Áo dài và di sản nhân loại: Đường hãy còn xa!

19/10/2020 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo khoa học Áo dài và di sản văn hóa diễn ra cuối tuần qua tại Áo dài Exhibition (lầu 2, 77 Nguyễn Huệ, TP.HCM), do Bảo tàng Áo dài phối hợp tổ chức. Tại hội thảo này, khi được hỏi bao giờ áo dài Việt Nam sẽ thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, bà Huỳnh Ngọc Vân (GĐ Bảo tàng Áo dài) trả lời rằng: đường hãy còn xa.

 Áo dài Việt Nam trong Di sản văn hóa

Áo dài Việt Nam trong Di sản văn hóa

Ngày 16/10, tại hội thảo "Áo dài và Di sản văn hóa" do Bảo tàng Áo dài tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như Áo dài. Cụ thể, trong 13 di sản mà Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có tới 7 di sản liên quan đến Áo dài.  

Trong 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ Việt Nam, theo nghiên cứu của bà Huỳnh Ngọc Vân thì có đến 7 di sản liên quan đến áo dài. Đó là nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, quan họ, ca trù, hát xoan, ví giặm, vì khi trình tấu hoặc hành lễ đều có sử dụng áo dài. Nhiều trường hợp dùng áo dài thay cho áo tứ thân. “Hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài” - bà Huỳnh Ngọc Vân khẳng định.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, muốn kiện toàn hồ sơ để trình UNESCO, đầu tiên áo dài phải trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là quốc phục về mặt văn bản pháp lý. Tiếp đến, có thể dựa vào các không gian sau đây của áo dài để làm hồ sơ, chứ không phải dựa vào mỗi chiếc áo.

Chú thích ảnh
Hội thảo “Áo dài và di sản văn hóa” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM

Thứ nhất, không gian thủ công của nghề may áo dài, với số lượng nghệ nhân được công nhận đã nhiều chưa, sức lan truyền đủ rộng không, học viên và người kế tục nghề may này ra sao. Việt Nam thì mới có 1, 2 thợ may áo dài được phong nghệ nhân, còn các nhà thiết kế áo dài thì thường không tự may, nên không thể xếp vào nghệ nhân. Nếu xét riêng số lượng nghệ nhân may áo dài, còn lâu mới đủ số lượng trình UNESCO. Ví dụ như khi nghề may trang phục cưới tlemcen truyền thống của Algeria được công nhận năm 2012, số lượng nghệ nhân và học viên là một yếu tố quyết định.

Thứ hai, không gian mặc áo dài, từ lễ hội cho đến làm việc, vui chơi, đời thường ra sao. Thứ ba, không gian văn hóa của áo dài, từ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa cho đến các khâu khác, xem Việt Nam có đủ vật liệu để hoàn chỉnh một áo dài chưa, hay phải nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo “Áo dài và di sản văn hóa” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM

Theo Nghị định 98/2010/NĐ-CP về di sản của Chính phủ, thì tiêu chí lựa chọn di sản đệ trình UNESCO được quy định như sau: a) Là di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; b) Có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; c) Thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo và là cơ sở cho sự sáng tạo những giá trị văn hóa mới; d) Có phạm vi và mức độ ảnh hưởng mang tính quốc gia và quốc tế về lịch sử, văn hóa, khoa học; đ) Đáp ứng tiêu chí lựa chọn của UNESCO. Dựa vào đây có thể thấy áo dài đang thiếu gì, đặc biệt với 2 tiêu chí a và đ.

Còn theo Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện ở các hình thức sau: a) Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, bao gồm ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; b) Nghệ thuật trình diễn; c) Tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội; d) Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; đ) Nghề thủ công truyền thống. Theo đây, có thể thấy áo dài có thể xếp vào 2 tiêu chí c và đ, dù đường dây kết nối hơi mờ. Rõ ràng ở Việt Nam ít khi nào xếp thợ may áo dài vào khu vực nghề thủ công truyền thống.

Thế giới có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang phục truyền thống, tùy tiêu chí và định nghĩa, đến nay mới có một vài trang phục được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có thể kể như trang phục batik của Indonesia (công nhận năm 2009), trang phục cưới tlemcen của Algeria (2012)… Điều này cho thấy UNESCO cũng có cái khó của họ, bởi chẳng lẽ phải công nhận quá nhiều trang phục, vì nhiều dân tộc, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục đệ trình.

Áo dài tân thời (còn gọi là áo dài Le Mur - Cát Tường) của Việt Nam từng được một số tạp chí, tổ chức bầu chọn vào Top 15, Top 20 trang phục tiêu biểu của nhân loại, điều này rất lấy làm vinh dự. Nhưng cũng cho thấy cái khó của áo dài và cái khó của UNESCO, chẳng lẽ công nhận cả Top 15, Top 20 đều là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại?

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm