Áo dài có quyền thay đổi theo thời gian?

06/03/2019 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 6 đang diễn ra, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ghi ý kiến về vấn đề cách tân, truyền thống của tà áo dài. Tất nhiên đây ở đây không có tham vọng đi đến kết luận, vì đứng ở khía cạnh truyền thống hoặc cách tân thì đều có lý lẽ riêng, tùy góc nhìn.

Lễ hội Áo dài TP HCM nói không với áo dài cách tân

Lễ hội Áo dài TP HCM nói không với áo dài cách tân

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2017 với chủ đề 'Duyên dáng áo dài' sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 17/3, tại nhiều địa điểm như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh niên…

Tham gia diễn đàn này là những gương mặt còn trẻ, nhưng đã có gắn bó với áo dài theo nhiều cách. Nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn nổi tiếng với các thiết kế, các bộ sưu tập áo dài được ưa chuộng. Nhà sản xuất - người dẫn chương trình (MC) Tùng Leo thì đã có những nghiên cứu, giảng dạy về áo dài từ góc độ mỹ học. MC Phí Linh thì nổi tiếng với chương trình Vẻ đẹp Việt 2019, khám phá sự biến đổi của áo dài trong 100 năm qua.

NTK Thủy Nguyễn: Vừa giữ gìn vừa phát triển

“Đối với tôi thì áo dài có 2 mảng: Mảng giữ gìn và mảng phát triển. Đúng là những gì truyền thống thì đã ăn sâu vào trái tim của mỗi người. Sâu đậm từ dáng điệu, cử chỉ, vải vóc, kỹ thuật cắt may... Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì tôi nghĩ áo dài khó vượt thời gian, dần dần nó sẽ đi vào bảo tàng.

Chú thích ảnh
NTK Thủy Nguyễn

Còn nếu mình biết cách phát triển, canh tân hoặc hội nhập hợp lý thì áo dài sẽ có đời sống riêng của nó ở mỗi thời kỳ. Truyền thống vẫn nguyên vẹn đó, thêm cách tân thì thêm cách nhìn khác, thêm sự đa dạng, có sao đâu. Tuy nhiên điều này vẫn phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn, vào quan niệm của mỗi người, khó có chân lý duy nhất”.

MC Tùng Leo: Thường xuyên được làm mới

“Tôi luôn nhìn nhận áo dài là một trang phục mang hơi thở của thời đại. Chúng ta đến nay cũng nên phân biệt rõ: Áo dài xưa và áo dài hiện đại, hoặc có thời gian gọi là áo dài tân thời.

Áo dài xưa là áo dài rộng, may liền, không chít ben. Áo dài tân thời là áo dài đã đưa kỹ thuật cắt may phương Tây và yếu tố mỹ thuật hiện đại vào - chính là tà áo dài mà hôm nay chúng ta tôn vinh và sử dụng nhiều nhất. Vì thế, bản chất của áo dài là đã có hơi thở của sự hiện đại, nên áo dài có quyền có sự thay đổi theo thời gian.

Chú thích ảnh
MC Tùng Leo

Thật ra, áo dài đã luôn được làm mới: Phần cổ (cổ thuyền, cổ khoét sâu), phần nút (thay bằng dây kéo sau), phần tà (dài ngắn khác nhau qua thời gian), phần quần (độ rộng và co lại của ống quần), chất liệu (lụa là gấm vóc đến ren voan xô twist...). Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn tìm cách để áo dài đẹp hơn và phù hợp hơn. Ai nói áo dài không được quyền thay đổi là chưa hiểu hết về áo dài.

Những ai cho phép sự thay đổi của mình đi quá xa thì tình yêu dành cho áo dài và độ hiểu biết về tính văn hóa của áo dài chưa đủ lớn. Không yêu, thì cái sáng tạo dễ thành quá trớn. Không hiểu, thì cái sáng tạo dễ thành phá hoại.

Tuy nhiên, điều tuyệt vời của mỹ học là: Cái gì vượt qua năm tháng, còn tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính là cái đẹp, cái đổi mới mà đi qua được sự đào thải khắc nghiệt của thị hiếu thì sẽ thành cái đẹp. Chính vì vậy tôi rất cởi mở với việc sáng tạo dựa trên tà áo dài. Nhưng hãy nhớ: Nếu thay đổi nhiều thì nên gọi là lấy ý tưởng từ áo dài, chứ đừng gọi là áo dài”.

MC Phí Linh: Cách tân là cần thiết

“Khi ta yêu một điều gì mà khư khư giữ lấy điều đó, thì tình yêu đó chẳng phải ngột ngạt quá chăng? Tôi là một người say mê “tà áo nhiệm màu”, nên càng tìm hiểu thì càng thấy việc cách tân là cần thiết, vì những cách tân đó chính là để áo dài có sức sống hiện đại, để được chấp nhận rộng rãi.

Chú thích ảnh
MC Phí Linh

Nhờ có những cách tân và đổi mới của Lemur Cát Tường năm 1934, của nhà may Dung ở Đa Kao thập niên 1960, của làn sóng áo dài hippy, midi thập niên 1970 mà áo dài mới có hình hài hôm nay.

Điểm mấu chốt tôi nghĩ không phải là đổi mới, mà là đổi mới dựa trên cơ sở nào. Sân chơi nào cũng có luật, hiểu luật giúp ta không phạm vào ranh giới của sự dung tục, phản cảm.

Riêng việc này phải ghi nhận có những nhà thiết kế có tìm tòi thực sự nghiêm túc với tà áo dài dân tộc, càng ngày càng đưa ra được những tà áo dài gần với nguyên bản truyền thống hơn: Áo dài tay liền vai của Trịnh Hoàng Diệu, áo dài Hà Nội thập niên 1930 của Vũ Việt Hà, áo dài ngũ thân của Ỷ Vân Hiên, áo dài Sài Gòn thập niên 1970 của Kinzu Huỳnh Sĩ Toàn...

Đây là những nỗ lực và đóng góp tôi nghĩ là rất lớn, cần được tôn vinh, chính đó là bản lề của những sáng tạo. Tôi tin rằng nếu những người này làm cách tân, tôi sẽ ủng hộ, vì họ không chỉ yêu, mà đã hiểu thấu. Bất kể nhà thiết kế nào làm áo dài cách tân, biến tấu, cũng sẽ thành công nếu dựa trên một bản lề mà chính mình đã đo đạc, khảo cứu đến tận cùng”.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm