Bắc nhịp cầu mới về văn hóa Việt

06/07/2021 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Công ty Chibooks đang chủ trương xây dựng một tủ sách về văn hóa Việt, hiện đã có gần 10 đầu sách, mà trong tương lai sẽ còn phát triển nhiều thêm nữa. Tủ sách như một nhịp cầu nối bạn đọc với cái hay, cái đẹp, cái phong phú trong văn hóa, ẩm thực, lối sống và con người Việt Nam.

Khởi động Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2: Hiểu Việt Nam từ 'di sản' thời Pháp thuộc

Khởi động Tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 2: Hiểu Việt Nam từ 'di sản' thời Pháp thuộc

18 đầu sách cho tới thời điểm này chưa phải con số quá lớn. Nhưng, cách mà tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus được lựa chọn và biên dịch đã cho thấy hướng đi nghiêm túc về một nhu cầu có thật: Hiểu thêm diện mạo Việt Nam giai đoạn trước qua tư liệu của người Pháp.

Tủ sách đã và sẽ có các cuốn như Vắt qua những ngàn mây (tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng), Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền), Nha Trang mùa đẹp nhất (Đào Thị Thanh Tuyền), Bên sông Ô Lâu (Phi Tân), Về Huế ăn cơm (Phi Tân), Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời (Vũ Thế Long), Hà Nội những phố những người (Nguyễn Việt Cường), Tình đất mặn (Nguyễn Chí Ngoan)… Các cuốn sách này chủ yếu được Chibooks liên kết với NXB Lao động để phát hành.

Chú thích ảnh
"Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ" của Đào Thị Thanh Tuyền

Cách tiếp cận đa dạng

Với tiêu chí giới thiệu về văn hóa, con người, lối sống, ẩm thực vùng miền, cách tiếp cận của tủ sách này khá đa dạng. Có tác phẩm là khảo cứu, có tác phẩm là tản văn, bút ký từ chính những kinh nghiệm sống của tác giả vùng bản xứ đó với những nội dung có giá trị lâu dài. Các tác giả tham gia viết trong tủ sách này cũng đều là các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia nghiên cứu lâu năm, là người dân bản địa ngay chính về đề tài họ viết, với kinh nghiệm thực tế từng trải, có uy tín, có giá trị sử liệu.

Chú thích ảnh
"Bên sông Ô Lâu" của Phi Tân

Ví dụ cuốn Về Huế ăn cơm, từ một loài cá nhỏ lăn tăn, thường thấy vào mùa Hè, chợ Bến Ngự gọi là cá mờm, nhưng chợ quê của Phi Tân thì gọi là cá duội, cá cơm duội, hoặc cá ruội. Rồi cứ thế Phi Tân nhẩn nha kể lại hành trình con cá nhỏ này qua bao năm tháng thăng trầm, rồi dần mở rộng ra các chuyện khác, để khi đọc sẽ thấy cơm ở xứ Huế thật sự có nét riêng về phong thổ, văn hóa.

Chú thích ảnh
Cuốn "Về Huế ăn cơm"

Cuốn Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời của Vũ Thế Long thì có cách tiếp cận hơi khác, nơi tác giả có cái nhìn khá bao quát và xuyên suốt về ẩm thực Hà Nội ở thế kỷ 20. Tác giả cũng chỉ ra được quá trình cự tuyệt, đón nhận, thậm chí bị “đồng hóa” giữa ẩm thực Hà Nội với ẩm thực du nhập từ các vùng miền, các quốc gia.

Còn cuốn Nha Trang mùa đẹp nhất là góc hồi tưởng của Đào Thị Thanh Tuyền về quê cha đất mẹ, nơi mà giữa trí nhớ và hiện thực đã có độ vênh nhất định. Nếu chia sẻ được nỗi nhớ của tác giả, độc giả sẽ dần dần nhận ra trong mình một nỗi nhớ riêng, ở đó quê nhà, gia đình sao thật mến thương. Nha Trang còn hiện về với những món ăn bán nơi quê người, đất khách, cũng vị ấy, hương ấy, nhưng “hồn ở đâu bây giờ”.

Chú thích ảnh
"Nha Trang mùa đẹp nhất" của Đào Thị Thanh Tuyền

Trong cuốn Vắt qua những ngàn mây, một dạng tạp bút du ký, Đỗ Quang Tuấn Hoàng dẫn người đọc qua nhiều vùng miền của đất nước, nơi cái đẹp miên man, nhưng di sản, đặc sản đang bị thách thức bởi các tác hại xấu do sử dụng, khai thác chưa đúng. Nhưng cuối cùng và trên hết, tác giả vẫn muốn góp phần vào sự bảo tồn các vẻ đẹp và giá trị của quê hương.

Một sự chuyển hướng mới

Chibooks lâu nay định hình phân khúc của mình bằng các đầu sách văn học dịch, đặc biệt các tác giả trẻ từ Trung Quốc. Vậy, vì sao đơn vị này lại có thêm sự chuyển hướng mới?

Bà Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Chibooks) cho biết: “Nếu nhìn quanh thị trường xuất bản Việt Nam, sách giới thiệu về văn hóa vùng miền không nhiều, thậm chí chỉ tập trung vào một vài thành phố chính như TP.HCM, Hà Nội. Do số lượng ít, cũng không được giới thiệu nhiều nên mảng sách này trở nên thiếu hụt. Độc giả trẻ cũng bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực của các vùng miền khác trong cả nước, chưa nói gì đến độc giả Việt sinh sống tại nước ngoài, hoặc độc giả quốc tế quan tâm tới tiếng Việt. Vì vậy, bên cạnh các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Chibooks quyết định mở rộng ra nhiều vùng miền như miền núi phía Bắc, miền Tây Nam bộ, các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Huế, Nha Trang… để độc giả có thêm sự chọn lựa phong phú. Chibooks hy vọng thông qua tủ sách này sẽ giúp các độc giả thêm yêu, thêm hiểu về con người, văn hóa, ẩm thực của các vùng miền, thêm yêu về quê hương đất nước mình, để mở lòng sống bao dung hơn”.

Chú thích ảnh
Cuốn "Vắt qua những ngàn mây"

Song hành với xuất bản tiếng Việt, Chibooks cho biết sẽ chọn lọc một số đầu sách trong tủ sách này để dịch sang tiếng Trung, tiếng Anh, phát hành ra nước ngoài. Từ kinh nghiệm quốc tế của Chibooks, họ nhận ra rằng nếu chỉ dịch một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết hay nào đó của Việt Nam ra nước ngoài, độc giả nước ấy cũng sẽ khó nắm bắt được. Bởi vì khi đọc văn chương còn là đọc lịch sử, bối cảnh, văn hóa của Việt Nam nữa, mà tủ sách về văn hóa Việt Nam nói chung vẫn còn cực kỳ hiếm hoi trên thị trường xuất bản quốc tế.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm