35 năm Ngày mất học giả Nguyễn Đổng Chi: 'Andersen của Việt Nam'

20/07/2019 07:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều thế hệ người Việt đã lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích, mà hầu hết trong số ấy, đều nằm trong bộ “Kho tàng cổ tích Việt Nam” do Nguyễn Đổng Chi biên soạn. Công trình đồ sộ ấy gồm hơn 2.000 câu chuyện cổ là công sức tâm huyết của ông - một học giả-nhà văn-nhà nghiên cứu danh tiếng, người được tôn vinh là “Andersen của Việt Nam”.   

Học giả Nguyễn Đổng Chi: “Andersen của Việt Nam”

Học giả Nguyễn Đổng Chi: “Andersen của Việt Nam”

Nhiều học giả cho rằng, nếu không có học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi thì có thể sẽ không có Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà người Việt chúng ta đang thừa hưởng hiện nay.

Học giả-nhà văn Nguyễn Đổng Chi mất ngày này cách đây 35 năm, ngày 20-7-1984.

Tuổi trẻ tự học-một trí thức yêu nước   

Nguyễn Đổng Chi, sinh ngày 6-1-1915 trong một gia đình nhà Nho thuộc huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông có truyền thống yêu nước với những người quyết liệt chống Pháp. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi - một nhà giáo có uy vọng, từng tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ Tĩnh, là đồng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết – những nơi tập trung nhiều chí sĩ yêu nước buổi đầu thế kỷ.   

Do gia đình bị thực dân Pháp o ép khiến kinh tế khó khăn nên ông chỉ học hết năm thứ ba bậc trung học một trường tư thục ở Vinh. Không có điều kiện học cao tại trường, nên phần lớn kiến thức đều do ông tự mày mò từ sách vở và cuộc sống. Khoảng năm 1942, khi ra Hà Nội, ông cũng dành nhiều thời gian đến Thư viện Viễn Đông Bác cổ để đọc như một niềm say mê khó bỏ.   

Chú thích ảnh
 Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi qua nét vẽ của họa sĩ Diệp Minh Châu. Nguồn: VOV5

Chứng kiến cuộc sống cơ cực của nhân dân dưới ách đô hộ của Pháp và theo truyền thống gia đình, Nguyễn Đổng Chi cũng sớm góp mặt trong hàng ngũ những người đấu tranh cho độc lập dân tộc. Năm 1936 ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ, sau đó là Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc đứng lên cướp chính quyền huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cuối năm 1946, ông ra Hà Nội, tham gia Đội tự vệ tại Khu phố Triệu Việt Vương, trở thành một chiến sỹ trực tiếp cầm súng đánh Pháp ở mặt trận Nam Hà Nội.   

Năm 20 tuổi, Nguyễn Đổng Chi làm phóng viên cho tờ Thanh-Nghệ-Tĩnh, một tuần báo ở Vinh, cộng tác với nhiều báo chí trong Nam ngoài Bắc và bắt đầu viết truyện với bút danh Nguyễn Trần Ai. Cùng thời gian này, ông viết phóng sự “Túp lều nát” nổi tiếng và bị mật thám Pháp theo dõi. Ông cũng say mê nghiên cứu sử học và văn học, xuất bản nhiều công trình gây tiếng vang trong các học giả, trong đó có công trình “Đào Duy Từ” được Giải Khuyến khích của Học hội Alexandre de Rhodes năm 1943.

Học giả-nhà văn kiệt xuất   

Những năm đầu thế kỷ 20, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đổng Chi và anh trai là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi cùng lăn lộn, tìm hiểu đời sống người dân Bana ở Kon Tum, với lo ngại rằng, “những cái người Bana đang có hiện nay liệu khoảng độ 10-15 năm nữa có còn hay không”. Và cả hai đã hoàn thành công trình “Mọi Kontum” đồ sộ năm 1937 khi Nguyễn Đổng Chi mới ngoài 20 tuổi. Tập sách khi ra đời được xem là công trình điều tra, khảo sát sớm nhất về người Ba Na, mà nói như PGS.TS lịch sử Andrew Hardy, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, thì “đây là quyển sách đầu tiên về nghiên cứu dân tộc học xuất bản bằng tiếng quốc ngữ. Mà đó cũng là một thành tựu lớn của hai tác giả vốn không phải là nhà dân tộc học mà là một bác sĩ và một thanh niên 18 tuổi”.   

“Mọi Kon tum” được Nhà xuất bản Tri Thức tái bản năm 2011 với tên “Người Ba Na ở Kon Tum”. Nhờ tầm nhìn xa và rộng của hai tác giả mà ngày nay, chúng ta đã lưu giữ được những tư liệu cực kỳ có giá trị đối với các nhà nghiên cứu về văn hóa, đời sống của người dân khu vực.   

Năm 27 tuổi, Nguyễn Đổng Chi đã hoàn thành công trình “Việt Nam cổ văn học sử”, xuất bản lần đầu năm 1942. Tác phẩm giải quyết câu hỏi cốt lỗi: văn học Việt Nam có từ bao giờ, và được nhiều nhà khoa học đánh giá có vai trò “đặt nền móng cho ngành nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam”.   

Cuộc đời từng trải với hơn 50 năm cầm bút, phạm vi nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi thật rộng: sáng tác văn học, nghiên cứu văn học viết, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán-Nôm… Ở lĩnh vực nào, ông cũng có những đóng góp đặc sắc, như công trình “Việt Nam cổ văn học sử” lần đầu tiên đưa văn học chữ Hán của người Việt vào văn học sử và nghiên cứu văn học sử theo thể loại, loại hình, kiểu nhà văn...; hay việc phát hiện di chỉ đồ đá cũ ở núi Đọ, Thanh Hóa năm 1960...   

Chú thích ảnh
Nguồn: VOV5

Nhưng cống hiến nổi bật hơn cả của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Ông thể hiện rõ là một nhà nghiên cứu văn học dân gian xông xáo, một nhà văn hóa tiên phong-mở đường, một nhà biên khảo sáng tạo, chuyên nghiệp với nhiều công trình khả tín, hiện đại về lý luận và dồi dào vốn liếng điền dã cũng như tư liệu thực tế, như các tác phẩm: “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh”, “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”… Ông là người đầu tiên đưa ra những kiến giải mới mẻ về loại hình truyện cổ tích Việt Nam trong tương quan với cổ tích thế giới, đồng thời xâu chuỗi các mô típ truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều nước. Hơn 2.000 truyện cổ Việt Nam đã được ông sưu tầm, viết lại và sử dụng nó để soạn nên bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” gồm 5 tập.

Đây cũng là bộ sách nghiên cứu được biên soạn và in xong lâu nhất, trong vòng 25 năm, từ năm 1957 đến năm 1982. Trong đó, ông đã phân loại truyện cổ tích thành 3 tiểu loại: Cổ tích thần kỳ, cổ tích thế sự và cổ tích lịch sử. Với bộ truyện này, giới học thuật đánh giá đóng góp của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi cho văn học dân gian Việt Nam sánh ngang với công lao của anh em nhà Grimn (Đức), A.N.Afanassiev (Nga), H.C.Andersen (Đan Mạch) hay Pourrat (Pháp). Theo đó, ông được coi là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thần thoại Việt Nam, mà cho đến nay, đã hàng chục năm qua vẫn chưa có chuyên khảo nào tiếp bước.   

Ông cũng là người khởi đầu việc xây dựng hệ thống thư mục chuyên đề về sử học và cùng các học giả khác hiệu đính nhiều công trình dịch thuật Hán Nôm quan trọng của Viện Sử học Việt Nam và viết những báo cáo khoa học chứng minh cứ liệu lịch sử về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đệ trình chính phủ Việt Nam.      

Học giả-nhà văn Nguyễn Đổng Chi được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996); Năm 2011 ông được lưu danh trong công trình Bách khoa thư folklore thế giới của nước Đức, đến năm 2016 lại được ghi nhận và đánh giá cao trong bộ Bách khoa thư truyện cổ tích thế giới của Hoa Kỳ.

Thu Hạnh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm