Biên đạo múa Tấn Lộc: Chúng tôi có thể dở nhưng ít nhất, dám đam mê

18/01/2013 12:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lâu lắm mới thấy trên đường phố Hà Nội treo những bandroll quảng cáo một vở múa đương đại. Lần này là Arabesque của biên đạo múa Tấn Lộc với một đêm diễn duy nhất của Sương sớm tại Rạp Công Nhân (4 Tràng Tiền, Hà Nội) vào tối 22/1 tới.

Gần đây, tần suất xuất hiện của biên đạo múa Tấn Lộc khá đậm đặc. Thí sinh Việt Nam Idol cần anh hướng dẫn, đoàn phim Mỹ nhân kế cũng phải có anh đóng vai trò “chỉ đạo võ thuật”, đấy là chưa kể đến cả núi công việc với vũ đoàn Arabesque. Nhân chuyến “du Bắc” lần đầu tiên này của Tấn Lộc cùng Arabesque, anh có cuộc trò chuyện với TT&VH.

Biên đạo múa Tấn Lộc

* Lý do của chuyến “du Bắc” lần này là gì, vì thực tế, múa hay múa đương đại đều khó bán vé?

- Một nửa số thành viên Arabesque là người Hà Nội, trong khi dịp đi diễn Hà Nội rất là ít. Chúng tôi muốn mang múa ở TP. HCM giới thiệu với khán giả Hà Nội.

* Liệu khán giả sẽ thấy nó khác gì so với những vở múa mà Lê Vũ Long hay Tuyết Minh đã từng “trình làng” ở Hà Nội?

- À, nó có mùi vị của phương Nam, chắc sẽ khác vị Hà Nội (cười).

* Ý tưởng của vở Sương sớm là gì, có giống như tên gọi?

- Cảm ơn bạn vì câu hỏi này. Xã hội phát triển và bận rộn, giới trẻ thì lao vào di động với Ipad, người ta dường như quên đi những thứ rất đẹp xung quanh mình. Cơm chúng ta vẫn ăn hàng ngày mà luôn quên cuộc sống của nông dân Việt Nam, những người làm ra hạt lúa, hạt gạo cho mình ăn. Nhưng khi làm về người nông dân dễ bị “dị ứng” vì nó rất cổ điển, rất xưa và rất quê mùa. Chúng tôi tôi không định làm mới, sang trọng, quý phái hay lộng lẫy hóa nó mà chỉ thể hiện sự tôn trọng, diễn tả chân thật nhất của người nông dân với cả một chiều sâu văn hóa.

* Không dễ gì một vở múa quy tụ được những tên tuổi từ cả trong và ngoài nước?

- Ngọc Anh là diễn viên múa xuất sắc của nước Anh năm 2008. Anh gần gũi, cách suy nghĩ giống tôi nên khi nhận được lời đề nghị là về liền. Ngọc Khải và Hoài Phương học ở Đức… cùng với những tên tuổi như Tôn Thất An, Đức Trí… Nhiều thành viên Arabesque từng giành Huy chương Đồng, Bạc quốc tế tại Hàn Quốc. Tôi may mắn được làm với những con người giỏi hơn người và cộng tác được với mình. Để làm được điều đó là do mọi người cùng nghĩ và cùng nhìn về một hướng.

Cảnh trong vở múa Sương sớm

* Nghệ sĩ múa Ngọc Anh có chia sẻ với báo chí rằng nhìn Tấn Lộc làm nghệ thuật vất vả quá vì cùng lúc phải lo nhiều thứ?

- Ngọc Anh thương tôi nên nói vậy nhưng tôi nghĩ rằng trước khi đòi hỏi điều gì ở người khác thì mình phải quan tâm đến mọi người. Nếu mình không chuẩn bị cho sản phẩm của mình chu đáo thì ai quan tâm mình. Muốn chương trình hay thì mình phải làm, không thể chờ như thời bao cấp, nếu không làm thì không ai làm thay đâu. Đó không chỉ là quan điểm của tôi mà của cả nhóm Arabesque. Diễn viên múa ở thời điểm hiện tại sống được bằng nghề múa là khá vất vả.

Tôi từng có cơ hội hơn những bạn trẻ, bây giờ nhìn thấy nhiều bạn trong nhóm Arabesque tài năng như vậy mà không được giới thiệu thì thật là đáng tiếc. Tôi nghĩ mình làm những việc đó để giúp cho mọi người thấy Việt Nam cũng có những tài năng múa.

Một mình tôi làm không đủ mà còn phải có nhưng Tuyết Minh, có Lê Vũ Long… thì ngành múa mới có thể được quan tâm hơn.

* Có một nhà quản lý văn hóa nhận xét chúng ta học tập các loại hình nghệ thuật của nước ngoài, trong đó có múa đương đại, nhưng chúng ta làm chưa tới. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

- Trong một ngàn người thì có một ngàn nhận xét khác nhau. Người nhận xét câu đó nói cũng không có sai. Tôi nghĩ nếu học đến lớp 2 mới biết đến cộng trừ nhân chia, nhưng vẫn cố gắng làm căn bậc 2, bậc 3 thì cũng nên khuyến khích. Chúng tôi có thể dở nhưng ít nhất, dám đam mê.

* Từng du học ở Nhật Bản, vì sao anh vẫn chọn trở về?

- Lúc mới đi học cũng có ý định ở lại nước ngoài, nhưng sau đó có một số lý do cá nhân riêng nên quay về Việt Nam. Một trong lý do riêng chính là vì các em diễn viên múa trẻ. Mình đi học cho bản thân mình, nhưng nếu cái của bản thân ấy mang đến cho mọi người sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

* Thực tế, múa vẫn bị xem loại hình kén khán giả, có chăng được biểu diễn trên sân khấu để phụ họa. Về nước và sống trong thực tế đáng buồn đó, anh có buồn không?

- Diễn viên Việt Nam còn sướng hơn diễn viên nước ngoài. Tôi biết ở bên Nhật Bản, Đức nhiều bạn giỏi nhưng chỉ làm múa trong một mùa sau đó buổi tối đi bưng bê ở nhà hàng để kiếm sống. Trong khi ở TP.HCM, diễn viên nếu giỏi thì vào nhà hát, kém hơn thì múa ở vũ đoàn, tụ điểm hay đám cưới… Có nghĩa là vẫn được làm nghề, có thu nhập và học lên cao. Tôi thì nghĩ nghề nào cũng khó khăn vất vả. Phải “cứu” mình trước chứ đừng ngồi đó kêu người khác “cứu” mình. Các bạn trong nhóm Arabesque đều cố gắng hết sức vì nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình (cười).

Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm