anh

Thứ hai, họ cùng phủ lên hiện thực một lớp mờ ảo, hoặc như sương như khói, nên phong cảnh giàu chất thơ, gợi niềm hoài nhớ và hồi tưởng về quê nhà. Không hẹn mà gặp, phong cảnh của họ như mang tính đại diện cho quê nhà của cả miền núi, miền biển và miền sông nước. Nó mang phong vị của cả Bắc, Trung, Nam, mà miền nào cũng đẹp và buồn, cũng tĩnh tại và luyến nhớ.

Cuối cùng, khi vẽ phong cảnh, cả ba họa sĩ thường cho “người đi vắng”, như muốn đẩy hiện tại lùi vào dĩ vãng một chút, nhằm tạo cảm giác “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Thế nhưng cảnh vật của họ không là chuyện của quá khứ, mà là hiện tại, là Việt Nam hôm nay. Qua không khí của ngôi nhà, cây cối, vườn tược, bến nước, cảng biển, nhà bè…, ta luôn nhận ra sự sống vẫn đang đâm chồi, nảy lộc.

Giữa một đại đô thị nhộn nhịp, tất bật như TP.HCM, thật thú vị khi đến với triển lãm Giao mùa, nơi mà ta như được trở về với quê nhà, được đắm chìm vào cảm giác bình yên, tạm quên đi những lo toan, căng thẳng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm