Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 31): Về hai giải quần vợt quốc tế có ít nhiều gắn với địa danh Sài Gòn

16/05/2022 19:42 GMT+7 | Văn hoá

Trong hệ thống các giải thi đấu danh giá và có bề dày truyền thống của môn quần vợt quốc tế (grand-slam), thì Pháp có Roland Garros và người Mỹ có Davis. Cả 2 nhân vật này, nhiều hoặc ít, đều đã có cơ hội gắn với địa danh Sài Gòn của nước Việt Nam ta từ thời còn là thuộc địa của nước Pháp.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 30): Tòa 'biệt thự điên khùng' ở thành phố Hải Phòng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 30): Tòa 'biệt thự điên khùng' ở thành phố Hải Phòng

Trên tấm bản đồ thành phố Hải Phòng đầu thế kỷ XX, tại địa điểm gần cầu Quay (Pont Tournant) và đường Lò Lợn (Rue de l’Abattoire) có một địa danh được ghi bằng 2 chữ tiếng Pháp “Folie Marty”, nếu dịch nguyên nghĩa là “Marty điên khùng”…

1. Roland Garros vốn là giải quần vợt đầu tiên và danh giá nhất của nước Pháp, cũng là giải đấu trên sân đất nện duy nhất trên thế giới, khởi tranh từ năm 1891, chỉ 18 năm sau khi môn thể thao này ra đời vào năm 1873 ở nước Anh. Giải có tên đầy đủ là Giải vô địch Quần vợt quốc tế của nước Pháp (Championat de France International de Tennis), ban đầu chỉ cho người Pháp hoặc người nước ngoài là thành viên các câu lạc bộ quần vợt Pháp mới được tham gia, sau này mở rộng thành một trong những giải quốc tế lớn nhất.

Nhưng đến năm 1928, một sân vận động mới được xây dựng ở Paris, mang tên một phi công anh hùng trong Thế chiến I là Roland Garros. Và cũng kể từ đó, tên gọi của giải rút ngắn thành Giải Roland Garros.

Chú thích ảnh
Roland Garros trước chiếc máy bay Demoiselle, năm 1910

Eugène Adrien Roland Georges Garros sinh ngày 6/10/1888 ở đảo Réunion, một lãnh thổ thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương, nơi các cựu hoàng Đại Nam là Thành Thái và Duy Tân từng bị lưu đày. Nhưng lên 4 tuổi (1892) thì R.Garros theo cha mẹ là ông bà luật sư Georges Garros, người gốc Toulouse của Pháp, chuyển sang Sài Gòn sinh sống. Tại đây, Garros cha, mở văn phòng luật sư, tham gia viết báo (trong đó có tờ Le Courrier de Saigon danh tiếng), viết sách khảo cứu xứ Nam kỳ và đến năm 1904 thì đứng ra lập tờ Le Moniteur des Provinces (Nhựt tỉnh báo).

Thời gian này, Garros con cùng gia đình sống tại ngôi nhà 117 đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), sau này được dùng làm trụ sở tòa báo và có thời gian học tại trường Collège de Chasseloup Laubat danh tiếng (nay mang tên trường Lê Quý Đôn). Nhưng để có điều kiện học các trường có chất lượng cao ở chính quốc, nên năm 1910, ông Garros cha đã gửi người con trai của mình về Pháp, mong có cơ hội học luật nối nghiệp cha. Nhưng Roland Garros trưởng thành lại nổi tiếng hơn ở những hoạt động thể thao. Bước đầu là một cua-rơ xe đạp, bóng đá cả 2 thể thức Âu và Mỹ, rồi tennis… Sự phát minh ra máy bay từ Mỹ đã dấy lên trong giới trẻ châu Âu trào lưu chơi máy bay vốn ban đầu chỉ được coi là môn thể thao mạo hiểm.

Chú thích ảnh
Toàn quyền Đông Dương Robin trong nghi thức đón tiếp Toàn quyền Philippines Davis (trái)

Trên lĩnh vực này, R.Garros còn sang cả Mỹ để học hỏi và sớm nổi tiếng về những chuyến bay lập kỷ lục, trong đó có chuyến vượt Địa Trung Hải và đạt tới độ cao 3.950m (1913). Khi Thế chiến I bùng nổ (1914). Garros đầu quân làm phi công quân sự, nổi tiếng vì bắn rơi được 4 máy bay của Đức... Khi máy bay của ông bị bắn rơi, ông đã nhảy dù, tiêu hủy máy bay để bảo vệ bí mật công nghệ quân sự, rồi bị bắt làm tù binh và tìm cách vượt phòng tuyến của địch để trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu… Ông đã hy sinh trong một trận không chiến chỉ một ngày trước dịp sinh nhật lần thứ 30 (5/10/1918) và cũng chỉ trước ngày đình chiến không đầy một tháng (18/11/1918).

Trung úy phi công Roland Garros được tôn vinh anh hùng, đặt tên cho nhiều công trình công cộng ở chính quốc, cũng như ở các thuộc địa. Ở Sài Gòn thời thuộc địa, người Pháp đã đặt tên một con đường (nay là Thủ Khoa Huân) và phát hành một con tem mang tên, hình ảnh Roland Garros.

Tuy nhiên, ý đồ xây sân quần vợt ngay bên cạnh trung tâm thể thao Stade de France ở Paris vốn được hình thành sau khi các vợt thủ Pháp vừa chiến thắng vang dội tại một giải quần vợt rất danh giá nhất của nước Mỹ, mang tên người sáng lập là Davis phải đến 1928 mới thực hiện được.

Chú thích ảnh
Đoàn rước linh đình qua quảng trường nhà thờ Đức Bà về dinh Toàn quyền

2. Dwight Filley Davis sinh ngày 5/7/1879 tại St.Louis, mất ngày 28/11/1945 tại Washington DC. Davis làm nghề luật sư, nhưng cũng là vợt thủ nổi tiếng của môn tennis, từng 3 năm liên tiếp (1899 - 1901) vô địch đôi nam (cùng Holcombe Ward ở Havard).

Đầu năm 1900, ông tặng một chiếc cúp vô địch của mình làm giải thưởng cho cuộc thi đồng đội quần vợt quốc tế mà ông là người sáng lập. Davis Cup (International Lawn Tennis Challenge Trophy) ra đời và trong 2 mùa giải đầu tiên, chức vô địch đều thuộc về chính ông và đồng đội đánh đôi của mình. Davis Cup, cuộc thi đấu đồng đội đánh đôi giữa các quốc gia được duy trì cho đến ngày nay.

Chú thích ảnh
Trận đấu quần vợt của Toàn quyền Philippines Davis tại CLB Thể thao Sài Gòn

D. Davis có thời gian là ủy viên công cộng của thành phố Saint Louis C (1911-1925), đã cho xây dựng nhiều không gian thể thao công cộng, sân đấu tennis… Dưới thời Tổng thống Calvin Colidge, ông làm trợ lý Bộ Chiến tranh (1923 - 1925), rồi trở thành Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ (1925 - 1929). Qua thời Tổng thống Herbert Hoover, Davis được cử làm Toàn quyền Hoa Kỳ tại Philippines (1929 -1932).

Đầu năm 1931, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier qua thăm Philippines và từ ngày 3 đến 6/3/1931, Toàn quyền Davis qua thăm Sài Gòn lúc này là thuộc địa của Pháp thăm đáp lễ. Chiều ngày 3/3/1931, chính quyền Đông Dương đã đón tiếp Toàn quyền Davis một cách trọng thể. Và trong thời gian lưu lại tại Sài Gòn, ngoài chương trình thăm Viện Pasteur, Trường Pétrus Ký, Thủ Dầu Một… và không thể thiếu được, một trận trình diễn môn tennis lúc này đã khá phổ biến ở Sài Gòn. Có điều công chúng bản xứ chờ đợi cuộc đấu giữa nhà sáng lập Davis Cup với 2 cây vợt đang là niềm tự hào của người Việt là Chim và Giao, những vợt thủ hàng đầu của giới quần vợt bản xứ đã từng giao đấu quốc tế. Nhưng cuối cùng, khi diễn ra tại Câu lạc bộ Thể thao (Cercle Sportif de Sai Gon) trên vườn Tao Đàn với 2 trận diễn đôi: Trận đôi nam-nữ giữa ái nữ của Davis và Murad đấu với cây vợt nữ người Pháp ở Sài Gòn là Mme Grass và cây vợt bản xứ tên Cang. Kết quả thì đôi của cô Davis đã thua. Còn trận Toàn quyền Davis cầm vợt cùng con rể của mình đấu với 2 cây vợt người Pháp ở Sài Gòn là Clavie và Peysson thì kết quả hiệp đầu đội Sài Gòn thắng sát nút 7/5, nhưng ở 2 hiệp tiếp theo, nhà sáng lập Davis Cup đã ra tay với 2 tỷ số áp đảo tuyệt đối là 6/1 và 6/0.

Chú thích ảnh
Biểu trưng Giải Roland Garros
Chú thích ảnh
Tem tưởng niệm phi công Roland Garros, phát hành năm 1943, do họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) thiết kế
Chú thích ảnh
Bưu thiếp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của R.Garros (1888-1988)
Chú thích ảnh
Bưu thiếp ghi nhận chiến công vượt Địa Trung Hải của R.Garros
Chú thích ảnh
Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn đón Toàn quyền Philippines Davis (trái)
Chú thích ảnh
Thăm Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn
Chú thích ảnh
Dinh toàn quyền trong dạ hội đón Davis

  QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm