3 ngòi bút mới nói về 1 chuyện không cũ

05/07/2018 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối qua (4/7) tại TOONG Minh Khai (126 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) đã diễn ra cuộc trò chuyện chủ đề viết, cùng ba ngòi bút nổi tiếng là Thuận, Nguyễn Thúy Hằng và Trần Tiễn Cao Đăng. Viết cái gì? Viết như thế nào?... luôn là các câu hỏi mà bất kỳ người cầm bút có ý thức nào cũng sẽ đặt ra, từ cổ chí kim đều vậy, nên có thể nói ba ngòi bút mới đang nói về một chuyện cũ, nhưng không cũ.

Thuận là ngòi bút văn xuôi chuyên nghiệp, hiện sống tại Paris (Pháp), đã xuất bản 7 tiểu thuyết tại Việt Nam, trong đó đình đám có Made in Vietnam, T mất tích, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư… Nguyễn Thúy Hằng là nghệ sĩ thị giác, làm thơ và viết văn, hiện sống tại TP.HCM. Với văn học, chị có các tập thơ gây chú ý như Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, Họ - Bột hư ảo… Trần Tiễn Cao Đăng là một dịch giả, một người viết văn xuôi, hiện sống tại TP.HCM. Anh đã xuất bản Baroque và ẩn họa (truyện ngắn), Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian (tiểu thuyết), Những gặp gỡ không thể có (truyện vừa)…

Ba giọng điệu riêng

Nếu quan sát hành trình đã qua, có thể thấy điểm chung của Thuận, Nguyễn Thúy Hằng và Trần Tiễn Cao Đăng là nỗ lực đổi mới cách viết và tư duy. Những nỗ lực của họ, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của số đông, nhưng đáng ghi nhận, vì đã góp sức vào quá trình đổi mới văn học tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Marcus Mạnh Cường Vũ - Thuận - Nguyễn Thuý Hằng - Trần Tiễn Cao Đăng tại buổi trò chuyện

Còn nếu nhìn vào nội tại văn bản và quan điểm của mỗi người, thì họ khá khác nhau, khó đứng chung “một tập”. Như nói về chủ đề viết, Nguyễn Thúy Hằng cho biết: “Viết, đó là cách tôi chảy trôi, thật vậy, tôi không còn nữa. Tôi nghĩ là một trạng thái như thế, chuyển dịch từ hình thù này sang hình dạng khác, cho đến khi nhu cầu tìm kiếm không còn nữa, hoặc chúng ta đã đi quá xa trong việc tự định nghĩa mà cũng đồng thời xóa đi chính mình”. Nếu đặt định nghĩa này vào các tập thơ tự do đã phát hành, người đọc sẽ hoàn toàn cảm nhận được trạng thái lạc trôi này.

Còn với Trần Tiễn Cao Đăng thì: “Viết là một trong những cách tốt để tiến tới một nhận thức, một định nghĩa ngày càng gần đúng hơn về bản thân và thế giới”. Thật vậy, qua 3 tập truyện, Trần Tiễn Cao Đăng đưa ra nhiều định nghĩa và quan niệm, nhưng gần như không đưa ra định hướng kiểu kết luận, mà anh gần như cùng độc giả thăm dò các nhân vật. Tác phẩm trở thành công cụ để tác giả tìm hiểu nội tâm và ngoại giới.

“Viết không phải là giãi bày hay kể chuyện. Viết là tìm ra các cách viết khác” - Thuận nói. Các tiểu thuyết của chị bảo đảm điều này, khi mà đọc Made in Vietnam, người đọc dễ nghĩ đây sẽ là phong cách viết mà Thuận sẽ theo đuổi dài lâu, nhưng không, đến T mất tích đã khác, đến Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư càng khác. Thuận vừa hoàn tất bản thảo tiểu thuyết thứ 8, nó rất khác với 7 quyển trước, vì gồm 30 lá thư cùng được viết cho một nhân vật là Mina. Thuận nói thêm: “Người ta hay nghĩ rằng sáng tác chỉ cần có hứng và cảm xúc. Theo tôi, cũng giống nhiều ngành khoa học, nghề viết cũng cần trí nhớ tốt, óc tổng hợp, khả năng phân tích và phê bình”.

Với quan điểm và phong cách như thế, chúng ta có thể hình dung được về sự đa dạng và tính phản biện của buổi trò chuyện. Họ đến đây để chia sẻ về viết, có lẽ cũng giống với tâm trạng của Isaac Asimov: “Tôi viết y như lý do tôi thở - bởi nếu không làm thế, tôi sẽ chết”. Vì vậy mà, dù họ đang nói về một chuyện cũ, nhưng không cũ là vậy.

Khơi nguồn cảm hứng

Buổi trò chuyện này do Marcus Mạnh Cường Vũ điều phối, với sự tổ chức của Khơi nguồn cảm hứng. Đến nay họ đã thực hiện được 3 số, đầu tiên là với bộ phim Vĩnh cửu, trò chuyện cùng Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê. Tiếp đến trò chuyện với Jenni Trang Lê, Lê Thanh Sơn, Hàm Trần và Timothy Linh Bùi về nhà làm phim “vỏ Mỹ hồn Việt” vừa qua đời là Stephane Gauger. Gần đây nhất là trò chuyện với Đặng Hoàng Giang về tác phẩm Điểm đến của cuộc đời.

Nếu tính luôn số thứ 4, diễn ra tối qua, Khơi nguồn cảm hứng đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả tham dự. Chủ đích của dự án cá nhân và phi lợi nhuận này là tạo ra những buổi nói chuyện chuyên sâu về các vấn đề hẹp trong văn hóa - nghệ thuật, để qua đây các khán giả trẻ tìm được hướng đi, sự quyết tâm với chọn lựa của riêng mình. Hy vọng Marcus Mạnh Cường Vũ và các đồng sự sẽ “chân cứng đá mềm” để đi dài lâu.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi

Bước sang năm 2018, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội cũng là trách nhiệm của các hội viên là nâng cao chất lượng tương xứng với số lượng tác phẩm văn học...

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm